Các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc đang xây dựng nhiều nhà máy lớn ở Đông Nam Á, dùng giá rẻ làm vũ khí tấn công, tranh giành thị phần hơn 70% của các đối thủ Nhật Bản trong khu vực.

Lý do để ăn mừng

Triển lãm ô tô quốc tế Thái Lan năm nay, diễn ra vào cuối tháng 11 ở gần Bangkok, mang một không khí ảm đạm lạ thường. Một số nhà sản xuất ô tô, trong đó có Toyota, đã quyết định không mở nhạc trong gian hàng như một cách bày tỏ lòng kính trọng với Quốc vương Bhumibol Adulyadej vừa qua đời.

Trong khi đó, SAIC-CP Motor, liên doanh giữa Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) với tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan, lại bật video và mở nhạc lớn hết cỡ để giới thiệu hai sản phẩm. MS GS được giới thiệu là một mẫu xe thể thao việt dã (SUV) đầy đủ trang bị cần thiết mà giá lại phải chăng.

SAIC đã khởi công xây dựng một nhà máy tại tỉnh Chonburi của Thái Lan vào cuối tháng 10. Với công suất thiết kế 200.000 xe/năm, đây sẽ là một trong những nhà máy lớn nhất của Trung Quốc ở nước ngoài. SAIC chưa tiết lộ chi phí xây dựng nhà máy, nhưng một tờ báo của Thái Lan ước tính ít nhất phải 30 tỷ baht (842 triệu USD).

{keywords}

Nhờ lợi thế giá rẻ, MG3 hiện chiếm tới 70% doanh số của SAIC (Ảnh: Nikkei)

Tại một quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia, SAIC và General Motors (GM) đã cùng đầu tư xây dựng một nhà máy trị giá 700 triệu USD với công suất lắpe ráp 150.000 xe mang thương hiệu Wuling mỗi năm.

SAIC có thế mạnh trong việc quảng bá các mẫu xe giá rẻ. MG3, mẫu xe hiện chiếm 70% doanh số của hãng, có giá rẻ hơn 20% so với đối thủ Toyota Vios. "Tôi rất bất ngờ khi nó rẻ như vậy, vì thiết kế khá đẹp," một giáo viên ở Bangkok, người đã mua một chiếc MG3 cách đây 8 tháng, cho biết.

"Vì là thương hiệu chưa nổi tiếng, nên chiến lược giá sẽ là chìa khoá thành công cho chúng tôi," ông Pongsak Lertrudeewattanawong, phó chủ tịch MG Sales, công ty phân phối xe SAIC-CP tại Thái Lan, giải thích.

Những bước đi mạnh bạo

Beiqi Foton Motor, nhà sản xuất xe thương mại lớn nhất của Trung Quốc, lần đầu tiên tham gia Triển lãm ô tô Thái Lan vì vừa khởi công xây dựng một nhà máy ở Thái Lan với công suất 10.000 xe bán tải mỗi năm. Thái Lan sẽ là trung tâm sản xuất thứ 3 của Foton ở nước ngoài, bên cạnh Nga và Ấn Độ.

Foton có kế hoạch dùng Thái Lan làm cửa ngõ để tiến sâu vào thị trường Đông Nam Á. Tổng số vốn đầu tư đã vượt mức 1 tỷ baht, và nhà sản xuất ô tô này dự định sử dụng hơn 55% phụ tùng nội địa để tăng sự cạnh tranh về giá.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng đang đổ tiền vào lĩnh vực xe chạy điện. BAIC, tập đoàn mẹ của Foton ở Bắc Kinh, sẽ bắt đầu hoạt động tại nhà máy lắp ráp xe điện ở Malaysia vào năm sau. Công ty tháng trước cũng đã ra mắt các mẫu xe tay lái nghịch để phù hợp với thị trường Malaysia và Thái Lan.

Các hoạt động này của SAIC và BAIC (cả hai đều là doanh nghiệp nhà nước) ở khu vực Đông Nam Á hoàn toàn phù hợp với "Sáng kiến Một vành đai, Một con đường" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, kết nối giao thông trên toàn châu Á, được kỳ vọng sẽ dẫn tới việc gia tăng nhu cầu mua xe bán tải và các loại xe thương mại. Từ đó, nhu cầu mua xe con của tầng lớp trung lưu ở châu Á có thể cũng tăng lên theo.

Sự đầu tư của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc ở Đông Nam Á có thể hơi quá, nhưng sự mạnh tay của họ cho thấy có thể đây là chiến lược từ nhà nước, chính phủ sẽ đứng ra bù lỗ.

Thị phần xuất khẩu ô tô của Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á đã tăng lên trong thời gian qua, trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại chính của Nga và Brazil không còn sôi động. Đông Nam Á được dự báo là sẽ tiêu thụ hơn 30% lượng ô tô xuất khẩu của Trung Quốc trong năm nay, tăng gấp đôi so với tỷ lệ năm 2014. Và đây chính là động lực để các nhà sản xuất ô tô tăng cường đầu tư vào khu vực này.

Đường còn dài

Công suất của hai nhà máy của SAIC sẽ giúp tăng thêm khoảng 10% tiêu thụ ô tô hàng năm ở Đông Nam Á. Nếu các nhà máy này hoạt động hết công suất, sản lượng của SAIC trong khu vực sẽ tương đương của các nhà sản xuất ô tô nhỏ của Nhật Bản.

Tuy nhiên, thị phần của các công ty ô tô Trung Quốc ở 6 thị trường lớn nhất khu vực hiện chỉ ở mức 0,2%. Một nhà phân tích ô tô ở Thái Lan lý giải bằng các vấn đề về kiểm soát chất lượng, việc mất giá rất nhanh của xe và tình trạng thiếu xưởng sửa chữa.

"Nói thẳng ra là các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khó có thể cạnh tranh ngang ngửa với các doanh nghiệp Nhật Bản," ông Sanshiro Fukao, chuyên gia hàng đầu của Viện nghiên cứu Hamagin, cho biết.

Tuy nhiên, riêng ở lĩnh vực xe điện thì các công ty Trung Quốc lại đi trước Nhật Bản, theo ông Fukao.

"Thái Lan và các nước khác đang khuyến khích ô tô chạy điện, và đây có thể là cơ hội của các công ty Trung Quốc," ông Fukao nhận định.

(Theo Dân trí)