Khi vụ việc ăn cướp táo tợn xảy ra ở một chung cư cao cấp vẫn còn gây bất an cho nhiều người thì mới đây, báo chí lại tiếp tục đưa tin về việc kẻ trộm ngang nhiên “ghé thăm” ở một khu chung cư khác tại Hà Nội.

Chung cư cao cấp lỗ nặng tiền tỷ: Đầu cơ tháo chạy, đại gia ôm bom

Cư dân tụ tập, căng băng rôn đòi tiền bảo trì chung cư

Nhiều chung cư bị trộm viếng thăm

Mới đây, Công an Hà Nội đã có kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Nguyễn Tuấn Việt trong vụ cướp táo tợn ở khu chung cư cao cấp Golden Westlake, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Theo kết luận điều tra, Việt đã giả làm nhân viên sửa điện đột nhập vào căn hộ chung cư cao cấp ở Hà Nội, dùng súng nhựa uy hiếp cướp hơn 1 tỷ đồng.

{keywords}
Ở nhiều chung cư mới, hiện đại, vì tiết kiệm chi phí, chủ đầu tư không thuê các công ty quản lý chuyên nghiệp, bố trí lực lượng bảo vệ quá mỏng, lắp thiết bị ổ khóa rẻ tiền, thiếu camera… nên vẫn xảy ra tình trạng trộm cướp.

Khi vụ việc còn khiến nhiều người chưa hết hốt hoảng, bất an vì ăn cướp có thể lộng hành ở một chung cư cao cấp thì mới đây, báo chí lại tiếp tục đưa tin về việc kẻ trộm ngang nhiên “ghé thăm” ở một khu chung cư khác tại Hà Nội.

Cụ thể, theo phản ánh của chị Vân ở chung cư Mandarin Garden 2 (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội), gia đình chị đã bị trộm đột nhập lấy đi một số trang sức trong phòng vào trưa ngày 18/11.

Sau khi phát hiện sự việc, cư dân này đã yêu cầu lực lượng an ninh tòa nhà cho xem lại camera. Qua hình ảnh lưu lại cho thấy có một nam thanh niên đi từ cầu thang thoát hiểm của tòa A chung cư Mandarin Garden 2 qua một số nhà cùng dãy và đến bấm chuông căn phòng của nhà chị. Khi đó, chị này không có nhà và con trai chị không mở cửa. Sau đó, nam thanh niên trên trèo qua cửa thông gió của hành lang để vào căn hộ chưa có người ở bên cạnh.

Từ căn hộ này, nam thanh niên trên trèo qua cửa sổ lan can để sang lan can nhà chị Vân. Đối tượng mở cửa ban công nhà chị Vân (cửa không khóa) vào trong nhà rồi dùng tua vít cạy cửa phòng của chị Vân, lấy đi một túi xách và một số đồ trang sức, đồng hồ ở trong phòng. Hiện vụ việc đang được Công an phường Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) xác minh, điều tra.

Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít các chung cư bị kẻ trộm “viếng thăm” dưới nhiều cách. Chủ hộ tại một chung cư trên địa bàn Hà Đông từng cho biết họ đã bị trộm đột nhập lấy đi nhiều món đồ giá trị gần 80 triệu đồng.

Sau khi Công an phường đến làm việc và xác minh thì cư dân này mới “tá hoả” khi biết tên trộm đã đột nhập căn hộ bằng dây thừng, leo từ khu vực hành lang lên các ban công. Một số vụ khác thì do kẻ trộm lẻn qua đường thang bộ rồi lợi dụng sơ hở của các chủ hộ.

Một điều đáng bàn tới, đó là các vụ trộm lớn nhỏ không chỉ xảy ra tại các chung cư bình dân, chung cư cũ mà còn ở những dự án cao cấp. Chị Hương – chủ căn hộ tại một chung cư cao cấp ở Cầu Giấy chia sẻ: “Một trong những lý do tôi mua nhà ở chung cư là vì nghĩ rằng an ninh sẽ tốt hơn nhà mặt đất và có thể yên tâm đóng cửa đi làm mà không lo sợ trộm cắp. Trong số phí dịch vụ vận hành chung cư hàng tháng phải đóng có cả cả chi phí an ninh đầy đủ. Thế nhưng nhiều vụ việc trộm cướp gần đây mà báo chí thông tin khiến tôi cảm thấy rất hoang mang”.

“Tôi cho rằng nếu để xảy ra mất trộm phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý, đơn vị bảo vệ an ninh như vậy vấn đề an toàn của cư dân mới được thắt chặt hơn”, chị Hương nói.

Làm sao "né" cảnh bị trộm viếng thăm?

So với nhà nặt đất, chung cư thường được cho là có tính bảo đảm hơn nhờ có hệ thống camera dày đặc và lực lượng bảo vệ tòa nhà 24/7. Nắm được tâm lý này, nhiều chủ đầu tư khi rao bán căn hộ cũng thường kèm theo quảng cáo về hệ thống an ninh, an toàn tuyệt đối.

Trên lý thuyết là vậy, nhưng thực tế trộm cướp vẫn xảy ra và gây hoang mang đối với nhiều cư dân. Nhiều chung cư người lạ vào vô tư như "chốn không người". Nhiều chung cư có sử dùng thẻ từ nhưng cầu thang bộ hoàn toàn không có ai kiểm soát. Và ngay ở các thang máy thì người lạ hoàn toàn có thể lợi dụng đám đông đi lẫn vào hoặc nhờ người khác quẹt hộ nếu thiếu sự giám sát của bảo vệ.

Thậm chí khá bất ngờ, hồi tháng 4/2018 báo chí còn đưa tin tại một chung cư cao cấp ở quận 2 (TP.HCM) đã xảy ra vụ trộm cắp tài sản mà do chính nhân viên bảo vệ của chung cư này thực hiện.

{keywords}
Tại nhiều diễn đàn, hội nhóm của các cư dân, vấn đề nêu cao cảnh giác phòng chống trộm cắp được bàn tán khá sôi nổi.

Một cán bộ công an cho biết, trước đây nạn trộm cắp thường xảy ra ở các chung cư cũ do ở đó thiếu lực lượng bảo vệ và các thiết bị an ninh như camera, thẻ từ... Song gần đây ở nhiều chung cư mới, hiện đại, vì tiết kiệm chi phí, chủ đầu tư không thuê các công ty quản lý chuyên nghiệp, bố trí lực lượng bảo vệ quá mỏng, lắp thiết bị ổ khóa rẻ tiền, thiếu camera an ninh tại những vị trí trọng yếu… nên xảy ra tình trạng trộm cướp.

Mặt khác, tại nhiều các chung cư cao cấp mặc dù vẫn bố trí đầy đủ thiết bị kiểm tra an ninh như camera, thẻ từ... nhưng có thời điểm kẻ cắp lợi dụng lúc nhân viên bảo vệ hoặc chủ hộ chủ quan, lơ là để đột nhập vào căn hộ trộm tài sản.

Bên cạnh việc nâng cao ý thức từ phía ban quản lý, chủ đầu tư... các chung cư trong việc thực hiện trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các cư dân thì bản thân các hộ dân cũng cần tránh việc lơ là, mất cảnh giác. Mỗi gia đình cũng cần trang bị các thiết bị chống trộm như camera, chuông báo động, đặc biệt trong điện thoại phải có sẵn số liên hệ của bảo vệ chung cư, công an khu vực để gọi khi có sự cố.

Trong trường hợp, ở nhà chỉ có người già và trẻ em thì tuyệt đối không mở cửa khi thấy người lạ. Ngoài ra, trước lúc đi ngủ, bạn nên xem lại khóa cửa, kiểm tra cẩn thận mọi ngóc ngách đề phòng trộm đã vào từ lúc bạn sơ hở không để ý...

(Theo Dân trí)

Thảm họa cháy chung cư: Đừng để chết người rồi mới đi kiểm tra

Thảm họa cháy chung cư: Đừng để chết người rồi mới đi kiểm tra

Bi kịch ở chung cư Carina diễn ra vào đầu năm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những dự án vừa mới ra mắt mà còn kéo dài thành nốt lặng trên thị trường căn hộ. 

Tranh chấp chung cư: Ầm ĩ băng rôn và bình tĩnh đối thoại

Tranh chấp chung cư: Ầm ĩ băng rôn và bình tĩnh đối thoại

Hàng loạt sự việc mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân thời gian qua cho thấy cách duy nhất để 'tháo ngòi nổ' vẫn phải cùng nhau đối thoại để có được tiếng nói chung.