Một mình FDI là không đủ

Trước những thông tin về việc các tập đoàn dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, nhiều người vui mừng, nhưng vẫn có người thận trọng.

Hào hứng với những thông tin về việc các tập đoàn dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, nhưng liệu FDI có phải là cú hích cho Việt Nam thịnh vượng?. Cùng với FDI, việc đầu tư cho nền công nghiệp trong nước cũng quan trọng không kém.

Trong cuộc trò chuyện với PV, một chuyên gia của Bộ Công Thương chia sẻ: Trong ngành dệt may và da giày, hiện số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 20%, còn 80% là doanh nghiệp nội địa. Nhưng doanh thu của khu vực FDI lại chiếm 80%, trong khi doanh nghiệp nội địa chỉ nắm khoảng 20%.

“Chi phí môi trường, lao động ở Trung Quốc đang tăng cao nên có hiện tượng dịch chuyển nhà máy khỏi nước này. Nhưng nếu 10 năm nữa, lương lao động của Việt Nam cũng tăng cao, các doanh nghiệp FDI rút lui thì Việt Nam còn lại gì? Bao năm nay doanh nghiệp trong nước không nắm được công nghệ, không có được thị trường, còn thị trường nội địa đã mở toang với những hiệp định thương mại tự do. Như vậy, Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ của các nước”, lời cảnh báo đầy suy tư của vị chuyên gia.

{keywords}
Công nghiệp ô tô với sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI vẫn chưa thực sự khởi sắc.

Đó là chưa kể nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng phụ thuộc vào nước ngoài, trong đó phần lớn là từ Trung Quốc. Trình bày tại một tọa đàm về công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, có lãnh đạo doanh nghiệp kể rằng ông thấy rất xót xa khi bên trong một container nhập khẩu hàng cơ khí chỉ có 4 cái khung thép hàn mà theo ông, giá trị chỉ khoảng 60 triệu đồng, trong khi cước phí vận chuyển đường biển và bốc xếp tại cảng đã là 18 triệu đồng.

Một khung thép hàn cũng phải nhập khẩu vì trong nước chưa sản xuất được thép chế tạo. Thép được coi là bánh mì của các ngành công nghiệp. Nhưng ở Việt Nam lâu nay mới tập trung sản xuất thép xây dựng, còn các loại thép phục vụ cơ khí chế tạo như đóng tàu, làm vỏ ô tô, chế tạo động cơ,... hầu hết vẫn nhập khẩu. Một số nhà máy thép như Formosa Hà Tĩnh, Hòa Phát ở Quảng Ngãi đã bước đầu sản xuất được thép tấm cán nóng, để làm cơ sở cho việc làm thép chế tạo nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu.

Những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương liên tục được ký kết đã làm nảy sinh tâm lý “nhập cho nhanh”. Những ngành công nghiệp mang tính nền tảng trong nước không được đầu tư đúng mức. Nhật Bản là một cường quốc, nhưng trong Vịnh Tokyo vẫn có 12 nhà máy sản xuất thép chế tạo. Hàn Quốc, Trung Quốc đi lên cũng từ việc phát triển mạnh các ngành công nghiệp nền tảng.

Trong khi Việt Nam chỉ lưa thưa 2 nhà máy có thể làm thép tấm cán nóng, cơ sở để làm thép chế tạo, trong đó một là của doanh nghiệp FDI.

{keywords}
Dự án thép của Hòa Phát ở Quảng Ngãi.

Ngành cơ khí, chế biến chế tạo tụt hậu

Nguyên liệu, vật tư thiếu thốn, phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu cũng là một trong các lý do khiến ngành cơ khí trong nước “thoi thóp”, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Đáng nói, thuế nhập khẩu linh kiện phụ tùng ở nhiều mặt hàng (15%) lại cao hơn cả thuế nhập khẩu máy nguyên chiếc (0%), triệt tiêu động lực sản xuất của nhiều doanh nghiệp.

“Phần lớn các vật tư nguyên liệu cho sản xuất cơ khí là nhập khẩu, ngành cơ khí vẫn trong tình trạng thiếu đồng bộ, hằng năm chúng ta phải chi hàng chục tỷ đô-la nhập khẩu trang thiết bị, máy móc. Tỷ lệ nội địa hóa thấp, công nghiệp hỗ trợ hiện nay chỉ cung cấp được khoảng 10-15% nhu cầu thị trường trong nước, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu, tạo áp lực nhập siêu lớn cho nền kinh tế (lĩnh vực ô tô, dệt may nhập khẩu linh kiện tới 80-90%).

Đó là những nhận định được nêu tại Báo cáo Kết quả hội nghị “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo Việt Nam” do Ủy ban KHCN và môi trường của Quốc hội thực hiện ngày 27/5/2019.

Từ một nước có tiềm lực cơ khí vào bậc nhất Đông Nam Á những năm 1965-1985, đến nay ngành cơ khí chế tạo Việt Nam đang bị tụt hậu so với một số nước trong khu vực.

Nhiều lý do dẫn đến tình trạng ấy, trong đó có nguyên nhân thiếu vốn. Một đại diện Bộ Công Thương cho biết: Đầu tư thép xây dựng chỉ cần lượng vốn nhỏ, cần dây chuyên 1 triệu tấn là đã có hiệu quả, còn sản xuất thép phục vụ cơ khí chế tạo cần nguồn vốn rất lớn, phải đầu tư tổ hợp 5 triệu tấn trở lên mới hiệu quả. Nhìn những doanh nghiệp trong nước, ngoài Hòa Phát, khó có gương mặt nào đảm đương nổi.

Còn trong ngành dệt may, nguyên liệu cũng nhập khẩu từ xơ, sợi, vải,... với kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, nền sản xuất trong nước rõ ràng có khả năng làm được những nguyên liệu này, lại bị nỗi lo ô nhiễm môi trường làm chậm lại. Nhiều địa phương nhắc đến dự án dệt nhuộm là “lắc đầu”.

Hệ quả là Việt Nam có thể không tận dụng được các cơ hội giảm thuế từ những hiệp định thương mại do không đáp ứng được tiêu chí “từ sợi trở đi”. Trong khi đó, hàng loạt quốc gia khác vẫn đều đều xuất khẩu vải, sợi,... vào Việt Nam. Các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng chấp nhận việc gia công đơn hàng cho doanh nghiệp châu Âu, châu Mỹ, “ráo mồ hôi là lấy tiền”, không đủ nguồn lực bỏ ra hàng trăm triệu USD làm nhà máy dệt.

Vực dậy nền công nghiệp, phải làm từ “gốc”

Các câu chuyện trên cho thấy, những ngành công nghiệp có tính nền tảng, sản xuất linh kiện, phụ tùng, máy móc,... của Việt Nam rõ ràng đang thất thế nhiều so với những “người hàng xóm”. Đáng ra, những ngành này phải được thúc đẩy khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập thì lại “đuối dần”.

Bộ máy quản lý, hoạch định chính sách công nghiệp cũng từ đó mà thu hẹp. Từ chỗ có Bộ Cơ khí và Luyện kim, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, nay chỉ còn Cục Công nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương với khoảng 40 công chức, phải cáng đáng cả việc hoạch định chính sách của toàn ngành công nghiệp. Một nhiệm vụ được những người trong cuộc thừa nhận là “quá sức”, “không thể làm được”.

Trở lại việc thu hút FDI và lời băn khoăn của vị chuyên gia nọ, Việt Nam còn lại gì nếu ngày nào đó FDI rời đi? Chúng ta sẽ có tất cả công nghệ, kỹ năng quản trị, thị trường,... nếu như bây giờ tận dụng tốt giá trị lan tỏa của FDI, đồng thời lấp đầy được những khiếm khuyết trong các ngành công nghiệp kể trên.

Ngược lại, chúng ta sẽ tay trắng khi họ rời đi, để rồi tiếp tục phận làm thuê ở hình thức này hay hình thức khác ngay trên quê hương mình. Nếu như chúng ta làm được thép chế tạo, làm được sợi, vải, phát triển công nghiệp cơ khí, chế biến chế tạo... chúng ta sẽ làm chủ được nền tảng sản xuất, quyết định sự thịnh vượng của quốc gia. Điều ấy sẽ tốn thời gian, công sức và tiền của. Nhưng 10 năm, 20 năm sau chúng ta có cơ hội để thấy một nền sản xuất vững mạnh có đủ đầy gốc rễ.

Vậy nên, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội (*) đã đúc rút: Để Việt Nam có thể trở thành nước phát triển vào năm 2045, sứ mệnh lịch sử của ngành cơ khí chế tạo rất quan trọng. Nếu đi thẳng vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà không chú trọng xây dựng và phát triển một nền cơ khí chế tạo, thì đó chỉ là “xây nhà trên cát”.

Lương Bằng

(*) Bài viết ngày 22/6/2019, trên Tạp chí Cộng sản.

Khi Apple tới Việt Nam và dòng FDI bắt đầu dịch chuyển

Khi Apple tới Việt Nam và dòng FDI bắt đầu dịch chuyển

 - "Người khổng lồ" Apple đang đặt những dấu chân sâu đậm hơn trong việc sản xuất các linh kiện, sản phẩm "made in Vietnam", mở ra cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.