"Làm sao để Việt Nam tránh các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp và thậm chí là bẫy rác thải công nghiệp; làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau trên đường phát triển, tạo ra tăng trưởng bao trùm tốt hơn nữa; làm sao để kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 10 của Trung ương; tận dụng được cơ cấu dân số vàng, để giàu trước khi già chứ không phải già trước khi giàu".
Đây là vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Ngành Kế hoạch và Đầu tư (31/12/1945-31/12/2020) và Lễ đón nhận Huân chương độc lập Hạng Nhất.
Tại đây, Thủ tướng đã nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có tầm nhìn xa hơn các bộ, ngành khác, phải là bộ đi đầu trong đổi mới tư duy và lan tỏa tư duy đổi mới sáng tạo sang các bộ, ngành khác và các địa phương trong cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: Đức Thanh) |
Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hiến kế để đạt được sự bứt phá cho các mục tiêu KTXH năm 2021 cũng như những giai đoạn tiếp theo gắn với những mục tiêu và tầm nhìn mà Đại hội Đảng lần thứ XIII tới đây sẽ đặt ra.
Nói về sự phát triển của một bộ ngành đặc thù của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, suốt 75 năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động ngành kế hoạch và đầu tư luôn thể hiện tinh thần tận tụy, trung thành, bản lĩnh vững vàng; là người lính xung kích trong đổi mới tư duy kinh tế, những người có tư duy nhạy bén, sắc sảo, nắm bắt nhanh các vấn đề mới; tiên phong trong đổi mới sáng tạo; là tổng tham mưu trưởng trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) của đất nước,... hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.
Ngành Kế hoạch và Đầu tư vinh dự là một trong số ít ngành có bề dày lịch sử đi cùng với chiều dài lịch sử ra đời của nước Việt Nam ta. Năm 2045 cũng là thời điểm kỷ niệm 100 năm ngành kế hoạch và đầu tư. “Câu hỏi đặt ra là tầm nhìn của ngành kế hoạch và đầu tư như thế nào vào năm 2045, vai trò, chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ như thế nào trong những thập niên tới?”.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi giành được độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết, tiền thân của cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm ủy viên là tất cả các Bộ trưởng, Thứ trưởng, các Tiểu ban chuyên môn, đặt dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại lễ kỷ niệm |
Ngay từ khi được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò, trọng trách và tầm quan trọng của công tác tham mưu, kế hoạch, kiến thiết. Người nhấn mạnh: “Sự nghiệp kiến quốc cần phải có một chương trình cụ thể được nghiên cứu một cách kỹ càng” và giao nhiệm vụ “Nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hoá và thảo ra những đề án kiến thiết đưa lên Chính phủ”.
“Trong suốt chặng đường 75 năm qua, quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn gắn liền với những mốc son lịch sử phát triển đất nước và dân tộc, với những dấu ấn và đóng góp quan trọng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Kế hoạch và Đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhà nước, hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; từ một nước kém phát triển, thu nhập thấp trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình như ngày nay.
Lương Bằng