Gần 1,5 tỷ USD là số nợ mà Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải trả tính đến cuối năm 2016, chủ yếu bao gồm các khoản tiền vay và nợ thuê tài chính.
Khoản nợ khổng lồ của chủ đầu tư cao tốc vừa thông xe đã thủng lỗ chỗ
Sự thật 'bê tông cốt chuối' trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
VEC chính là chủ đầu tư của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe chưa được một tháng đã bị bong tróc, chất lượng mặt đường kém, khiến dư luận bức xúc.
Đây là một trong 16 doanh nghiệp, tổng công ty thuộc diện quản lý của Bộ Giao thông Vận tải. Tới đây VEC sẽ được chuyển về chịu sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp này cũng được xem là "ông trùm" đường cao tốc tại Việt Nam khi giữ vai trò chủ đầu tư của hàng nghìn km đường cao tốc đã và đang triển khai khắp cả nước.
Nợ gần 1,5 tỷ USD
Theo báo cáo tài chính mới nhất mà VEC công bố, tính đến cuối năm 2016, doanh nghiệp này có tổng tài sản lên tới 77.300 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm giá trị từ tài sản cố định và tài sản dở dang là các tuyến đường cao tốc "ông lớn" này đã và đang xây dựng.
Tuy nhiên, để sở hữu khối tài sản khổng lồ như vậy, VEC cũng phải gánh khoản nợ phải trả lên tới 34.500 tỷ đồng, chiếm 45% tổng nguồn vốn công ty. Trong số này, hơn 9.000 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, còn lại hơn 25.500 tỷ đồng là nợ dài hạn.
Bên cạnh đó, gần như 99% số nợ VEC phải trả thời điểm này đều là tiền đi vay và thuê tài chính. Các khoản nợ khác chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Trong năm 2016, VEC đã vay thêm 1.388 tỷ đồng, gấp 8 lần so với số tiền tổng công ty này vay trong năm 2015.
Tổng vốn chủ sở hữu của công ty đến cuối 2016 vào khoảng 42.800 tỷ đồng, nhưng vốn đầu tư của chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 1.000 tỷ đồng, còn lại gần 41.800 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình là vốn đầu tư xây dựng cơ bản của VEC.
Nguồn vốn cùng các khoản nợ vay khổng lồ này bắt nguồn từ năm 2007 khi VEC được cho phép hoạt động theo cơ chế vay lại vốn ODA, cộng với việc được phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, vay vốn tín dụng đầu tư phát triển… Nhờ vậy, VEC huy động được lượng lớn vốn để đầu tư vào các dựa án cao tốc giá trị hàng nghìn tỷ trong khi vốn đầu tư của chủ sở hữu chỉ là 1.000 tỷ đồng.
Năm 2016, VEC ghi nhận 2.216 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so với năm 2015. Kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù với giá vốn rất thấp, tổng công ty này thu về tới 2.153 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Tuy nhiên, chi phí tài chính lên tới 2.000 tỷ đồng chủ yếu là các khoản trả nợ trong và ngoài nước khiến lãi ròng công ty thu về chỉ đạt 122 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 so với năm trước đó.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2018, VEC sẽ hoàn thành quyết toán dự án Cao tốc Nội Bài - Lào Cai; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; hoàn thành và đưa vào khai thác tạm đoạn tuyến WB tài trợ trong dự án Cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi; một phần Cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng sẽ được hoàn thành...
Tổng công ty dự kiến giải ngân khoảng trên 7.000 tỷ đồng cho công tác quản lý đầu tư các tuyến cao tốc. VEC dự kiến thu về 3.135 tỷ đồng tiền phí và cũng sẽ chi ra trên 807 tỷ đồng cho công tác vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, thu phí…
Kết quả, VEC sẽ đạt khoảng 3.397 tỷ đồng doanh thu trong năm nay và thu về gần 366 tỷ lãi ròng sau thuế.
Công ty này cũng lên kế hoạch trả nợ trong và ngoài nước với tổng giá trị 1.933 tỷ đồng, bao gồm, trả nợ cho các khoản vay đến hạn phần vốn ADB là 717 tỷ đồng; trả nợ lãi, phí vay lại là 868 tỷ đồng và trả lãi trái phiếu từ 2016-2018 với mức phí là 116 tỷ đồng/năm.
Không phải lần đầu tiên
Thành lập từ năm 2004 với vốn điều lệ chỉ 1.000 tỷ đồng, việc áp dụng cơ chế mới từ năm 2007 đã giúp VEC tiếp cận được nguồn vốn dồi dào để thực hiện các dự án cao tốc giá trị của mình.
Đến nay, VEC là một “ông trùm” thực sự trong lĩnh vực đường cao tốc. Phải kể tới hàng loạt dự án cao tốc lớn đã hoàn thành như Cao tốc Nội Bài -Lào Cai dài 245km, tổng mức đầu tư trên 1,46 tỷ USD; Cao tốc Long Thành -Dầu Giây dài 55km, tổng mức đầu tư 20.630 tỷ; Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 56km, tổng mức đầu tư 8.974 tỷ; Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8km, tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng; hay dự án mới nhất được đưa vào sử dụng là Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 140km, có tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng...
Mới chỉ thông xe hơn 1 tháng nhưng Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã xuất hiện nhiều vết lún, "ổ gà"... Ảnh: Giáp Hồ. |
Tuy nhiên, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sau khi đưa vào sử dụng 1 tháng, mặt đường cao tốc đã xuất hiện nhiều điểm bong tróc, xuống cấp với nhiều "ổ gà", "ổ trâu".
Đây cũng không phải lần đầu tiên một dự án cao tốc do VEC triển khai gặp sự cố xuống cấp khi mới thông xe. Trước đó, Cao tốc Nội Bài - Lào Cai mới đi vào hoạt động cũng đã xuất hiện vết lún, nứt. Bộ GTVT sau đó đã phải yêu cầu VEC xử lý bù phụ mặt đường trong quá trình theo dõi chờ lún. Tổng công ty này cũng thừa nhận do công tác giám sát thi công còn hạn chế nên xuất hiện một số tồn tại.
Tương tự, dự án Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng từng bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt vi phạm từ khâu lập và lựa chọn phương án thiết kế, công trình không đạt yêu cầu về kỹ thuật, thời gian lập dự án khả thi kéo dài... khiến tổng mức đầu tư của dự án tăng gấp 2,5 lần từ 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, được khởi công ngày 19/5/2013 và chính thức thông xe đầu tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên chỉ sau 1 tháng, mặt đường cao tốc xuất hiện nhiều điểm bong tróc và hàng loạt "ổ gà", "ổ trâu". Ngày 11/10, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ GTVT làm rõ nguyên nhân cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới thông xe đã xảy ra hỏng mặt đường và trách nhiệm của đơn vị thi công. Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu VEC khẩn trương chỉ đạo nhà thầu và các đơn vị liên quan kiểm tra để sửa chữa, khắc phục căn cơ, triệt để các vị trí hư hỏng. Ngày 12/10, Hội đồng thành viên VEC đã kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Tổng giám đốc Trần Văn Tám. Ông Tám có vai trò phụ trách trực tiếp và quản lý vận hành bảo trì dự án nhưng không nghiêm túc thực hiện nghị quyết của Hội đồng thành viên, để xảy ra hậu quả. Tổng giám đốc VEC phải tổ chức kiểm điểm Ban quản lý dự án và Ban giám đốc do chậm sửa chữa các hư hỏng mặt đường, cung cấp thông tin báo chí không đầy đủ, kịp thời, né tránh trách nhiệm. Các đơn vị quản lý, bảo trì tuyến cao tốc cũng phải tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan. Hội đồng thành viên VEC yêu cầu Tổng giám đốc báo cáo kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân trước ngày 19/10. |
(Theo Zing)
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ “lụt” tiến độ nghiêm trọng vì vướng mặt bằng
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo kế hoạch phải hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2018, nhưng đến nay vẫn đang “lụt” tiến độ vì giải phóng mặt bằng chậm.