Không còn là chuyện viễn tưởng nữa, thời của những chiếc xe có trí thông minh, đọc được cảm xúc của con người, sắp thịnh hành. “Vượt qua những giới hạn của ô tô” là định nghĩa mới về cách thức di chuyển của con người trong tương lai.

Khái niệm “xe hơi cảm xúc” đến nay vẫn còn khá mới mẻ và xa lạ với nhiều người. Khó có thể tin một vật vô tri vô giác như ô tô, lại có thể thấu hiểu được những cảm xúc của con người. Tuy khó hình dung, nhưng đây lại là tương lai của những chiếc xe mà chúng ta sẽ đi.

Cách mạng công nghệ

Khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, tích hợp vào phương tiện giao thông chở người đang được các tập đoàn ô tô lớn tích cực nghiên cứu và triển khai, giúp nâng cao trải nghiệm mỗi khi lái xe.

Chúng ta đều biết, cảm xúc luôn ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống mỗi con người. Từ sinh hoạt hàng ngày đến làm việc, học tập và vui chơi. Cảm xúc điều khiển chúng ta và tạo nên niềm vui, nỗi buồn, sự sảng khoái hay mệt mỏi, phiền muộn,...

{keywords}
Xe hơi cảm xúc sắp tràn ngập đường phố

Công nghệ nhận diện cảm xúc được phát triển nhằm đo các biểu cảm. Trước tiên, nó nhận diện khuôn mặt người thật bằng webcam thông thường. Sau đó, các thuật toán sẽ xử lý hình ảnh, xác định những điểm quan trọng trên khuôn mặt, ví dụ như góc lông mày, đầu mũi, khoé miệng,... rồi phân tích điểm ảnh ở các vùng để xếp loại biểu cảm. Tập hợp các biểu cảm này, sẽ xác định được trạng thái cảm xúc. Với phương thức học liên tục thông qua trí tuệ nhân tạo, công nghệ nhận diện cảm xúc có thể nhanh chóng điều chỉnh các thuật toán, để đạt hiệu quả và sự chính xác cao.

Công nghệ này bắt đầu được áp dụng cho nhiều phương tiện khác nhau trong cuộc sống, trong đó có giao thông đường bộ, nơi các lái xe thường phải đối mặt với công việc nhàm chán, mệt mỏi, nhất là khi di chuyển trên quãng đường dài.

Một loạt tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới như Toyota, Honda, Mercedes Benz,... đã chi hàng tỷ USD để cho ra đời những chiếc ô tô, kể cả xe máy, có trí thông minh, hiểu và chia sẻ cảm xúc với con người, giúp cho mỗi hành trình không còn sự nhàm chán, trở nên thú vị và phấn khích hơn. “Vượt qua những giới hạn của ô tô”, là một định nghĩa mới về cách thức di chuyển của con người trong tương lai.

{keywords}
Xe hơi biết nhận diện cảm xúc buồn, vui của người lái

Đến thời điểm hiện tại những chiếc xe này mới chỉ dừng ở mẫu Concept (ý tưởng), nhưng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, có thể nói, thời kỳ “xe hơi cảm xúc” sắp thịnh hành.

Thấu hiểu và yêu thương

Những chiếc xe “thấu hiểu” lòng người, biết “yêu thương” chủ nhân, đang được các nhà sản xuất phát triển, có nhiều giá trị hết sức mới lạ và độc đáo.

Tập đoàn Toyota (Nhật Bản) đã hoàn tất mẫu Concept- i, nó không chỉ là chiếc xe, mà còn là người bạn đồng hành đúng nghĩa.

Tính năng quan trọng nhất của Concept- i là kết hợp những dự báo về hành vi và nhận diện cảm xúc để điều khiển cuộc trò chuyện với người lái, giúp con người có tâm trạng và cảm xúc tốt hơn khi di chuyển.

Mẫu concept này có thể xác định một loạt các cảm xúc từ hạnh phúc đến trung tính, phấn khích, hay mệt mỏi. Sau đó, sẽ thử thay đổi tâm trạng của người lái bằng các cách tạo mùi hương, ánh sáng, điều hòa nhiệt độ và chuyển động ghế ngồi, để người lái cảm thấy thoái mái hơn.

Chẳng hạn, nếu lái xe dụi mắt hoặc quay cổ, chiếc xe có thể nhận ra các dấu hiệu mệt mỏi của và tìm cách giúp người lái chống lại sự mệt mỏi đó.

Theo thời gian, nó sẽ học thói quen, lịch trình và những điểm dừng ưa thích của người lái. Từ đó, trao đổi những thông tin quan trọng với người lái và hành khách ngồi bên trong xe.

{keywords}
Theo thời gian, xe sẽ học thói quen, lịch trình và những điểm dừng ưa thích của người lái.

Không chịu thua kém, mẫu Concept NeuV của Nhật Bản cũng có thể phản hồi khi đàm thoại và có cảm xúc với chủ nhân, tăng cường mối liên kết giữa chủ và xe. Nhờ trí tuệ nhân tạo, NeuV sẽ hỗ trợ, làm giảm mệt mỏi cho lái xe khi tham gia giao thông đường dài.

Mẫu NeuV của Honda cũng có thể đánh giá mức độ căng thẳng của lái xe bằng cách phân tích các biểu hiện trên khuôn mặt, giọng nói và cung cấp các gợi ý để đối phó với các tình huống khác nhau.

Đặc biệt hơn, NeuV còn biết “kiếm tiền” cho chủ nhân lúc rảnh rỗi. Khai thác ý tưởng tạo thêm giá trị, nhà thiết kế đã biến NeuV thành phương tiện vận chuyển tự động, đón và trả khách tại các địa điểm xung quanh, khi chủ xe không sử dụng. Qua đó, mang tiền về cho chủ xe từ dịch vụ này.

Không chỉ Toyota và Honda đầu tư cho công nghệ nhận diện cảm xúc trên ô tô, các tập đoàn khác cũng không đứng ngoài cuộc. Mercedez Benz (CHLB Đức) mới đây giới thiệu mẫu xe ý tưởng Smart Vision EQ Fortwo. Đây là mẫu xe tự động chạy bằng điện, không có vô-lăng, cần số. Chiếc xe có trí thông minh nhân tạo giao tiếp với con người, giúp tạo nên sự hưng phấn mỗi khi tham gia giao thông.

{keywords}
Nó nhận diện được sự mệt mỏi của lái xe và giúp người lái chống lại sự mệt mỏi đó

Mitsubishi (Nhật Bản) cũng có mẫu concept e-Evolution, tích hợp công nghệ cảm xúc, vừa thu thập dữ liệu về tình hình giao thông, vừa kiêm một huấn luyện viên lái xe cá nhân “ảo”, đồng thời có khả năng nhận biết tiếng nói và sở thích của người sử dụng, để có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu của họ.

Cũng không chỉ giới hạn ở xe hơi, ngay cả xe máy cũng được tích hợp công nghệ này. Công ty Yamaha Motor (Nhật Bản) đã cho ra mắt mẫu xe máy concept độc đáo MOTOROiD, có trí thông minh nhân tạo, có khả năng nhận diện chủ xe và tương tác với con người như một vật thể sống.

Ông Makoto Okabe, Tổng giám đốc bộ phận Kế hoạch kinh doanh xe EV của tập đoàn Toyota, cho biết, bằng cách sử dụng công nghệ về trí tuệ nhân tạo, họ muốn nâng cao trải nghiệm khi lái xe, biến chiếc xe trở thành đối tượng của tình cảm và tạo ra một giá trị phi thường.

Những mẫu concept này đang nổi lên như một cuộc cách mạng công nghệ trong ngành công nghiệp ô tô, xe máy. Với xu hướng phát triển công nghệ hiện nay, các DN cho biết, nó sẽ được sản xuất, cung cấp đến người tiêu dùng vào thời điểm từ 2025- 2040.

Đây sẽ là thị trường mới rất tiềm năng, dự báo sẽ đạt doanh số hàng chục tỷ USD vào thời điểm 2025. Những chiếc xe thông minh có thể chiếm tới 25% lượng ô tô bán ra trên toàn cầu vào năm 2035. Một cuộc chạy đua đang diễn ra sôi động giữa các hãng sản xuất bởi ai cũng muốn nhanh chóng chiếm vị trí "người tiên phong" tại thị trường còn sơ khai và đầy màu mỡ này.

Trần Thủy