Rủi ro cao
Số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, 7 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị phát hành đạt 235.094 tỷ đồng. Trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 95.000 tỷ đồng; nhóm bất động sản xếp vị trí thứ hai, với tổng khối lượng phát hành 75.800 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong tổng số trái phiếu bất động sản phát hành này, có khoảng 15% không có tài sản bảo đảm hoặc được bảo đảm bằng cổ phiếu.
Suốt 7 tháng qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản không thể khởi công dự án vì vướng thủ tục và dịch bệnh. Thế nhưng, bất động sản luôn thuộc nhóm dẫn đầu về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Khách hàng phải cân nhắc kỹ trước khi mua trái phiếu của một doanh nghiệp. |
Số liệu thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm 2021, một loạt doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu với giá trị lớn để huy động vốn.
Chẳng hạn như: Công ty phát triển Bất động sản Phát Đạt, từ đầu năm tới nay, đã phát hành 5 đợt trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị khoảng 1.240 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư Golden Hill huy động 5.760 tỷ đồng; Công ty cổ phần BCG Land huy động 2.500 tỷ đồng; Công ty CP Phát triển Bất động sản Nhật Quang huy động 2.150 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Smart Dragon huy động 1.900 tỷ đồng; Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc huy động 1.500 tỷ đồng; Công ty cổ phần Glexhomes huy động 500 tỷ đồng...
Lãi suất huy động từ trái phiếu DN bất động sản từ 9,5%-11%/năm, cao hơn khá nhiều so với lãi suất tiết kiệm của ngân hàng hiện nay. Số tiền huy động được DN dùng để mua quỹ đất, phát triển các dự án bất động sản, góp vốn vào các dự án bất động sản của các đối tác, tăng quy mô vốn hoạt động...
Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư", chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Trái phiếu được hưởng ứng là trái phiếu có lãi suất cao. Rất nhiều trái phiếu được phát hành là của công ty bất động sản và không có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, phần lớn các nhà đầu tư là cá nhân. Họ ít có khả năng phân tích được các chỉ tiêu tài chính để thấy nhà phát hành có khả năng trả nợ hay không.
TS.Nguyễn Trí Hiếu dẫn chứng, rất ít nhà đầu tư cá nhân có báo cáo tài chính thường xuyên để theo dõi tình hình của doanh nghiệp phát hành. Chính vì thế, rủi ro có thể gặp là rất cao, đặc biệt là trái phiếu của các công ty bất động sản.
Gần đây có một số trái phiếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành. Về lý thuyết, các nhà đầu tư có thể mang cổ phiếu đó bán ra thị trường để thu hồi vốn. Tuy nhiên, rủi ro sẽ xảy ra khi tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ. Lúc đó, giá cổ phiếu sẽ giảm sâu hoặc không còn giá trị.
TS. Cấn Văn Lực nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua phát triển nhanh nhưng không ổn định. Tỷ trọng phát hành trái phiếu của các DN bất động sản luôn ở mức khá cao, chiếm từ 38-44% tổng số lượng phát hành, kể từ đầu năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, rủi ro với trái phiếu DN bất động sản đang tăng lên bởi trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu.
Trái phiếu doanh nghiệp cũng ẩn chứa rủi ro nếu không tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp |
Thiếu minh bạch
TS. Nguyễn Đức Độ, Học viện Tài chính cho rằng, có sự không cân đối về thông tin giữa người bán và người mua. Người bán nắm nhiều thông tin hơn nhưng không công bố, không minh bạch cho người mua biết; từ đó dẫn đến sự sai lệch giữa giá cả và chất lượng, nguy cơ thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Hai năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự gia tăng về lượng nhà đầu tư cá nhân. Nhưng họ lại không nắm được nhiều thông tin và hiểu biết hạn chế, tạo nhiều rủi ro cho thị trường.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Công ty xếp hạng tín nhiệm Fiin Ratings (FiinGroup), cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, phát hành trái phiếu là cơ hội giúp cho doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, thật trớ trêu là các doanh nghiệp và tổ chức phát hành thì "vàng thau lẫn lộn", còn hầu hết các nhà đầu tư cá nhân thiếu chuyên nghiệp, theo tiêu chí có tài sản danh mục hơn 2 tỷ đồng nhưng có khi không hiểu gì về những chỉ số cơ bản. Nếu chỉ nhìn vào lãi suất khi đầu tư trái phiếu thì sẽ rất nguy hiểm. Không kiểm soát tốt, 3-5 năm tới rủi ro có thể xảy ra cho thị trường tài chính Việt Nam chính là "cục nợ" trái phiếu này.
Các chuyên gia tài chính lo ngại, trong bối cảnh dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp bị đứt dòng tiền nên phải phát hành trái phiếu để bù đắp. Việc phát hành diễn ra nhiều đợt, với lãi suất lần sau cao hơn lần trước, dùng lãi suất cao để thu hút vốn, nên rất rủi ro.
Đặc biệt, thị trường bất động sản đang bị ảnh hưởng xấu do dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động nhưng vẫn đi vay vốn và rủi ro sẽ đổ dồn vào những trái chủ, TS. Nguyễn Trí Hiếu lo ngại.
Do đó, tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, đã đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng về “bong bóng tài sản” và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô; trong đó phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất cao thời gian qua.
Trần Thủy
Liều ôm trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lãi suất cao nguy cơ sụt hố
Bộ Xây dựng dẫn thông tin khuyến cáo nhà đầu tư không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao bởi rủi ro cho nhà đầu tư cũng sẽ tiềm ẩn lớn khi thị trường bất động sản có biến động tiêu cực.