Nguồn vốn khủng, vẫn chưa xác định chính xác

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành là 111.689 tỷ đồng (tương đương 4,77 tỷ USD) thấp hơn tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13.

Mới đây, Hội đồng thẩm định nhà nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã có báo cáo thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Với tổng mức đầu tư rất lớn, quy mô phức tạp như sân bay Long Thành, Hội đồng thẩm định nhà nước cho biết “sẽ có ý kiến thẩm định cụ thể” sau khi có kết quả thẩm tra cuối cùng của Tư vấn thẩm tra trong bước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư.

{keywords}
Sân bay Long Thành 16 tỷ USD, năm 2021 khởi công nếu được Quốc hội thông qua

Thẩm tra về báo cáo này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhiều hạng mục tính toán mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư khi chuẩn xác hóa. Do đó, đề nghị rà soát để tránh gây biến động lớn tổng mức đầu tư Dự án.

Dẫn ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước, Ủy ban Kinh tế đánh giá: Tính chính xác của tổng mức đầu tư dự án chưa thể được bảo đảm.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng lo ngại về khả năng huy động một lượng vốn "khủng" cho dự án này.

Nghị quyết 94 của Quốc hội cho phép Dự án được sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau. Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu khả thi chưa có đánh giá tác động cụ thể của từng loại nguồn vốn mà mới tập trung vào phương án sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước (Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam - VATM) và doanh nghiệp do Nhà nước chi phối (Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - ACV) thực hiện.

Trong tổng số 4,19 tỷ USD vốn của ACV đầu tư vào dự án, dự kiến ACV phải đi vay khoảng 2,62 tỷ USD.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, theo quy định tại Điều 41 của Luật Quản lý nợ công thì Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ; nếu được Chính phủ bảo lãnh thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về khả năng cấp bảo lãnh đối với khoản vay này để có cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của phương án huy động vốn đối với nợ công.

Mặt khác, theo Ủy ban Kinh tế, ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do đó, kể cả việc Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV.

{keywords}
Siêu dự án sân bay Long Thành cần lượng vốn rất lớn

Ai làm chủ đầu tư?

Liên quan đến việc Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư, khai thác cảng hàng không Long Thành, Hội đồng thẩm định nhà nước cho biết: Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 94/2015/QH13, Dự án có thể sử dụng phần vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp.

Do vậy, việc giao ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp là có thể xem xét chấp nhận được.

Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định nhà nước cho rằng: Đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu (Khoản 3 Điều 1) phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án.

"Do vậy, việc giao ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng cần phải được Quốc hội thông qua", Hội đồng thẩm định cho ý kiến.

Hiện giai đoạn 1 được phân thành 4 nhóm hạng mục đầu tư. Theo đề nghị của Chính phủ, hạng mục 1 giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư và cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại.

Hạng mục 2 giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 3 giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 4 giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu thì việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Có ý kiến đề nghị, để bảo đảm vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia và hiệu quả đầu tư, Quốc hội có thể đồng ý giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao cho các doanh nghiệp nhà nước, có đủ điều kiện để huy động vốn không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ, không gây nợ xấu, có năng lực quản lý vận hành cảng hàng không là nhà đầu tư để trực tiếp đầu tư, quản lý, khai thác đồng bộ Cảng hàng không quốc tế Long Thành. 

Báo cáo nghiên cứu khả thi đã dự kiến thời gian, tiến độ thực hiện dự án là từ năm 2020-2025 theo tiến độ Quốc hội đã thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015, đã dự kiến các mốc thời gian chính để thực hiện các công việc cũng như các hạng mục chính của Dự án. 

Tại hồ sơ kèm theo văn bản giải trình, ACV khẳng định trường hợp Dự án được phê duyệt trong năm 2019, tiến độ dự kiến trong Báo cáo nghiên cứu khả thi vẫn được đảm bảo.  

Lương Bằng

Kiểm soát từ giai đoạn thiết kế sân bay Long Thành để không mất tiền, cán bộ

Kiểm soát từ giai đoạn thiết kế sân bay Long Thành để không mất tiền, cán bộ

Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm tra, kiểm soát dự án sân bay Long Thành ngay từ đầu để không mất tiền của nhà nước, của xã hội, vừa không phải xử lý, mất cán bộ.