- Bộ trưởng Giao thông Vận tải vừa thay mặt Chính phủ báo cáo về dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (Metro Bến Thành - Suối Tiên) đội vốn thêm 30.000 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án này đã được UBND TP.HCM phê duyệt vào tháng 4/2007 là hơn 17.000 tỷ đồng.
Nhưng 4 năm sau, đến tháng 9/2011 UBND TP.HCM đã điều chỉnh vốn đầu tư dự án này lên hơn 47.300 tỷ đồng.
Trong đó vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA, trước đây là JBIC) là trên 41.800 tỷ đồng, (chiếm 88,4% tổng mức đầu tư). Còn lại hơn 5.400 tỷ là vốn đối ứng từ ngân sách thành phố.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) |
Lý do khiến tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng mạnh, báo cáo của Chính phủ giải thích là do sự biến động khách quan của giá nguyên liệu, nhiên liệu và việc tăng mức lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009.
Ngoài ra, dự án được tăng khối lượng xây dựng nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn cho Dự án. Cụ thể, tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lưu lượng hành khách dự báo vào năm mục tiêu thiết kế là năm 2040 (thay vì năm 2020 như trong Dự án đầu tư).
“Áp dụng các trang thiết bị, hệ thống tiên tiến nhằm đạt sự an toàn cao nhất, đầu tư đầy đủ cho xưởng bảo trì sửa chữa, cho tòa nhà trung tâm điều khiển cho cả hệ thống đường sắt đô thị của thành phố và đầu tư cho trụ sở của Công ty Vận hành và bảo dưỡng đường sắt đô thị”, báo cáo viết.
Bên cạnh đó còn có lý do cập nhật tỷ giá Yên Nhật - Việt Nam đồng; tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, tính toán cho đến năm 2019 làm cho tổng mức đầu tư Dự án tăng.
Nội dung điều chỉnh Dự án đã được Chính phủ báo cáo tại nhiều văn bản từ 2011 đến nay.
Cập nhật tiến độ dự án, báo cáo cho biết theo tiến độ được duyệt, Dự án hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018. Tuy nhiên, do việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng gói thầu số 2; phân chia gói thầu số 1 thành gói thầu 1a và gói thầu 1b;... đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các gói thầu. Đến nay, tiến độ chung của Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành năm 2020.
Một khó khăn lớn nhất dự án đang phải đối mặt là việc bố trí Kế hoạch vốn ODA năm 2017 và trung hạn giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 chưa đáp ứng theo nhu cầu, ảnh hưởng đến việc thanh toán cũng như khả năng các nhà thầu giảm tiến độ thi công, ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành Dự án vào năm 2020.
Theo kế hoạch trung hạn 2016-2020, nhu cầu vốn ODA cho dự án này là hơn 20.000 tỷ và đã giao 7.500 tỷ đồng, còn thiếu hơn 13.400 tỷ đồng.
Để giải quyết khó khăn trong việc bố trí vốn ODA từ Ngân sách trung ương, năm 2017, UBND TP.HCM đã tạm ứng từ Ngân sách của Thành phố để chi trả cho các nhà thầu 1.100 tỷ đồng.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng Dự án, Chính phủ kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM và tỉnh Bình Dương, các Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án.
Nói về việc để dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ, đội vốn 30.000 tỷ đồng do giải ngân chậm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói: Dự án ban đầu có tổng vốn là 17.000 tỷ, nhưng sau điều chỉnh lên 47.000 tỷ đồng. Theo quy định, dự án vượt trên 35.000 tỷ đồng thì phải báo cáo Quốc hội.
Bộ trưởng KH-ĐT cho rằng, cần phải có cơ chế riêng, đặc thù cho dự án này, chứ không theo Nghị định cấp phát cho vay lại mới của Bộ Tài chính và trong kế hoạch trung dài hạn hiện chưa đưa dự án này vào do chưa được phê duyệt.
Trách nhiệm để dự án đội vốn, Bộ trưởng KH-ĐT cho rằng: TP.HCM có trách nhiệm một chút, Bộ GTVT cũng có trách nhiệm và Bộ KH-ĐT có trách nhiệm đã thiếu đôn đốc các bên.
Hà Duy