- Tính đến đầu tháng 9/2018, kim ngạch xuất khẩu tại cảng Xuân Hải (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) trên 2 triệu USD, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu chỉ nằm ở con số... 0 đồng.
Cảng Xuân Hải thuộc xã Xuân Hải là một cảng sông - biển có 2 bến, được xem là cửa ngõ đường thủy quan trọng thứ hai của địa phương này sau cảng Vũng Áng.
Với vị trí thuận lợi, nhiều năm qua nơi trung chuyển khối lượng lớn nguyên vật liệu trong nước và từ Lào tái xuất sang Trung Quốc và một số nước trong khu vực.
Cảnh đìu hiu tại cảng Xuân Hải |
Thế nhưng, những năm gần đây, tình trạng xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng này đang có xu hướng giảm mạnh. Lượng hàng hóa, đặc biệt là gỗ từ Lào, quá cảnh xuất khẩu không còn nên hoạt động tại cảng ít sôi động. Hiện tại, hàng hóa xuất khẩu qua cảng chủ yếu là các sản phẩm dăm gỗ, than đá, vật liệu xây dựng,...
Có mặt tại cảng Xuân Hải những ngày đầu tháng 9, chúng tôi ghi nhận không khí ở đây rất trầm lắng. Khu vực cảng thưa thớt người qua lại, chỉ một vài doanh nghiệp hoạt động bình thường.
Theo thống kê của Chi cục Hải quan cảng Xuân Hải, kinh ngạch xuất nhập khẩu của cảng này năm 2017 đạt hơn 7,1 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 7,09 triệu USD, nhập khẩu đạt hơn 18.000 USD; trong 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,45 triệu USD, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu là... 0 đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Nguyễn Mạnh Hướng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Xuân Hải - cho hay, kim ngạch xuất nhập khẩu tại cảng nhiều năm trở lại đây giảm chủ yếu là do việc luồng lạch vào cảng bị bồi lấp.
“Trước đây, tàu thuyền có trọng tải khoảng 3.000 tấn vẫn vào ra cảng bình thường, nhưng hiện nay do luồng lạch bị bồi lấp nhiều nên chỉ tàu trọng tải dưới 1.000 tấn vào được cảng” - ông Hướng cho hay.
Luồng lạch bị bồi đắp, ảnh hưởng đến việc lưu thông của tàu trọng tải lớn. |
Việc luồng lạch tại cảng Xuân Hải bị bồi lấp đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp. Đơn cử, trước đây công ty TNHH Thanh Thanh Đạt xây dựng hạ tầng, máy móc tại cảng để thực hiện việc xuất khẩu dăm gỗ và nhập khẩu hàng hóa về.
Nhưng hiện nay, do luồng lạch bồi lấp tàu của công ty này không thể cập cảng Xuân Hải nên buộc phải chuyển hướng sử dụng cảng Cửa Lò để thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa.
Việc tàu thuyền vào cảng Xuân Hải khó khăn, trong khi đó cảng Cửa Lò cách đó khoảng 30km có hạ tầng thuận lợi, đảm bảo cho tàu thuyền trọng tải lớn vào ra bình thường do đó nguồn hàng hóa đổ về cảng Cửa Lò là tất yếu.
Ông Lê Anh Hải, Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh tại cảng Xuân Hải, cho biết, quả khảo sát, độ sâu của cảng từ phao số 0 đến phao số 8 trung bình độ sâu đạt - 2m, trong khi đó độ sâu chuẩn phải là -3m nên cần phải nạo vét sâu thêm -1m để đảm bảo đúng thiết kế.
Theo ông Hướng, cách đây 2 năm một công ty đã thực hiện nạo vét luồng lạch tại cảng, tận thu cát đem bán. Tuy nhiên, việc này đã tạm dừng sau khi chính phủ ban hành quyết định cấm việc khai thác cát mặn để bán.
“Chúng tôi đã đã nhiều lần kiến nghị cần phải khơi thông luồng lạch để tạo điều kiện cho tàu có trọng tải lớn vào cảng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một dự án nào được triển khai mới tại đây. Chúng tôi mong địa phương sớm tháo gỡ khó khăn để có thể đón tàu trọng tải 5.000 tấn vào cảng” - ông Hướng nói.
Lê Minh
Bất thường ô tô nhập sát Tết: 15 ngày 6 chiếc qua cảng
Số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam đầu năm 2018 đang có diễn biến đáng ngạc nhiên.
Ra tối hậu thư cho 12 dự án cảng biển chậm tiến độ
UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chiều 27/12 tổ chức họp nghe việc gỡ vướng cho các dự án cảng biển chậm triển khai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh này có 21 dự án đang bị chậm tiến độ.
Chỉ 1-2 phút xong thủ tục lấy hàng ở cảng: Giảm thời gian, bớt tốn kém
Hệ thống Quản lý Hải quan tự động tại cảng biển vừa được áp dụng tại Cục Hải quan TP Hải Phòng giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục giao nhận hàng từ 5 đến 7 lần so với trước đây.