Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho hay, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế về phát triển du lịch golf, xét về cả thị trường khách và đầu tư phát triển sân golf cũng như dịch vụ liên quan.
Tuy nhiên, du lịch golf hầu như chưa phát triển ở Việt Nam.
Lý do lớn nhất đó là do việc kết nối giữa các DN lữ hành và các sân golf còn lỏng lẻo nên các tour du lịch golf chiếm tỷ lệ thấp. Du lịch golf hầu như lại chưa kết nối với du lịch MICE, tàu biển, nghỉ dưỡng, caravan,... Hệ thống dịch vụ du lịch golf đang trong quá trình hoàn thiện.
"Chúng ta cũng chưa tổ chức nhiều giải đấu chuyên nghiệp và chưa liên kết với các sân golf trong khu vực nên giá trị sản phẩm chưa cao. Các sân golf chưa quan tâm đến việc quảng bá, chủ động bắt tay với các DN lữ hành để thu hút khách”, ông Chung nhận xét.
Khách chơi golf thường có thu nhập cao và chi tiêu nhiều gấp đôi khách du lịch thông thường |
Trên cả nước, Việt Nam hiện có 32 sân golf trong tổng số 60 sân golf được quy hoạch đến 2020, trong khi các nước láng giềng như Indonesia có 152 sân, Malaysia có 230 sân, Thái Lan lớn gấp 10 lần lên tới 300 sân.
Do đó, theo số liệu ước tính, tỷ lệ khách đến Việt Nam chơi golf mới chiếm 0,8% trên tổng số hơn 15 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, trong khi tỷ lệ này ở Malaysia là 2% trên 25 triệu khách, Thái Lan là 9% trên 35 triệu khách.
Hiện lượng khách du lịch đến Việt Nam chơi golf chủ yếu từ các thị trường có đông người chơi golf như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Pháp, Anh,... Như tại sân golf Yên Dũng (Bắc Dũng), có tới 70-80% lượng khách đến đây là người Hàn Quốc chơi golf, trong đó một nửa là khách du lịch, một nửa là các chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam.
Hơn nữa, Việt Nam thiếu các đường bay thẳng từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến các khu vực trọng điểm golf. Chẳng hạn, các golfer muốn đến Đà Lạt chơi phải trung chuyển qua Hà Nội, Đà Nẵng hoặc TP.HCM. Vì thế, thời gian tới, một số công ty dự kiến khai thác các chuyến bay charter để đưa khách chơi golf đến Nha Trang, Phú Quốc,...
Trong khi đó, đối tượng khách chơi golf thường là giàu có, với mức chi tiêu gấp đôi so với khách du lịch bình thường, theo Tổ chức Du lịch Golf thế giới (IAGTO). Tại các quốc gia, doanh thu từ du lịch golf từ các sân golf chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng doanh thu du lịch, chiếm tới 9% tại Mauritius, 3,46% tại Mexico, 3% tại Thái Lan,...
Hiệp hội du lịch Golf Việt Nam được thành lập nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch golf tại VN |
Để giải quyết vấn đề trên và kéo khách du lịch đại gia đến Việt Nam chơi golf nhiều hơn, ngày 29/3, Việt Nam chính thức ra mắt Hiệp hội du lịch Golf. Chủ tịch Hiệp hội là ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cùng 7 Phó Chủ tịch là giám đốc các sân golf, Sở Du lịch, các DN lữ hành lớn, hãng hàng không,...
Tại Đại hội đầu tiên của Hiệp hội Du lịch Golf, sau khi ra mắt ban chấp hành mới, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung yêu cầu, ngay sau khi thành lập, Hiệp hội cần sớm xây dựng kế hoạch, lên chương trình hành động ngay. Trong đó có các việc: tham mưu cho cơ quan quản lý để ban hành các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về điều kiện kinh doanh, thủ tục đầu tư; nâng cao cơ sở dịch vụ du lịch golf; nghiên cứu đề xuất miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với các hoạt động chơi golf; tạo điều kiện thuận lợi cho khách nhập cảnh vào Việt Nam chơi golf, nhất là thị trường gửi khách golf lớn tới Việt Nam,...
Đồng thời, Hiệp hội cần kết nối các sân golf với nhau và với sân golf trong khu vực, các sân golf với DN lữ hành để hình thành các tour du lịch golf, các sản phẩm du lịch phong phú hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách nhà giàu; phối hợp hãng hàng không bay charter tới các điểm chơi golf; quảng bá, tham gia hội chợ du lịch chuyên đề golf, trang web, clip quảng cáo, đăng cai các sự kiện, giải đấu về golf, đưa sản phẩm golf ra quốc tế.
Theo Tổ chức Du lịch Golf thế giới, hiện trên thế giới có hơn 60 triệu gôn thủ và ngành du lịch golf xếp thứ ba về động cơ du lịch châu Á. Toàn cầu hiện có 638 công ty tour golf của 61 quốc gia là thành viên của IAGTO, kiểm soát 87% thị trường toàn cầu, tạo ra 2,5 tỷ giao dịch mỗi năm, vận chuyển 1,9 triệu golfer.
Du lịch golf được coi như một ngành công nghiệp du lịch, mang lại doanh thu cao, tạo ra nhiều công ăn việc làm.
Ngọc Hà
Huyền thoại golf Greg Norman giúp Việt Nam kéo khách chơi golf
Golfer nổi tiếng thế giới, ông Greg Norman, đại sứ du lịch Việt Nam, sẽ hỗ trợ Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Việt Nam giới thiệu các sân golf Việt Nam đến thế giới, đồng thời thu hút khách chơi golf quốc tế đến Việt Nam.