Bộ Công Thương vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ Tờ trình Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Với điện mặt trời trên mái nhà, Bộ Công Thương cho biết giữ nguyên mức giá áp dụng chung cho điện mặt trời mái nhà trên toàn quốc là 1.916 đồng/kWh, tương đương với 8,38 UScent/kWh. Mức giá này thấp hơn khoảng 200 đồng so với giá mua điện mặt trời trên mái nhà trước tháng 7/2019 (giá điện mặt trời mái nhà là 2.100 đồng/số).
Giá mua điện mặt trời trên mái nhà thấp hơn trước. |
Quan điểm của Bộ Công Thương khác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). EVN muốn duy trì giá mua điện mặt trời mái nhà là 2.100 đồng/số (tương đương 9,35 cent). Bởi, EVN cho rằng: Mức giá 9,35 cent/kWh đã ban hành từ năm 2017 đến nay mới chỉ khuyến khích đầu tư khoảng trên 300 MW. Do vậy, để tiếp tục khuyến khích đầu tư loại hình công nghệ này, EVN đề nghị tiếp tục giữ nguyên mức giá FIT là 9,35 cent/kWh đến hết năm 2020.
Một vấn đề vướng mắc khác đang gây ra nhiều băn khoăn trong cộng đồng nhà đầu tư điện mặt trời là dự án nào sẽ tiếp tục được hưởng cơ chế giá FIT.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ các dự án điện mặt trời đã ký hợp đồng mua bán điện, đã và đang triển khai thi công xây dựng trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 mới tiếp tục được áp dụng giá FIT (mức giá khuyến khích các dự án điện mặt trời).
Theo rà soát của Bộ Công Thương, chỉ có 7 dự án với tổng công suất khoảng 320 MW đáp ứng tiêu chí để được áp dụng giá FIT. Có nghĩa, 7 dự án này thuộc diện đã ký hợp đồng mua bán điện và đáp ứng điều kiện cơ sở về dự án đã và đang triển khai thi công xây dựng trước ngày 23/11/2019. Danh sách này không gồm các dự án trên địa bản tỉnh Ninh Thuận do được áp dụng cơ chế riêng.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay còn tới 44 dự án điện mặt trời của nhiều nhà đầu tư với tổng công suất lên đến hơn 3.600 MW đã bổ sung quy hoạch nhưng chưa đi vào vận hành thương mại trước 1/7/2019.
Nhiều dự án trong số này đang đầu tư dở dang, chờ cơ chế giá mới. Đọc tờ trình của Bộ Công Thương, trao đổi với phóng viên, nhiều nhà đầu tư vẫn đang hoang mang không biết dự án của họ có được áp dụng giá FIT hay không. Bởi đây là dự án nhà đầu tư đã được cấp phép, đang thi công, nên không thể đưa ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được.
Trong khi đó, tại tờ trình mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng thể hiện chưa ban hành được phương thức đấu thầu dự án điện mặt trời.
“Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ ngành và các tổ chức quốc tế xây dựng cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời để báo cáo Thủ tướng xem xét, ban hành làm cơ sở thực hiện đối với các dự án còn lại”, Bộ Công Thương cho hay.
Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Công Thương, vẫn còn 22 dự án điện mặt trời với tổng công suất hàng nghìn MW đang "nằm xếp hàng" chờ quyết định. Trong đó có dự án điện mặt trời 450MW Trung Nam - Thuận Nam kết hợp trạm biến áp 500KV và các đường dây đấu nối của Tập đoàn Trung Nam.
Lương Bằng
Bộ Công Thương xin bổ sung, Bộ Kế hoạch nói điều băn khoăn
Bộ Công Thương muốn bổ sung 12 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất hơn 3.600 MW vào quy hoạch điện lực quốc gia, có dự án quy mô đến 1.000 MW.