“Hôm ấy khoảng đầu tháng 10-2017, họ hẹn qua điện thoại chiều sẽ đến làm việc, song phải gần 20h mới xuất hiện. Tất cả có 4 người, 3 nam - 1 nữ, đi xe ô tô”, bác sỹ Ngô Văn Huy - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội) nhớ lại.

Dù chưa bị thiệt hại gì, nhưng công văn mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa gửi Cục An ninh Tài chính, tiền tệ, đầu tư, Tổng cục An ninh, Bộ Công an đề nghị phối hợp điều tra việc bị giả mạo công văn, chữ ký, liên quan đến Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, đã một lần nữa cảnh báo hiện tượng giả mạo táo tợn này.

Thủ tục “rót tiền” cực kỳ đơn giản

Cơ sở vật chất mới được Thành phố đầu tư, xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn thiện, bổ sung trang thiết bị, nên khi tiếp nhận thông báo qua điện thoại của một người tự giới thiệu là “cán bộ Bộ KH-ĐT” về làm việc, hỗ trợ giải ngân 600 triệu đồng ngay trong quý IV-2017, bác sỹ - Giám đốc Ngô Văn Huy cùng ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đông Anh rất mừng.

“Họ hẹn cuối giờ chiều sẽ về. Chúng tôi đợi, đợi mãi đến gần 8h tối, không dám gọi điện thoại nhiều vì sợ các vị ấy bực mình. Tất cả có 4 người, gồm 3 nam - 1 nữ, làm việc với ban lãnh đạo bệnh viện chừng 30 phút rồi đi, hẹn sẽ sớm quay lại, rót tiền”, bác sỹ Huy nhớ lại.

{keywords}

Các văn bản giả danh Bộ KH-ĐT

Cuộc làm việc hôm ấy diễn ra khoảng đầu tháng 10-2017. Đến ngày 22-10, khi trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, bác sỹ Huy đã biết thông tin về khuyến cáo của Bộ KH-ĐT; song ngay hôm ấy, ban lãnh đạo bệnh viện cũng đã hơi ngờ ngợ. Thứ nhất, việc giải ngân, bố trí vốn phải theo quy trình. Thế mà các cán bộ “Bộ KH-ĐT” khi về làm việc, tuyên bố ngay trong quý IV-2017 sẽ có tiền, mà được những hơn nửa tỷ đồng.

Cái “lạ” thứ hai là một số tình tiết trong văn bản Bộ KH-ĐT “quyết định cho bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh thuộc nhóm được phê duyệt “rải” ngân quý cuối năm 2017 bằng nguồn vốn Chính phủ cho các hạng mục xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị y tế tuyến địa phương nhằm giảm tải cho các bệnh viện trực thuộc tỉnh, thành phố trung tâm”.

Trong các loại giấy tờ hành chính cũng như ai đến bệnh viện đều đọc được ngay dòng chữ “Bệnh viện Đa khoa Đông Anh”, chứ không phải là “bệnh viện đa khoa huyện Đông Anh”, như trong văn bản của Bộ KH-ĐT. Tiếp nữa, văn bản của cơ quan Bộ mà đánh máy sai cả chính tả: “giải ngân” gõ thành “rải ngân”. Chưa kể chính cái sự kẻ cả của mấy “cán bộ Bộ KH-ĐT” càng khiến ban lãnh đạo Bệnh viện Đông Anh khó hiểu: “Văn bản của Bộ là văn bản 4 sao đấy, rất có hiệu lực”.

“Tôi bao nhiêu năm công tác, tiếp xúc với biết bao giấy tờ văn bản, nhưng chưa thấy cái nào gọi là văn bản 4 sao. Mãi sau mới để ý trong văn bản photocopy ấy quả thực người ta đóng tới 4 hình ngôi sao, trông rất kỳ quặc”, bác sỹ Hưng nhớ lại.

{keywords}

Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, nơi bị đối tượng giả mạo tìm đến

Cảnh giác trước các thông báo giải ngân, đóng tiền

Chưa để lại đề nghị “đóng góp” gì cho việc giải ngân; cho đến trung tuần tháng 10 vừa rồi, hành vi của số “cán bộ Bộ KH-ĐT” đã lộ tẩy, từ thông cáo chính thức phát đi của Bộ KH-ĐT gửi Cục nghiệp vụ Bộ Công an đề nghị xác minh làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan đến văn bản giải ngân… giả mạo đối với Bệnh viện Đa khoa Đông Anh. Hiện, Cục An ninh Tài chính, tiền tệ, đầu tư đã tiếp nhận đề nghị của Bộ KH-ĐT và đang khẩn trương vào cuộc.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, do nắm bắt được tâm lý của nhiều đơn vị cấp cơ sở, doanh nghiệp, đã và đang có hiện tượng làm giả văn bản của cơ quan bộ, trung ương; từ đó tiếp cận, từng bước thực hiện ý đồ không gì khác là chiếm đoạt được tiền.

Sự việc diễn ra ở Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cho thấy đối tượng đã có sự nghiên cứu, tính toán và “đón đầu” khá kỹ nhu cầu về tài chính của cơ sở. Cụ thể, văn bản giả mạo có số 06/QĐ-TTg/NB đề ngày 2-10, với hình ảnh chữ ký của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 4 quốc huy loại nhỏ đóng trên văn bản và con dấu của Bộ KH-ĐT. Nếu không phải là người trong cuộc, người của Bộ KH-ĐT, chắc rằng sẽ không nhiều người nhận thấy sự khác thường của văn bản này; là soạn thảo không theo quy định về thể thức của văn bản hành chính, con dấu không phải mẫu con dấu của Bộ KH-ĐT…

Hiện tượng bị phát hành văn bản giả mạo rồi gửi đến cơ quan, doanh nghiệp, cũng từng xảy ra đối với Tổng cục Hải quan. Tháng 5-2017, Tổng cục Hải quan nhận được phản ánh và đề nghị xác thực việc ra thông báo số 2945/TB-TCHQ ngày 9-5-2017, gửi đến Công ty TNHH Môi trường công nghệ quốc gia, về nộp tiền vào ngân sách Nhà nước do được mua xe ô tô đã qua sử dụng, ô tô mới 100% và xe gắn máy mới 100% thanh lý hay không; số tiền lên đến 35 tỷ đồng.

Qua kiểm tra đối chiếu, Tổng cục Hải quan cho biết, chỉ ban hành công văn số 2945/TCHQ-HTQT ngày 4-5-2017 về việc đón tiếp và làm việc với Hải quan tỉnh Kratie - Vương quốc Campuchia; và khẳng định không ký ban hành Thông báo số 2945/TB-TCHQ ngày 9-5-2017 về việc nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. Từ đó, Tổng cục Hải quan nêu rõ Thông báo đó bị làm giả với mục đích lừa đảo. Phi vụ kiếm hàng chục tỷ đồng của đối tượng lừa đảo bị hụt, nhưng ai dám chắc nó sẽ dừng lại và có phải sự giả mạo nào cũng dễ dàng bị phanh phui.

(Theo An ninh Thủ đô)