- Xu thế thai thác, sử dụng năng lượng tái tạo trên thế giới ngày càng phổ biến, quy mô tăng nhanh. Việt Nam cũng đang có những chuyển biến lớn.
Theo ông Bình, Ninh Thuận có lợi thế rất lớn trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Hiện, Ninh Thuận có 14 vùng gió tiềm năng, khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc.
Việt Nam bàn chiến lược phát triển năng lượng tái tạo. |
Đặc biệt là Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6m/s, đảm bảo ổn định cho turbin gió phát điện. Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt xác định tiềm năng phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận gồm 05 khu vực với tổng diện tích 21.432 ha, tổng công suất dự kiến 1.429 MW, khả năng khai thác đến 2030 khoảng 2.500 MW với sản lượng 5.475 triệu kWh.
Ninh Thuận có độ cao mặt trời lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn. Theo WB, bình quân lượng bức xạ mặt trời của Ninh Thuận trên 320 kcal/cm2/năm, trong đó tháng ít nhất là 14 kcal/cm2. Số giờ nắng trung bình cả năm khoảng 2.600-2.800 giờ, phân bố tương đối điều hòa quanh năm, cũng là tỉnh có tiềm năng về năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước.
Trên thế giới, xu hướng phát triển năng lượng tái tạo phát triển mạnh. Dự báo tình hình phát triển trong giai đoạn từ nay tới 2050, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn trên toàn thế giới tăng từ 22% lên 29% trong đó điện mặt trời phát triển nhanh nhất, tăng trung bình 8,3%/năm. Từ nay đến năm 2020, điện năng lượng tái tạo sẽ chiếm gần 2/3 tổng công suất các nhà máy điện trên toàn thế giới xây dựng trong giai đoạn này.
Ông Nguyễn Văn Bình làm việc tại Ninh Thuận. |
Tại Việt Nam, quy hoạch điện của Việt Nam đã tăng mạnh tỷ trọng năng lượng tái tạo. Quy hoạch Điện VII điều chỉnh (tháng 3/2016) xác định ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ sản xuất điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% vào năm 2030 từ mức 4,5% năm 2020 và 6% năm 2030 theo Quy hoạch điện VII (tháng 7/2011). Điện mặt trời từ chỗ chưa đáng kể trong Quy hoạch điện VII thì đã tăng mạnh lên 12.000 MW vào năm 2030, chiếm 3,3% trong tổng cơ cấu nguồn phát điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác tại Ninh Thuận, đ/c Nguyễn Văn Bình và đoàn công tác đã đến khảo sát địa điểm dự kiến triển khai xây dựng dự án điện năng lượng mặt trời tại huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận.
M. Hà