Nóng cạnh tranh vỉa hè
Một cuộc chiến nữa giữa các thương hiệu cà phê lại bùng nổ, lần này là cuộc “tranh đấu” thị phần tại thị trường “vỉa hè”. Mới đây, hình ảnh một quán cà phê lưu động của Highlands Coffee trên một góc phố tại Hà Nội được nhiều người quan tâm.
Dẫn đầu thị trường ở phân khúc trung và cao cấp, thương hiệu này chọn cách "xuống đường" kiếm thêm cho mình nhóm khách hàng mới. Phiên bản cà phê mới mẻ được bán trên xe ô tô lưu động, thực đơn bao gồm các món cà phê, đồ uống như trà và cả cà phê bột túi.
Động thái của Highlands Coffee thực chất không phải quá mới. Ông Bầu chính là thương hiệu chú trọng tới mô hình này nhất. Sở dĩ họ dám đặt mục tiêu có 10.000 quán cà phê mang thương hiệu Ông Bầu tới năm 2022 là dựa vào việc phát triển thật mạnh mô hình quán nhỏ và kios ở phố. Ông Bầu cũng là người tiên phong trong phong trào đặt kios nhỏ trước quán lớn.
Nở rộ mô hình cà phê vỉa hè |
Vinacafe cũng đặt những xe đẩy của mình ở những nơi có đông người qua lại, chủ yếu ở quận Phú Nhuận và Bình Thạnh (TP.HCM). Giá của những ly cà phê “Take away” cũng khá rẻ, chỉ 12.000 đồng cho cà phê đen và 14.000 đồng cho cà phê sữa, xe đẩy cũng bán những sản phẩm của Vinacafe sản xuất nếu khách hàng có nhu cầu mua.
Passio cũng đã gia nhập “đại chiến vỉa hè”. Thời kỳ 2014 - 2015 lượng khách đến cửa hàng chật kín thì nay bị sản sẻ bởi các chuỗi cà phê khác. Do đó, để có thêm khách hàng, mỗi buổi sáng ngoài treo biển quảng bá, nhiều địa điểm còn có nhân viên Passio đứng phía ngoài chào và hỗ trợ khách đi đường.
Đứng trước cuộc chiến khốc liệt của thị trường cà phê, mới đây Trung Nguyên Legend cũng nhanh chóng cho ra một loạt cửa hàng chuỗi cà phê bán lẻ nhượng quyền E-Coffee với diện tích 4-40m2, ưu tiên khách hàng mang đi. Đây là chuỗi cà phê đánh vào phân khúc bình dân, đặc biệt dành cho đối tượng khách hàng bận rộn.
Hướng đi mới sau dịch
Theo các chuyên gia, tiềm năng của thị trường đồ uống cà phê tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Theo báo cáo Ngành nông nghiệp Việt Nam quý III/2017 của BMI Research, trong giai đoạn 2005-2015, lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam tăng trưởng từ 0,43 kg một người một năm lên 1,38 kg. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới, và dự báo lên 2,6 kg một người vào 2021.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh, những hãng cà phê đã phải có bước chuyển biến trong cách kinh doanh và đánh chiếm những phân khúc mà trước đó chưa đả động tới.
Cạnh tranh cà phê vỉa hè ngày càng khốc liệt |
Cách bán hàng mới mẻ này cũng giúp các thương hiệu giảm chi phí thuê mặt bằng, nhưng lại có nhiều khách hàng hơn. Khi phân khúc trung cấp và cao cấp ngày càng chật hẹp thì nhóm bình dân, người có thu nhập thấp là đối tượng tiềm năng.
Mô hình mới này giúp cà phê của hãng tiếp cận nhiều hơn với đối tượng khách hàng có mức thu nhập trung bình, thấp, vốn là đối tượng của các quán cà phê truyền thống nhỏ lẻ.
Chính vì thế, ngoài yếu tố thương hiệu, các đại gia cà phê lấy giá bán làm ưu thế cạnh tranh. Giá của các đồ uống đều rẻ hơn khá nhiều so với khi mua tại quán. Với cà phê phin truyền thống, mỗi cỡ nhỏ, vừa hay lớn đều được giảm giá 10.000 đồng/ly.
Trong khi đó, trà hay phindi lại rẻ hơn từ 14.000-16.000 đồng so với giá gốc. Để thưởng thức một ly trà sen vàng cỡ L, nếu bình thường phải mất 55.000 đồng thì khi mua tại điểm bán này, khách hàng chỉ cần trả 39.000 đồng.
Ở góc độ người tiêu dùng, họ được hưởng lợi vì giá cả nhưng với các thương hiệu cà phê sẽ còn có nhiều thách thức ở phía trước. Đơn cử như quản lý chất lượng, chỉ cần một cửa hàng làm ẩu, có thể làm đổ bể mọi nỗ lực xây dựng thương hiệu của chuỗi ngàn cửa hàng.
Thực tế, không ít mô hình dạng này đã áp dụng trước đó, nhưng đều thất bại hoặc chỉ nhỏ lẻ không đủ tầm để vươn lên trở thành một thương hiệu lớn.
Ông Đỗ Quốc Anh, Giám đốc chuỗi Coffee Bike, một thời mở hàng loạt điểm bán cà phê xe đẩy, cho biết, mô hình xe đẩy vẫn khá tiềm năng nhưng nếu không phát triển đúng và tạo hướng đi riêng sẽ thiếu bền vững và chỉ là trào lưu.
Duy Anh