"Các công ty lo sợ và chống đối rất nhiều"

“Khi chúng tôi mời một doanh nghiệp xuất khẩu xe đạp vào Mỹ làm việc về nghi vấn gian lận xuất xứ, họ đi cùng luật sư. Buổi làm việc đó kéo dài đến 1 giờ đêm. Họ chống đối, đập bàn đập ghế. Họ lo bị tịch thu hàng hóa”, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) kể về một trường hợp đấu tranh với doanh nghiệp Trung Quốc trong tầm ngắm gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Lộc cho biết cơ quan này đang tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc, do đây là nhóm có rủi ro cao về gian lận xuất xứ. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc “chạy” sang Việt Nam với vỏ bọc đầu tư để xuất hàng đi Mỹ nhằm “né” thuế.

{keywords}
Ông Nguyễn Tiến Lộc: Chống gian lận xuất xứ có nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư rất đơn giản. Có doanh nghiệp thậm chí còn không đầu tư gì nhiều, chỉ thuê đất, sử dụng công cụ sản xuất đơn giản để lắp ráp, rồi xuất khẩu đi Mỹ”, ông Lộc nói và đề cập đến nhiều ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đột biến vào Mỹ năm 2019.

Chống gian lận xuất xứ nói thì tưởng dễ, nhưng để xác minh được một vụ việc, Hải quan cũng phải trải qua một cuộc đấu trí thực sự.

Ông Nguyễn Tiến Lộc chia sẻ: "Đấu tranh với doanh nghiệp, chúng tôi phải xác minh từ nhiều nguồn. Họ nói mua linh kiện nội địa thì chúng tôi cũng phải đi điều tra xem có thật không. Rồi chúng tôi đến văn phòng đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ở các địa phương để kiểm tra bộ chứng từ doanh nghiệp lập ra xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ. Chúng tôi chứng minh bộ chứng từ đó không đúng nên yêu cầu VCCI thu hồi giấy chứng nhận đã cấp.

“Chúng tôi vừa đấu tranh, vừa vỗ về doanh nghiệp. Làm sao cho khách quan, thận trọng nhất, cân nhắc các tình tiết, cho doanh nghiệp giải trình tối đa”, lãnh đạo Cục Kiểm tra sau thông quan nói.

Trên thực tế, những vụ việc gian lận xuất xứ đang diễn biến khó lường, chỉ một chút lơ là hàng hóa gian lận xuất xứ Việt Nam sẽ lọt cửa kiểm soát để xuất đi Mỹ. Khi đó, hậu quả sẽ khó lường nếu phía Mỹ kiểm tra, phát hiện sự gian lận của những doanh nghiệp này. Hàng xuất khẩu chân chính từ Việt Nam đi Mỹ cũng sẽ bị “vạ lây”.

Hồi năm 2017, Tổng cục Hải quan và các cơ quan của Việt Nam đã chủ động phối hợp với Hải quan Mỹ ngăn chặn số lượng nhôm có nguy cơ giả mạo xuất xứ Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay, với 1,8 triệu tấn trị giá ước tính lên đến 4,3 tỷ USD. Số hàng này không đủ điều kiện xuất vào thị trường Mỹ với xuất xứ Việt Nam.

Liên quan đến vụ 1,8 triệu tấn nhôm trên, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho hay nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15% nhưng nhôm của Trung Quốc xuất vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%. Do đó, doanh nghiệp ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu nhập khẩu hơn 4 tỷ USD mặt hàng nhôm.

Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, VCCI và các cơ quan khác kiểm tra, xác định, ngăn chặn kịp thời.

{keywords}
Gắn camera giám sát kho nhôm 4,3 tỷ USD của tỷ phú Trung Quốc ở Bà Rịa Vũng Tàu.

Ngăn chặn từ gốc, nguy cơ được hóa giải

Nhiệm vụ chống gian lận xuất xứ nóng đến mức đầu tháng 7/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ".

Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã được các đối tác đánh giá cao. Nhờ vậy, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường quan trọng vẫn được “chào đón”, và không ngừng mở rộng cả về giá trị lẫn sản lượng.

Tại buổi tiếp và làm việc với bà Bonnie Glick - Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đầu tháng 11/2019, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cũng cho biết: Hải quan Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan phía Hoa Kỳ để điều tra, bóc gỡ những vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam, qua đó thể hiện sự chủ động, tích cực, kiên quyết từ phía Việt Nam. Hải quan Việt Nam đã tiến hành điều tra 6 chuyên án liên quan đến hàng hóa xuất khẩu đi Hoa Kỳ mang xuất xứ Việt Nam và đã chứng minh hàng hóa không đủ điều kiện mang xuất xứ Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Hải quan Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan phía Hoa Kỳ để điều tra, bóc gỡ những vụ việc tương tự. 

Tại nhiều cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh: “Năm 2019 chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng rất nhanh chóng của thương mại quốc tế của Việt Nam nhưng đồng thời cũng thấy được sự gia tăng rất nhanh chóng những xung đột thương mại giữa Việt Nam, các doanh nghiệp của Việt Nam với các đối tác ở các khu vực trên thế giới. Chưa bao giờ chúng ta thấy số lượng các cuộc điều tra về chống buôn lậu, chống bán phá giá cũng như các tranh chấp thương mại khác với hàng hóa, sản phẩm và doanh nghiệp của Việt Nam ở trên thị trường quốc tế đang tăng nhanh như vậy.

Vì vậy, trong năm 2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” mà Thủ tướng chính phủ ký ban hành sẽ phải đi vào thực thi với sự tham gia sâu rộng của tất cả tổ chức trong hệ thống chính trị của chúng ta.

Rõ ràng, chống gian lận xuất xứ không phải là việc của riêng ai. Bởi lơ là nhiệm vụ quan trọng này thì cả nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt. Để bảo vệ hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, không còn cách nào khác là phải ngăn chặn những doanh nghiệp đến Việt Nam đầu tư kiểu “chộp giật”, bất kể doanh nghiệp ấy đến từ quốc gia nào.

Hà Duy

Chống gian lận xuất xứ, bảo vệ hàng Việt

Chống gian lận xuất xứ, bảo vệ hàng Việt

Tháng 11, hé lộ về kho nhôm hơn 3,8 tỷ USD nguồn gốc Trung Quốc ‘âm mưu’ gian lận xuất xứ, đội lốt hàng Việt để xuất đi Mỹ bị chặn đứng đã làm mọi người giật mình.