Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp Chính phủ kiến tạo như một động lực phát triển mới và hối thúc các thành viên Chính phủ phải hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng đã dần chuyển hóa thành hành động, tạo nên niềm tin của người dân và cả cộng đồng DN.
Ấn tượng và niềm tin
“Đặc biệt ấn tượng” trước những thông điệp, hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ mới, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Nhiều thông điệp, ý kiến đưa ra của Thủ tướng đặc biệt ấn tượng, tạo ra một niềm tin mạnh mẽ cho cộng đồng DN cũng như cho xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo ấn tượng với nhiều thông điệp và hành động mạnh mẽ. |
Ấn tượng ấy được ông Thiên dẫn chứng ở hai điểm chính. “Ấn tượng đầu tiên là thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phản ánh được cách nhìn tổng thể trong từng việc cụ thể. Đó là việc rất có ý nghĩa. Điểm ấn tượng thứ hai là nhìn thấu được chuyện dài hạn trong khi xử lý chuyện ngắn hạn. Lâu nay tôi thấy ta hay chạy đua ngắn hạn, mà quên dài hạn; lo việc cụ thể mà không thấy tổng thể. Đến nay kết quả về cái nhìn tổng thể chưa thể hiện ra được nhưng dần tạo được niềm tin”, ông Trần Đình Thiên bộc bạch trong một tọa đàm mới đây.
Đề cập việc Thủ tướng kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016, ông Thiên đánh giá: Theo thông lệ các nhiệm kỳ trước, cứ gặp khó khăn nọ kia là đề nghị điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuống phù hợp thực tế. Như vậy cuối cùng sẽ hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí hoàn thành xuất sắc mà không vấn đề gì cả. Tôi đánh giá cao Thủ tướng đưa ra tuyên bố đó và tôi ủng hộ không việc gì phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng. Vì như thế chả khác gì hoàn thành nhiệm vụ theo thành tích mà như thế thì năm nào cũng tốt. Thế nhưng như vậy ta không có cơ hội kiểm điểm năm đó có vấn đề gì về cơ cấu hay không.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ: Tôi nhấn mạnh một điều là ngay sau khi trở thành Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chọn doanh nhân là lực lượng xã hội đầu tiên để gặp gỡ và bàn về việc phát triển kinh tế. Đó là sự lựa chọn mang ý nghĩa thông điệp lớn.
“Sau hội nghị Thủ tướng đối thoại với DN vào tháng 4/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về chủ trương phát triển DN. Lần đầu có một nghị quyết dài hạn về DN cho cả nhiệm kỳ với mục tiêu có 1 triệu DN làm việc hiệu quả. Các thông điệp dồn dập của Thủ tướng đã tạo sức lay động về nhận thức, từ đó tạo ra niềm tin thúc đẩy sức khởi nghiệp của xã hội, nhân dân”, ông Lộc nói và cho rằng người dân đã “bỏ phiếu” cho Thủ tướng bằng việc DN thành lập mới năm 2016 đạt kỷ lục 110 nghìn .
Chính phủ kiến tạo: Nói là làm
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Chúng ta đều nói Chính phủ kiến tạo là Chính phủ tạo môi trường thuận lợi nhất cho DN và người dân. Nhưng tôi nghĩ chữ “kiến tạo” nội hàm của nó nhiều chiều cạnh hơn. Cái đầu tiên của Chính phủ kiến tạo là bản thân Chính phủ ấy phải đủ năng lực, minh bạch, đủ khả năng giải trình. Thứ hai một Chính phủ kiến tạo là Chính phủ có khả năng tạo được tầm nhìn tốt và chính sách tốt. Thứ ba, một Chính phủ kiến tạo là Chính phủ tương tác với xã hội, công chúng, thị trường, nhà đầu tư, DN một cách thân thiện theo nghĩa minh bạch, giải trình. Cuối cùng một Chính phủ kiến tạo là Chính phủ biết tạo ra được sự phát triển.
“Tôi nghĩ đó là 4 chiều cạnh quan trọng nhất của Chính phủ kiến tạo. Nhìn vào đó thì thấy có cái ta hài lòng với Chính phủ nhiệm kỳ mới nhưng có điều chúng ta còn kỳ vọng vào rất nhiều để đạt được. Chính phủ tất nhiên cần thời gian hoàn thiện mình, cần thời gian thử thách, trải nghiệm và tương tác với xung quanh”, ông Võ Trí Thành bộc bạch.Ở góc nhìn DN, bà Hà Thu Thanh, Tổng giám đốc của Công ty Kiểm toán và Tư vấn Deloitte Việt Nam cho rằng Chính phủ kiến tạo là một Chính phủ hành động vì DN và doanh nhân phát triển, bởi đó là khu vực tạo ra giá trị cho kinh tế đất nước.
Bà Thanh cũng mong muốn những thông điệp của Chính phủ trở thành hành động thực tế, để củng cố niềm tin nơi cộng đồng DN.
Nói về Chính phủ kiến tạo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng phải xem tất cả dịch vụ của Nhà nước là hàng hóa, người dân và DN là khách hàng. Như vậy, Nhà nước phải cung cấp dịch vụ tốt nhất, rẻ nhất. Mặt khác, quản lý nhà nước phải vì phát triển, phục vụ phát triển, đáp ứng nhu cầu phát triển triển. Ngoài ra, phải đánh giá mọi việc của Nhà nước dựa trên kết quả, hiệu quả.
“Với tinh thần khách hàng phải được phục vụ thì những thứ hành là chính rõ ràng phải thay đổi. Tiếp theo Nhà nước là đối tác đồng hành, cùng nhau giải quyết vấn đề. Một vấn đề xuất hiện Nhà nước phải đến ngay xem thử nó là cái gì và cùng DN thảo luận với nhau, cùng nhau giải quyết.
Nhưng điều ông Cung còn băn khoăn là: Từ tuyên bố của Thủ tướng, phải hiện thực hóa thành các hành động của các Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh... Bởi nếu mới là thông điệp của Thủ tướng mà bên dưới đứng yên thì mọi thứ như cũ”, ông Cung nói và nhấn mạnh phải tạo sức ép để các bộ ngành và địa phương hành động đúng thông điệp của Thủ tướng.
Hà Duy