Ngành du lịch đã ở trên “con tàu 4.0” nhưng với các mức độ khác nhau. Chúng ta chỉ mới ở mức dừng ở ứng dụng ban đầu, chưa đủ lớn để tạo ra tích hợp, ứng dụng thông minh. Đôi lúc phát triển công nghệ quá nhanh mà nhận thức lại chưa theo kịp.

Thông tin từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và con số này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng của du lịch trực tuyến lên lới 50%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung của thương mại điện tử.

Một khảo sát với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2017 cho hay: Có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên Internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam. Với sự phát triển chung của thương mại điện tử và du lịch, các tỷ lệ này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn tới.

Trên thực tế, du lịch trực tuyến hay du lịch 4.0 thể hiện qua những hoạt động thiết thực mà nhiều DN lữ hành, DN công nghệ ở Việt Nam đã áp dụng.

{keywords}
Ứng dụng mã QR tại VITM 2018 (ảnh TTXVN)

Chẳng hạn, ngay tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2018, hãng hàng không Vietnam Airlines không để quầy bán vé truyền thống như trước mà cung cấp 20 máy tính, phát mã giảm giá cho khách mua vé trực tuyến. Hãng hàng không Jetstar cũng tung ra hàng trăm vé giá rẻ  được bán theo phương thức áp dụng mã QR.

Phương thức thanh toán bằng mã QR cũng được nhiều công ty lữ hành áp dụng cho tour ưu đãi bán tại hội chợ. Không cần mang ví, khách hàng cũng có thể mua tour và trả tiền qua chiếc điện thoại thông minh. Ví dụ, tại gian hàng của Hanoi Redtours, khách mua tour bằng mã QR sẽ được giảm 200.000 đồng/người. 

Còn Vietravel có khu vực trải nghiệm ứng dụng đặt tour trực tuyến trên các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng. Ngoài ra, công ty này còn đặt 4 màn hình Led 52” cảm ứng và có nhân viên hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng thực hiện thao tác tìm đặt tour trực tuyến, theo dõi thông tin các trang mạng xã hội.

Đến nay, lượng khách đặt tour trực tuyến của Vietravel đạt trên 20% doanh thu, tỷ lệ đặt tour trực tuyến tăng trung bình khoảng 5%.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist, Giám đốc công ty lữ hành, cho hay, tổng kết 10 tháng gần đây nhất của Saigontourist, có 5.000 booking với 12.500 lượt khách, doanh thu đạt 129 tỷ đồng. Tất nhiên, so với doanh thu từ phương thức truyền thống (4.250 tỷ của năm 2017), con số này còn nhỏ nhưng theo ông Tài, đây là một kênh tăng trưởng tốt.

Hay tại Transviet, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc công ty, nói rằng, trên trang web của lữ hành, du khách dễ dàng tìm tour bằng vào click chuột, đăng ký trực tuyến và thanh toán trực tuyến. Công ty còn tạo ra app trên điện thoại để khách hàng tra cứu và đặt tour. Qua đó, tích hợp thông tin cá nhân của du khách để nắm rõ hơn nhu cầu nhằm chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Hiện nay, khách du lịch trong nước và quốc tế mua bán, thanh toán và phản hồi qua môi trường số ngày càng tăng. Việt Nam đang có hơn 50 doanh nghiệp áp dụng bán hàng online và 10 sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên, 10 sàn giao dịch này mới thực hiện khoảng 20% giao dịch, các dịch vụ còn lại thuộc về các sàn giao dịch nước ngoài.

Do đó, theo ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch), thực tế ngành du lịch đã ở trên “con tàu 4.0” nhưng với các mức độ khác nhau. Chúng ta chỉ mới ở mức dừng ở ứng dụng ban đầu, chưa đủ lớn để tạo ra tích hợp, ứng dụng thông minh. Đôi lúc phát triển công nghệ quá nhanh mà nhận thức lại chưa theo kịp,...

Ngoài ra, ông Võ Anh Tài lưu ý, thách thức hiện nay là năng lực sử dụng công nghệ và ứng dụng công nghệ của đội ngũ nhân lực ngành du lịch và tính an toàn của hệ thống.

Tại diễn đàn, một cá nhân là thành viên Hội hiệp Thương mại Điện tử, nêu ý kiến: Du lịch trực tuyến bùng nổ nhưng gần như kỳ nghỉ dài nào cũng xảy ra quá tải. Chúng ta đã có sự phối hợp giữa các đơn vị bán hàng online, các địa phương để chia sẻ thông tin với nhau, cảnh báo tình trạng quá tải để khách hàng biết, tránh bị “thất thủ” như Đà Lạt hay Sapa hay chưa?

Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, đây không chỉ là câu hỏi mà chính là  gợi ý cho ngành du lịch trong việc có nên làm và làm được như vậy hay không?

Trên thực tế, tình trạng chặt chém cũng là do thiếu thông tin. Hơn nữa, với các doanh nghiệp thì khách của ai chỉ DN đó biết nên chưa có cơ sở dữ liệu. Giờ có luật nào bắt DN phải cung cấp thông tin không? Do đó, cơ sở pháp lý cho việc này là cả một câu chuyện.

Ngọc Hà