Hạn chế dàn trải

Theo tờ trình đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021-2025 được Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) gửi tới Thủ tướng, tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư công trung hạn 2021-2025 là 2,75 triệu tỷ đồng, tăng 37,5% so với giai đoạn trước (giai đoạn 2016-2020, Quốc hội duyệt tổng mức vốn là 2 triệu tỷ đồng). Song, hiện nay tổng số vốn Bộ này thông báo để các bộ, cơ quan xây dựng phương án phân bổ chi tiết là hơn 2,24 triệu tỷ đồng.

Dù vậy, Bộ KH-ĐT quyết tâm huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước cho đầu tư tối thiểu là 2,75 triệu tỷ đồng.

{keywords}
Đầu tư công là động lực kích thích tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lương Bằng

Tổng số dự án dự kiến bố trí vốn của cả nước trong giai đoạn này là 6.447 dự án, giảm một nửa so với số dự án của giai đoạn 2016-2020. Trong đó, có 3.304 dự án khởi công mới, bằng 78,5% số dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020. Đáng chú ý, số vốn bình quân một dự án đạt hơn 154 tỷ đồng, cao gần gấp đôi của giai đoạn trước (bình quân giai đoạn trước là 88 tỷ đồng/dự án).

Như vậy, số dự án khởi công mới tiếp tục xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, khi theo dõi phương án chi tiêu vốn đầu tư công, Bộ KH-ĐT tiếp tục chỉ ra một số bộ, địa phương, cơ quan chưa tuân thủ đúng các quy định, tiêu chí, nguyên tắc phân bổ vốn như khởi công mới nhiều dự án mà chưa đảm bảo bố trí vốn cho dự án chuyển tiếp; phê duyệt dự án vượt quá số vốn theo quy định.

Điều này phải được thay đổi. Việc đầu tư dàn trải, phân tán phải tiếp tục được chấn chỉnh để tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án dở dang. Tổng số dự án hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ là 7.354 dự án, bằng 66,2% tổng số dự án đã được giao kế hoạch trung hạn.

Trong 5 năm tới, theo tính toán của Bộ KH-ĐT, sẽ có hàng loạt dự án giao thông lớn được đầu tư bằng nguồn vốn công. Đó là 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay quốc tế Long Thành (phần giải phóng mặt bằng).

{keywords}
Giả dự án khởi công mới là xu hướng trong đầu tư công

Cụ thể, Chính phủ sẽ chi hơn 97,9 ngàn tỷ đồng cho 74 dự án trọng điểm, kết nối vùng, bố trí 8.100 tỷ đồng để hoàn thiện 10 dự án thuộc tuyến đường ven biển đoạn Quảng Ninh - Nghệ An...

Về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025, theo Bộ KH-ĐT, sẽ tuân thủ các luật đầu tư công, ngân sách nhà nước, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết định của Chính phủ.

Vốn đầu tư công sẽ được đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng cấp quốc gia có ý nghĩa liên vùng, tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy các cực tăng trưởng như Hà Nội, TP.HCM, các vùng kinh tế trọng điểm phát triển nhanh hơn.

Theo tính toán của Bộ KH-ĐT, năm 2020, cứ giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% thì GDP cũng tăng thêm 0,06% so với năm trước. Cho nên việc tăng lượng vốn đầu tư công trong 5 năm tới sẽ tạo ra cú hích cho tăng trưởng GDP.

Lưu ý việc giải ngân

Việc giải ngân đầu tư công phải được quán triệt bởi giai đoạn 2016-2019 từng chứng kiến tình trạng giải ngân chậm chạp, tiền có nhưng không tiêu hết được, điển hình là năm 2018 và 2019 tỷ lệ giải ngân chỉ đạt lần lượt 71,69% và 78,68%.

{keywords}
Giải ngân đầu tư công chỉ thay đổi vào năm 2020 khi có sự quyết liệt của Chính phủ. 

Thời điểm đó, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công chưa từng có tiền lệ trong thời gian qua, trình Quốc hội cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã dược Quốc hội quyết định. Điều này góp phần đảm bảo sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn, nhất là đối với các dự án chậm triển khai, kém hiệu quả.

Để thúc đẩy giải ngân 4 nghị quyết của Chính phủ đã được ban hành, 6 hội nghị thúc đẩy đầu tư công, 7 đoàn công tác của Chính phủ, Bộ KH-ĐT đôn đốc giải ngân.

Nhờ đó năm 2020, tỷ lệ giải ngân đã đạt cao  nhất từ trước đến nay, hỗ trợ nền kinh tế đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch Covid-19.

Nếu không quyết liệt ngay từ bây giờ, tình trạng giải ngân lẹt đẹt có thể quay trở lại. Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 ước từ đầu năm đến ngày 30/4/2021 chỉ đạt 16,66% kế hoạch. Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. 

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, 4 tháng năm 2021 có 5 bộ và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20% kế hoạch; trong đó, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình (76,74%), Hà Nam (50,57%), Hưng Yên (43,21%), Thanh Hóa (42,39%), Quảng Ninh (39,62%)... Tuy nhiên, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 41/50 bộ và 26/60 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 17 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Một số nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được Bộ Tài chính chỉ ra như: vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; công tác đấu thầu, thi công; công tác giám sát, đánh giá hiệu quả chưa được quan tâm, thực hiện nghiêm túc, kịp thời mặc dù đã được quy định tại Luật Đầu tư công.

Lương Bằng

Sẵn 30 tỷ USD: Tình thế này, không thể 'có tiền mà không tiêu được'

Sẵn 30 tỷ USD: Tình thế này, không thể 'có tiền mà không tiêu được'

Dòng vốn 30 tỷ USD được "bơm" đều đặn hàng năm để phục vụ đầu tư các dự án đầu tư công, nhưng nhiều năm nay trong tình trạng "có tiền mà không tiêu được". Việc này giờ đây phải thay đổi.