Bán nhà, bán xe làm nông nghiệp thông minh

Nhớ lại những ngày đầu quyết định tiến sang mảng nông nghiệp công nghệ cao, anh Trần Văn Tân (Quảng Xương, Thanh Hóa) nghĩ đó là cái “nghiệp”. Anh tâm sự, mình đã có 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực làm cửa nhôm, nhựa, lõi thép, mỗi năm mang về doanh thu cả chục tỷ.

Thế nhưng, chỉ sau hai chuyến tham quan Nhật Bản và Israel cùng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, anh có một quyết định đầy táo bạo, bất ngờ: Làm nông nghiệp theo hướng hiện đại. Nhưng, anh vấp phải sự phải đối của rất nhiều người trong gia đình và cả đồng nghiệp. Không ai nghĩ anh có thể làm gì khác thành công hơn, bởi kinh doanh nhôm kính đang rất thịnh đạt.

Thời điểm xin giấy phép để triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quảng Xương lần nữa mãi không ký. Bởi, họ nghi ngờ ở trình độ chuyên môn của anh và lo ngại rủi ro cao trước cách làm nông nghiệp mới mẻ này.

Khi đó, anh mất khá nhiều thời gian thuyết phục và cuối cùng cũng được chấp thuận. Anh chính thức đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp, làm người nông dân mới.

{keywords}
Anh Tân có quyết định đầy liều lĩnh khi làm nông nghiệp công nghệ cao

Song, khó khăn mới chỉ là bắt đầu. Anh Tân phải thuyết phục người dân có ruộng nằm trong diện dự án của mình giao đất theo kế hoạch. 84 hộ dân của thôn Dục Tú, xã Quảng Tân (Quảng Xương) không dễ dàng gì bàn giao đất ruộng cho anh. Cuối cùng, họ cũng đồng ý giao với giá thoả thuận. Nhiều người còn làm cho anh khi dự án đi vào vận hành.

Ngay sau đó, anh ngày đêm cùng các kỹ sư phải tìm cách biến những đồng ruộng sình lầy thành những mảnh đất màu mỡ cho nông nghiệp.

Quyết tâm theo đuổi lĩnh vực nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao nhằm thay đổi tư duy làm nông nghiệp, đem đến những sản phẩm an toàn, anh chủ động ứng dụng phần mềm iMetos vào hoạt động sản xuất, mua công nghệ từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản về áp dụng,... nhờ đó giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh.

Việc bón phân, tưới nước cho cây trồng cũng được tự động hóa. Thiết bị cảm ứng nhiệt sẽ tự động điều chỉnh, điều hòa chế độ tưới để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định nhất. Cùng với đó, anh cử kỹ sư sang Nhật học hỏi quy trình sản xuất, với các loại cây trồng chủ yếu là dưa lưới và rau thủy canh.

Quá trình làm bị thiếu vốn, anh bị ngân hàng từ chối cho vay vì sợ nông nghiệp công nghệ cao nhiều rủi ro. “Tôi quyết định bán tất cả từ nhà đến ô tô, thậm chí cả sim điện thoại, quyết tâm 'chơi một trận lớn' với nông nghiệp sạch”, anh nhớ lại.

Dưa lưới cho thu tiền tỷ, rau má xứ Thanh ra chợ thế giới

Sau quyết định liều lĩnh, cùng với rất nhiều khó khăn, anh Tân đã thành công với mô hình trồng dưa lưới Taki, rau thủy canh trong nhà lưới, nhà màng và nhà kính. Các sản phẩm nông nghiệp được thị trường trong và ngoài nước đón nhận.

Trang trại của anh Tân đang áp dụng quy trình tưới nước nhỏ giọt hiện đại của Israel và mô hình công nghệ sản xuất của Nhật Bản. Nhờ đó, tăng năng suất và sản lượng cây trồng cũng như hiệu quả kinh tế vượt trội so với sản xuất truyền thống.

Dưa Taki được trồng trong nhà lưới cho 3 vụ/năm, mỗi vụ 30-35 tấn, mỗi năm doanh thu đạt 5,4 tỷ đồng. Với giá bình quân 20 triệu đồng/tấn từ rau thủy canh, anh thu về trên 4 tỷ đồng/năm.

Gặt hái thành quả từ dưa lưới cùng hàng chục loại rau quả theo mô hình nông nghiệp thông minh, song anh Tân vẫn trăn trở với cây rau má của quê hương mình. Anh nghĩ “sao không từ đồng đất quê hương - nơi cây rau má đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành biểu tượng, mà biến tiềm năng thành lợi thế, phát triển thành sản phẩm thương mại?”. Đây cũng là một trong những lý do khiến anh quyết tâm tìm hướng đi mới, tạo bước ngoặt cho cây rau má xứ Thanh.

{keywords}
Anh đang phát triển cây rau má để xuất khẩu, giúp bà con nông dân có thu nhập ổn định 

Để thực hiện ý tưởng táo bạo này, anh Tân cùng đội ngũ lãnh đạo, nhân viên tập trung xây dựng ý tưởng, kế hoạch, tìm hướng đi mới cho cây rau má vốn mọc dại ngoài đồng.

Dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Rau má xứ Thanh” cho các sản phẩm từ rau má bản địa của tỉnh Thanh Hóa gắn với Chương trình OCOP ra đời trong nỗ lực, tâm huyết, quyết tâm cùng tình yêu quê hương, yêu nông nghiệp công nghệ cao, yêu cây rau má quê nhà.

Anh Tân cho hay, hệ thống nhà kính, quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp anh được phía Nhật Bản chuyển giao 100%. Anh tổ chức liên kết sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với bà con, một số HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm xây dựng vùng nguyên liệu rau má theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng đến hữu cơ, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, hướng tới tham gia Chương trình OCOP. 

Đến nay, anh đã liên kết với khoảng 10 địa phương, đơn vị như phường Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa), HTX Hải Long (Như Thanh), HTX nông nghiệp Quảng Văn (Quảng Xương), huyện Triệu Sơn, Cẩm Thủy, Nông Cống...

Sản phẩm rau má của công ty được tỉnh đánh giá OCOP 4 sao. Anh Tân cho hay, có rất nhiều thị trường tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm rau má xứ Thanh. Trong đó, nổi bật là một đối tác ở Ấn Độ đặt mua rau má tươi 3.000-3.5000 tấn/năm để chiết xuất tinh dầu rau má.

DN của anh đã liên kết nông dân trồng được 100ha. Đến năm 2025, diện tích tăng lên từ 300-350ha. Trong năm nay, anh sẽ xây dựng nhà máy chế biến rộng 10.000m2. Dây chuyền máy móc nhập từ Nhật Bản đã về đến công ty.

“Giá bột rau má trong nước từ 1,9 đến 2 triệu đồng/kg, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản thì lên tới 6 triệu đồng/kg”, anh nói. Tuy nhiên, mục tiêu của anh là phấn đấu đưa các sản phẩm chế biến từ cây rau má đến thị trường Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Anh và một số nước châu Phi.

Bởi vậy, chọn cách liên kết với các hộ nông dân, HTX., anh tính với 10-11 vụ/năm, nếu tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc, năng suất cây rau má đạt từ 45-50 tấn/ha, doanh thu bình quân dao động 400-450 triệu đồng/năm. Trừ các loại chi phí, người dân thu nhập từ 250-300 triệu đồng/ha/năm. 

Rau má có vòng sinh trưởng, phát triển dài, khoảng 10 năm mới phải trồng mới một lần. Như vậy, có thể thấy, rau má cho năng suất gấp 3-4 lần, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa và các cây rau màu khác.

Ở quê, mỗi hộ dân nếu trồng từ 3-5 sào rau má sẽ cho doanh thu từ 12-15 triệu/tháng. Với người dân sống ở vùng quê mà có mức thu nhập như vậy là ổn định. Họ sẽ không phải tha hương làm ăn xa, nhất là trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, anh Tân chia sẻ.

Ngọc Liên

Bội thu chưa từng có, một bước chuyển đổi thắng lớn 1.400 tỷ

Bội thu chưa từng có, một bước chuyển đổi thắng lớn 1.400 tỷ

Năm trước, doanh thu của vải thiều của tỉnh Hải Dương chỉ khoảng 600 tỷ đồng. Nhưng năm nay quả vải thiều bán trên các sản thương mại điện tử, hình ảnh sản phẩm được quảng bá rộng khắp, nông dân thu ngay 1.400 tỷ đồng.