- Đại gia Thanh Thản bị dừng cấp phép đối với những dự án BĐS mới, nguyên ĐBQH Châu Thị Thu Nga bị bắt giữ liên quan đến dự án B5 Cầu Diễn, cựu TGĐ Địa ốc Dầu khí (PVL) phải hầu tòa,... Không ít đại gia bất động sản khác cũng gặp nạn trong năm 2015.
Năm không "thanh thản" với "đại gia điếu cày"
Những ngày cuối năm, Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của cơ quan phòng cháy chữa cháy dừng xem xét việc giao chủ đầu tư, cấp phép đầu tư đối với các dự án mới trên địa bàn của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên. 2015 có lẽ là năm không may đối với đại gia Thanh Thản.
Trong vòng chưa đầy 1 tháng, liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy tại khu chung cư Xa La và HH Linh Đàm. Nghiêm trọng nhất là vụ cháy khu CT4 Xala, làm dấy lên làn sóng lo ngại về chất lượng và vấn đề an toàn cháy nổ tại các khu chung cư này. Tại dự án chung cư Đại Thanh, cơ quan chức năng cũng công bố hàng loạt sai phạm về xây dựng.
Các dự án chung cư giá rẻ tại Hà Nội của Doanh nghiệp xây dựng số 1 Lai Châu, do đại gia Lê Thanh Thản làm Giám đốc, luôn “sốt xình xịch” ngay từ khi được khởi công. Bí quyết thành công của chủ đầu tư này là tiến độ xây dựng nhanh, căn hộ diện tích nhỏ từ 45-50m2, giá rẻ top đầu thị trường,...
Đại gia nhà giá rẻ gặp nạn |
Nhưng, các dự án của vị đại gia hút thuốc lào, đi Rolls-Royce Lê Thanh Thản luôn đi kèm với tai tiếng về phá vỡ quy hoạch đô thị, mật độ dân cư quá đông, cháy nổ liên tiếp, thu tiền chênh cao ngất ngưởng,...
2015 cũng là một năm sao quả tạ chiếu đối với bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch HĐQT của tập đoàn Housing Group, chủ đầu tư dự án nhà ở B5 Cầu Diễn (Hà Nội). Ngay đầu năm, bà Nga bị bắt giữ về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan điều tra xác định bà Nga và những người liên quan đã thu tiền góp vốn của các nhà đầu tư khi dự án chưa được cấp phép, dẫn đến mất khả năng thanh toán khoảng 300 tỷ đồng.
Bà Nga đã lừa đảo rất nhiều khách hàng |
Với chiêu thỏa thuận góp vốn cho dự án, khoảng trên 30% giá trị căn hộ, không ít người đã nộp 400-700 triệu đồng cho chủ đầu tư. Housing Group của bà Nga đã huy động được gần 500 tỷ đồng từ hơn 400 khách hàng, còn đơn vị đối tác Công ty TNHH MTV XNK & Đầu tư Xây dựng Phát triển Hà Nội đã huy động hơn 100 tỷ đồng của hơn 200 khách hàng, nhưng không đầu tư vào dự án.
Vào thời điểm những năm 2010-2011, dự án này từng làm mưa làm gió trên thị trường địa ốc với giá góp vốn dao động từ 10-15 triệu đồng/m2, tiền chênh cả vài trăm triệu mỗi căn.
Một đại gia BĐS khác cũng đã phải hầu tòa là ông Hoàng Ngọc Sáu, cựu tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Dầu khí (PVL). Cựu TGĐ PVL bị cáo buộc đã gây thiệt hại 19 tỷ đồng. CQĐT xác định ông Sáu có hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền 10 tỷ đồng của công ty. Mặt khác, mặc dù không có diện tích thực thuê, ông Sáu vẫn ký hợp đồng dịch vụ tư vấn thiết kế nội thất sàn giao dịch bất động sản với Công ty JINA, gây thất thoát hơn 900 triệu đồng của PVL.
Ông Hoàng Ngọc Sáu đã phải trả giá cho những sai phạm |
Năm 2011, ông Sáu có tờ trình xin phê chuẩn điều chỉnh dự án chung cư Linh Tây (quận Thủ Đức, TP.HCM) từ 18 lên 22 tầng. Trong khi cơ quan có thẩm quyền của UBND TPHCM đang xem xét hồ sơ, ông này đã ký hợp đồng với công ty “sân sau” khác, do cháu ruột điều hành, để thiết kế bản vẽ thi công theo phương án 22 tầng, trị giá hợp đồng hơn 9 tỷ đồng, đã thanh toán hơn 8,1 tỷ đồng.
Một đồng phạm của Sáu là Hà Văn Sơn nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản VN (VN Land) nhận án 6 năm tù.
Năm buồn với người mua nhà
2015 cũng là thêm một năm buồn nữa đối với không ít người mua nhà. Cư dân B5 Cầu Diễn sau khi bà Nga bị bắt đã phải làm việc nhiều lần với cơ quan chức năng để đòi lại quyền lợi của mình. Đây từng là dự án rất "hot" theo quảng cáo từ Housing Group.
Dự án đã khiến hàng trăm người dân điêu đứng |
Tương tự, cư dân dự án Petrolandmark cũng tỏ ra kiệt sức đi đòi. Được biết, rất nhiều khách hàng đã đóng tiền trên 95%, thậm chí có người đóng 102% để mua căn hộ Petrolandmark, nhưng 4 năm qua họ phải chờ đợi, thậm chí “đội đơn” khiếu kiện nhiều nơi yêu cầu phía chủ đầu tư phải giao nhà. Chủ đầu tư PVC Land vẫn ngập trong nợ nần.
Theo hợp đồng, đến tháng 12/2011, chủ đầu tư phải bàn giao xong nhà cho khách hàng. Thế nhưng, ròng rã chờ đợi 4 năm qua, khách hàng “đứng ngồi không yên” khi dự án vẫn chỉ là một khối bêtông khổng lồ, ngừng trệ, còn chủ đầu tư thì... “lặn mất tăm”. Trước sự kêu cứu khẩn thiết của người dân, các cơ quan chức năng của TP đã nhiều lần yêu cầu cơ quan liên quan xem xét nhưng đến nay, sự việc vẫn đi vào ngõ cụt.
Người mua nhà tại dự án Tricon Tower, Sky Garden Định Công cũng điêu đứng không biết tìm ai để bảo vệ quyền lợi của mình.
Dân chung cư mệt mỏi vì khiếu kiện kéo dài |
Còn với những người đã ở chung cư thì họ vẫn cảm thấy bất an. Năm 2015, cư dân Sky City liên tục tố chủ đầu tư hàng loạt sai phạm. Nhiều cuộc họp bàn giữa hai bên và đơn từ lên cơ quan chức năng song vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân vẫn căng thẳng.
Còn tại dự án chung cư Keangnam, nhiều chủ căn hộ sau khi ra tòa đòi quyền lợi về một số vấn đề vướng mắc khi mua bán căn hộ như diện tích, bán nhà bằng USD thì nay lại phải tìm cách lấy lại khoản tiền gần 300 tỷ đồng phí bảo trì 2% chung cư. Lo lắng của người dân có cơ sở vì giữa năm 2015, ông chủ Keangnam ở bên Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều tai tiếng về hối lộ, làm ăn thua lỗ, thậm chí rao bán cả tòa nhà 72 tầng ở Việt Nam để trả nợ.
D.Anh