Giải pháp hữu hiệu nhất chống vi phạm bản quyền hiện nay là chặn ngay từ đầu nguồn vi phạm, tức là tác động ngay vào đối tượng vi phạm.
Thu hồi tên miền, chặn IP
Tại Hội thảo “Bảo hộ quyền của Tổ chức phát sóng trong môi trường số” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, để ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền truyền hình, nhiều ý kiến đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông cần thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp. Cụ thể, đối với các trang web vi phạm bản quyền trong nước, có thể dùng các biện pháp: xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi tên miền đối với những trang dùng tên miền “.vn”, phối hợp với các nhà cung cấp hạ tầng Internet như Viettel, VNPT, FPT…chặn tên miền và địa chỉ IP, hủy dịch vụ CDN của các trang vi phạm. Ví dụ, trong kỳ ASIAD 2018 vừa qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng chặn 18 trang vi phạm bản quyền ASIAD thành công.
Về phía chuyên gia nước ngoài, ông Vincent Helluy , Cố vấn cao cấp bộ phận Đối tác toàn cầu của Tập đoàn Canal+ (đơn vị đồng sở hữu Truyền hình K+) cho rằng, để giải quyết các vi phạm toàn cầu, không chỉ giới hạn giải quyết bằng nỗ lực tự thân của các nhà đài mà phải có sự phối hợp giữa các hiệp hội, các tổ chức công nghệ toàn cầu, các nhà cung cấp hạ tầng Internet, ISP, các nhà tổ chức quảng cáo, các đơn vị cho thuê hosting..
Hội thảo bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số được tổ chức để đưa ra các giải pháp hiệp lực hữu hiệu giữa các tổ chức nhằm chống vi phạm bản quyền truyền hình.
Ông Vincent cho biết, K+ cũng đã từng gặp vấn đề một số trang mạng điện tử của Việt Nam đăng tải hướng dẫn cách xem lậu và cung cấp link lậu xem các trận đấu của Ngoại hạng Anh, Champion League mà K+ đang nắm bản quyền. “Chúng tôi đã gửi thư đến các cơ quan quản lý của Việt Nam báo cáo, nhiều trang đã gỡ bỏ ngay lập tức và không tái phạm. Đối với các trường hợp phức tạp hơn, các trang có hosting đặt tại nước ngoài, chúng tôi có đại diện ở các nước để làm việc với các nhà cung cấp hosting ở các nước để chặn các website vi phạm”, ông Vincent cho biết.
Theo chuyên gia của Truyền hình K+, hiện tại K+ đang được sự hỗ trợ lớn từ chính các đơn vị tổ chức các giải bóng đá lớn như EPL, Champion League…Các đơn vị tổ chức này hiện đang phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp mạng xã hội như Youtube, Facebook để ngăn chặn, đóng các tài khoản vi phạm, các tài khoản live stream các trận đấu một cách nhanh chóng nhất.
“Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới sẽ giải quyết triệt để vấn nạn vi phạm bản quyền tốt hơn với sự hợp tác từ người sử dụng và sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan chức năng”, ông S.Baumier, Phó Tổng giám đốc Truyền hình K+ khẳng định.
Chặn quảng cáo của đơn vị vi phạm
Theo báo cáo tại Hội thảo “Bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng môi trường số” được tổ chức gần đây, ước tính có 200 trang web hoạt động tại Việt Nam thường xuyên vi phạm bản quyền thể thao, phim và các games show truyền hình. Còn khảo sát của Verisite cho thấy, có tới 113 thương hiệu lớn, chính thống đang quảng cáo thường xuyên trên 50 trang web lậu lớn nhất Việt Nam.
“Hiện 44/50 website vi phạm phổ biến nhất được hỗ trợ bởi các công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo và sống bằng nguồn tiền từ quảng cáo. Nội dung quảng cáo là độc hại như trang web khiêu dâm, trò chơi điện tử ăn tiền… chiếm tỷ lệ rất cao”, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, Hội truyền thông số Việt Nam cho biết.
Chính vì vậy, nếu chặn quảng cáo của các đơn vị này sẽ ngăn được vi phạm bản quyền. Kinh nghiệm này đã được nhiều nước áp dụng khá thành công. Tại Hàn Quốc, ông Lee Dogoo, Trưởng bộ phận kinh doanh SBS Content Hub, Đài SBS của Hàn Quốc cho biết: “Đối với những trang web, kênh quảng bá trên mạng xã hội vi phạm bản quyền sẽ được Hiệp hội quảng cáo, Hiệp hội tiêu dùng thống kê và công bố. Ý thức doanh nghiệp Hàn Quốc chống vi phạm bản quyền rất cao, các thương hiệu lớn như Samsung, LG, Hyundai… sẽ không bao giờ quảng cáo trên các trang web nằm trong danh sách xấu nói trên”.
Là đơn vị sở hữu bản quyền 2 giải đấu châu Âu và ngoại hạng Anh, K+ cùng các đối tác đang thiết lập hệ thống chống vi phạm bản quyền nghiêm ngặt trên toàn cầu.
Trên thực tế, năm 2017, đã có 2 đợt doanh nghiệp Việt Nam “tẩy chay” dừng quảng cáo trên YouTube. Theo đó, các thương hiệu lớn của Việt Nam như Vietjet Air, Vinamilk, Vingroup, Nestle, Abbott, Vinasoy… đã dừng quảng cáo vì ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu. Việc này đã ngay tức thì có hiệu quả, Youtube đã ngồi lại hợp tác, gỡ bỏ các nội dung vi phạm, còn các đơn vị làm quảng cáo cũng đã hạn chế được việc vi phạm.
“Để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình hiện nay, tôi cho rằng các doanh nghiệp cần được truyền thông, nâng cao trách nhiệm xã hội, không mua quảng cáo ở những trang web hoặc mạng xã hội vi phạm bản quyền. Nếu không có nguồn thu từ quảng cáo, bên vi phạm sẽ không còn đất sống”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SBLAW khuyến nghị.
Doãn Phong