- Lạc đường sang Trung Quốc mất 200 mét, hỏng xe phải dắt 2km trên đường đèo tối bưng rét căm căm, một con rắn nằm chắn ngang đường... - song, những mệt nhọc, vất vả chưa thấm vào đâu so với việc tour mới vừa ra đã bị “đạo” mất.
Những pha nguy hiểm
Để cho ra đời một sản phẩm tour mới, phía công ty du lịch, đặc biệt là cá nhân những người đi khảo sát tour, phải tốn rất nhiều công sức, thời gian mày mò, khám phá, thiết lập cơ sở để có thể đưa khách đến. Nhiều khi, khó khăn không phải ở chi phí bỏ ra mà là những nguy hiểm rình rập họ trên mỗi cung đường.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM), kể rằng, năm 2007, khi ông cùng một nhà văn vượt núi Khoang La San trên độ cao 1.864 mét đến cột mốc sô 0 định vị lãnh thổ ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc tại xã Xín Thầu - huyện Mường Nhé để khảo sát tour mới qua Điện Biên. Đây là điểm được ví là “gà gáy ba nước đều nghe”. Đường đi luồn qua núi rừng, cheo leo nguy hiểm, mà chỉ cẩn xẩy chân là lăn xuống vực.
“Mặc dù đã được các anh em biên phòng dẫn đường, nhưng không hiểu sao chúng tôi lại đi lạc qua Trung Quốc khoảng 250 mét. Cũng may là không gặp lính biên phòng Trung Quốc, nếu không đã bị bắt giữ rồi”, ông Dũng nói.
Đường đèo Tây Bắc quanh co, dốc đứng mà những người khám phá tour mới từng phải trải qua để "mở đường" cho khách du lịch (ảnh N.H) |
Cuối năm 2013, ông Dũng lại một mình cưỡi xe máy đi khảo sát từ huyện Bắc Quang qua Hoàng Su Phì (Hà Giang) rồi tới cao nguyên Y Tý huyện Bát Xát - Lào Cai. Đường đi thông suốt nhưng cheo leo, vắng vẻ, khó cậy nhờ ai giúp đỡ nếu gặp bất trắc - ông nhớ lại. Rồi một buổi chiều khi đến xã A Mú Sung - Bát Xát, nằm trên độ cao 1.600 mét, ngoài trời rét căm căm, chẳng may xe của ông bị xịt lốp, mà mỗi lần xịt lại phải thay.
“Đỉnh điểm là khi gần tới Y Tý, lúc ấy đã 9 giờ tối, bánh xe lại giở chứng tôi đành phải dắt bộ gần 2 km trên đường đèo, giữa trời tối như mực để tìm nơi thay vỏ, ruột xe. Trên đường còn gặp một con rắn nằm chắn ngang giữa đường, tôi phải đứng chờ gần 20 phút để nó trườn sang rồi mới dắt xe đi tiếp”, nhớ lại, ông Dũng vẫn rùng mình.
Hoặc, để mở tour đi Đông Bắc có hành trình đi thuyền trên sông Gâm, sông Năng, trong khi mực nước sông Gâm luôn trồi sụt lệ thuộc vào thủy điện Tuyên Quang và thời điểm mùa khô, mùa mưa nên rất khó. Vì vậy, để mở tour, bản thân ông Dũng đã phải đi khảo sát nhiều lần trong 3 năm để đón đầu trước khi đường xá thông suốt, hình thành điểm đón khách. Chưa hết, những lúc gặp phải mùa khô nước cạn hoặc mùa mưa lũ cắt đường, ông phải đi vòng núi, băng rừng tìm chọn địa điểm tàu vào đón khách được an toàn, thoải mái.
Mùa hè năm 2006, đoàn Famtrip do Tổng cục Du lịch tổ chức đi Cô Tô (Quảng Ninh), đảo tiền tiêu trong vịnh Bắc bộ. Đảo hoang sơ, bãi biển tuyệt đẹp song vẫn khó thuyết phục các nhà lữ hành đưa vào tour. Bởi, cả thị trấn khi đó có duy nhất một nhà nghỉ công vụ đang xuống cấp trầm trọng, điện sinh hoạt chập chờn do chạy bằng máy phát điện và cắt lúc 20h00, thậm chí chưa có hàng quán phục vụ ăn uống... Việc đi lại giữa đất liền và Cô Tô cũng rất khó khăn, hàng ngày phải sử dụng tàu gỗ mất tới năm tiếng đồng hồ.
Sau nhiều nỗ lực của địa phương về xây dựng cơ sở hạ tầng, phải mất đến 7 năm sau, tới năm 2013, các hãng lữ hành mới có thể tổ chức tour ra đảo. Thế nên, vì những khó khăn bất khả kháng, không phải sau bất cứ chuyến khảo sát nào công ty du lịch cũng có thể “cho ra lò” tour mới.
Chợ Đồng Văn - điểm đến yêu thích trên hành trình khám phá Đông Bắc (ảnh N.H) |
Tự giết nhau hay cùng nhau chết chìm
Mất bao công sức, tiền bạc để có thể gây dựng, do đó những người khai sinh ra tour mới coi nó như đứa con tinh thần của mình dù họ không được sở hữu. Bởi lẽ, tài nguyên du lịch thuộc quốc gia hoặc tổ chức kinh tế nào đó, ai cũng có quyền khai thác và không ai được độc quyền. Chính vì thế, một tour mới ra đời mà độc đáo, đông khách, ngay lập tức sẽ có đơn vị lữ hành khác muốn bắt chước làm theo. Có điều, đôi khi việc “đạo” tour này lại quá lố, công khai.
Chẳng hạn, có những đơn vị đi sau cố tình bưng bê cả lộ trình của công ty lữ hành có sản phẩm mới rồi thay đổi vài điểm phụ để tránh bị mang tiếng, sau đó bung ra thị trường với giá rẻ hơn nhằm giành giật khách. Hoặc, họ "đạo" một điểm nhấn, điểm hấp dẫn nhất rồi "xào nấu" với các điểm quen thuộc khác để dễ bề lấy tiếng là tour mới. Trầm trọng hơn là "đạo" hẳn cả chương trình tour rồi bán phá giá như quá khứ đã từng xảy ra.
Tình trạng ăn cắp trên khiến công ty có tour mới dở khóc dở cười vì chẳng khác nào “cốc mò cò xơi”.
Chính lãnh đạo một DN lữ hành ở phía Bắc thừa nhận, khi sản phẩm du lịch mới ra đời, đi vào hoạt động sẽ trở thành phổ thông, nhiều công ty khác có thể hưởng lợi theo. Bởi, anh làm được người khác cũng có thể làm được. Hơn nữa, DN đi sau lại có lợi thế hơn khi tạo ra được sự khác biệt về chất lượng dịch vụ, giá cả... thì mặc dù mất công mất sức làm tour mới, anh vẫn dễ bị mất khách.
Tình trạng đạo tour lâu nay vẫn diễn ra, tuy không dám công khai, nhưng là lý do chính khiến nhiều đơn vị lữ hành không mặn mà đầu tư, phát triển sản phẩm mới. Còn chương trình tour nội địa cứ na ná, rập khuôn nhau, thiếu tính sáng tạo. Hiếm lắm mới thấy có doanh nghiệp tung ra tour mới.
“Điều này dẫn đến tình trạng du lịch nội địa hiện đang trong bối cảnh ‘sống dở, chết dở’. Bởi, vì sản phẩm thường giống nhau nên các nhà lữ hành (bất luận đại gia hay tiểu gia) để sống được trong thời buổi suy thoái, hầu hết đều tung ra chiêu giá rẻ nhất, có khi chỉ cần lãi chút ít nhằm giữ chân khách cũ và kéo khách mới. Vô hình trung, các doanh nghiệp đã giết lẫn nhau hoặc đang cùng nhau chết chìm - ông Dũng cảnh báo.
Ngọc Hà