- Là khách mời trong chuyên mục Hotface, NSND Lan Hương chia sẻ những câu chuyện hậu trường như từng phải đi cấp cứu, từng chịu nỗi đau mất người thân khi đóng phim "Sống chung với mẹ chồng".

NSND Lan Hương kể hậu trường đóng "Sống chung với mẹ chồng".

NSND Lan Hương và những chia sẻ thẳng thắn về sân khấu.

Nhà báo Hà Sơn: Vai bà mẹ chồng cô đóng trong phim “Sống chung với mẹ chồng’ nhận được nhiều ý kiến trong đó số đông phản đối cách hư cấu bà mẹ chồng tai quái đến khó tin và cậu con trai quá nhu nhược. Về phía mình, cô nói gì về điều này?

NSND Lan Hương: Những nhân vật khi đưa lên các tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng được khái quát hoá và trở thành những nhân vật điển hình. Chỉ cần mỗi khán giả thấy một chút của mình trong đó là được. Ngoài xã hội không có người nào tập trung tất cả các yếu tố đó đâu.

Đoàn phim chúng tôi muốn khán giả cảm nhận được thấu đáo nhân vật, đưa lên màn ảnh những tình tiết nghề biểu diễn gọi là đến nơi đến chốn. Bởi cũng một vấn đề nếu làm đơn giản hoá, nhẹ nhàng lướt qua khán giả không chú ý lắm.

Vì vậy đôi khi cũng phải làm sắc nét để họ thấy rõ hiện thực không hay, không tốt để nhìn vào đó tránh đi. Bà mẹ chồng Phương trong phim không phải nhân vật phản diện, bà không xấu mà rất con người, tất cả đều xuất phát từ tình yêu. Nhưng yêu chồng, yêu con quá thành ra muốn sở hữu, quản lý làm mất tự do của người mình yêu quý.

Tình yêu bao giờ cũng đẹp, xong phải yêu thế nào, có thái độ ra sao với tình yêu của mình. Đó mới là điều quan trọng. Trong cách ứng xử giữa các nhân vật, giữa những người trong gia đình, giữa mẹ - con, vợ - chồng, người trong nhà với ngoài xã hội cần lựa chọn cách dễ chịu nhất. Đôi khi nói năng vô tư quá mức sẽ làm tổn thương người khác. Đó cũng là điều chúng tôi muốn gửi gắm để khán giả có thể thông cảm được.

Có rất nhiều bạn trẻ nói với tôi rằng: "Cô ạ trên ở trên phim như vậy thôi, chứ ngoài đời như thế hỏng hết cô nhỉ?''. Tôi bảo: "Đúng, như vậy là cháu đã cảm nhận được nhận vật đó".

Bộ phim ‘Sống chung với mẹ chồng’ dài 32 tập đã quay xong. Với cá nhân cô có tình huống hay chi tiết nào chưa hài lòng?

-  Không riêng tôi mà một số đạo diễn và diễn viên - những ai trân trọng nghề đều xem lại tác phẩm điện ảnh của mình và nói nếu được làm lại sẽ chỉnh chỗ này, chỗ kia một chút để hay và hấp dẫn hơn. Bở lẽ trong quá trình diễn xuất đôi khi không phát hiện ra điều đó bởi họ dễ bị mọi thứ cuốn đi hoặc đôi khi lướt hoặc có những chỗ chưa sâu sắc khi bộ phim diễn ra trong quá trình rất dài. Thêm nữa sự tập trung các mối quan hệ khi làm việc, ảnh hưởng chủ quan, khách quan tác động cũng khiến chỗ này chỗ kia không hoàn hảo.

Để có được đoạn nói với chồng con một câu có khi phải quay đến chục lần nhưng không phải do lỗi của diễn viên mà vì đang thu âm có tiếng chó sủa, tiếng chim hót, tiếng rao quà vặt, đồng nát... Điều này làm diễn viên mệt mỏi, quay 5, 7 lần hoa mày chóng mặt. Vì vậy, nếu có điều kiện khán giả hãy một lần đến đoàn làm phim để thấy rằng làm nghệ thuật lao động vất vả thế nào?...

Chưa kể, có rất nhiều sự cố trong quá trình làm việc như diễn viên Anh Dũng đóng vai con trai tôi bị sốt virut. Nếu ở nhà, bị sốt bạn có thể nghỉ nhưng với diễn viên không thể bởi sẽ ảnh hưởng đến nhiều người khác nên cũng phải cố gắng rất nhiều.

Hay như chính tôi cũng gặp sự cố. Trong lúc quay, tôi phải cấp cứu vì bị viêm ruột thừa và sốt. Cả ngày trước đó, dù bị sốt, đau bụng nhưng tôi vẫn quay vì nghĩ đơn giản bị lây của bệnh của Dũng. Ai ngờ, hôm sau đến bệnh viện bác sĩ bảo phải mổ lập tức vì ruột thừa sưng to và viêm nặng.

Các bác sĩ ngạc nhiên bảo tại sao hôm qua tôi vẫn có thể quay phim đến 9 giờ đêm trong khi người khác có khi đau vật giường trên giường dưới. Khán giả xem chắc không nhận thấy tôi đau đớn gì trong lúc quay vì tôi tập trung hết cho diễn xuất.

Chưa hết, khi quay cảnh đám cưới vui vẻ cũng là lúc bố tôi qua đời. Cả đoàn làm phim nghỉ hai hôm để tôi lo tang lễ cho cụ xong lại đi quay. Trong lúc như thế mẹ của đạo diễn cũng mất, nhưng đạo diễn, diễn viên vẫn làm việc. Các bạn xem phim thấy chúng tôi có biểu hiện gì ảnh hưởng trên nét mặt đâu... Vì vậy tôi muốn nói rằng để có được một cảnh quay là muôn vàn khó khăn với nỗ lực rất lớn trong thời gian dài. Giá như biết được điều đó, các bạn sẽ trân trọng nghề diễn, tôn trọng chúng tôi hơn khi định có những lời nặng nề...

Là một trong những nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm thể hiện nhiều vai diễn, cô chia sẻ gì về hai bạn diễn đóng cùng trong phim ‘Sống chung với mẹ chồng” cũng như cách diễn của những diễn viên trẻ hiện nay?

- Lớp diễn viên trẻ bây giờ rất có điều kiện. Các bạn ấy có hình thể tốt, xinh đẹp, cao ráo lại được đào tạo bài bản và thông mình. Trong phim, hai người đóng con trai và con dâu khá thông minh và chịu khó, làm việc rất nghiêm túc.

{keywords}
Một cảnh trong phim "Sống chung với mẹ chồng".

Mọi người nói các diễn viên trẻ bây giờ có cái này cái kia nhưng thực sự khi làm việc cùng tôi thấy rất yên tâm. Bởi các bạn tôn trọng nghề nghiệp và làm việc nghiêm túc. Có chăng chỉ là một số bạn trẻ chưa thông minh trong cách thể hiện nhân vật này với nhân vật kia để làm bật lên sự khác biệt lớn. Đó là điều bất lợi, khiến khán giả vẫn thấy vai diễn của họ na ná giống nhau. Tôi vẫn hi vọng sau này, những diễn viên trẻ sẽ khẳng định được tên tuổi và có chỗ đứng của mình trong làng nghệ thuật.

Bộ phim “Mùa ổi” đã mang lai thành công cho cô trong sự nghiệp diễn xuất. Có ý kiến nói rằng NSND Bùi Bài Bình chính là một trong những nam diễn viên đóng ăn ý nhất với NSND Lan Hương nhất, cô nói sao về điều này?

- Thực sự khi đóng cùng anh Bình tôi thấy dễ diễn. Không chỉ trong phim Mùa ổi, ngày mới ra trường, tôi đã đóng cặp với anh phim điện ảnh “Khoảnh khắc bình yên trong chiến tranh”.

Khi đóng cùng những bạn diễn ăn ý có lợi hơn rất nhiều, khiến cho diễn viên thoải mái, diễn chân thực hơn không bị gượng ép, căng thẳng. Anh Bình hiền lành, dễ mến và anh em cũng quen biết nhau từ trẻ nên tương đối hiểu nhau. 

Tôi và anh Bình còn đóng chung 'Cuộc đời và những chuyến đi’ vào vai hai vợ chồng và có những cảnh diễn được mọi người khen hay và xuất thần. Ngay cả trong phim Mùa ổi, anh quay phim phải thốt lên 'ôi cái này hai người diễn xuất thần hay quá’. Vì vậy, điều bạn hỏi rất thực tế và đúng.

Nhiều nghệ sĩ gắn bó trọn vẹn với sân khấu kịch như nghệ sĩ Xuân Bắc, Quốc Khánh, Công Lý… nhưng dường như những vai diễn trên sân khấu sức lan toả với khán giả lại không nhiều bằng vai trò khác như MC, đóng những chương trình hài kịch hay như cô đam mê với sân khấu nhưng nổi trội ở lĩnh vực điện ảnh. Là người gắn bó rất lâu với sân khấu kịch, cô lý giải vì đâu và vì điều gì khán giả đến giờ vẫn không hào hứng với nó?

- Đúng là những năm gần đây sân khấu kịch hơi hiu hắt. Nhiều người cũng so sánh sân khấu phía Bắc với sân khấu phía Nam. Nhưng thực sự trong 40 năm làm nghề tôi rút ra kết luận rằng, mỗi vùng miền có đặc thù riêng về địa lý, khí hậu.

Trong Nam, có hai mùa mưa và khô nhưng thời tiết đều tương đối nắng nóng, do đó buổi tối mọi người thích ra đường xem trong khi sân khấu ngoài Bắc phát triển theo mùa. Có thể đến mùa này sân khấu còn diễn được, đến tháng hè nóng lại thôi. Đến những ngày đông mưa dầm, gió bấc cũng thế. Đó là vấn đề địa lý, khí hậu khiến sân khấu ngoài này không tưng bừng như trong Nam.

Thứ hai, truyền hình, điện ảnh bây giờ có thế mạnh riêng, đến được với từng ngóc ngách gia đình, từng bản làng xa xôi, với tất cả mấy chục triệu dân. Còn sân khấu cũng một đêm diễn chỉ có mấy trăm khán giả, lượng người xem đã khác. Tuy nhiên, còn có yếu tố khách quan đó là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo với nghệ thuật sân khấu.

Ở truyền hình, điện ảnh đã được đầu tư rất lớn về trang thiết bị kĩ thuật, HD, 3D, 4D…tất cả chất lượng hình ảnh rất đẹp. Còn sân khấu vẫn chỉ có độ chục cái đèn. Ví dụ Nhà hát của tôi muốn xin một cái màn hình led nhưng Bộ không giải quyết vì cho rằng không cần thiết phải dùng. Nhưng thực tế cần rất nhiều xử lý kỹ thuật, bởi sân khấu đem lại giá trị thẩm mỹ rất cao. Mọi người đến với cái đẹp không thể nào cứ vài ba bộ quần áo nông dân đóng một vở kịch từ đầu đến cuối, thay vào đó cần phải xử lý ánh sáng, trang trí.

Sân khấu vẫn là một mặt phẳng không thể nâng lên hạ xuống, mở ra đóng vào được nó rất cũ kỹ và xưa lắm rồi. Ở nước ngoài, yếu tố này đã phát triển từ lâu nên các sân khấu lớn trên thế giới rất dễ dàng xử lý. Do đó, đạo diễn và diễn viên tung tẩy trên sân khấu, làm nhiều điều hiệu quả đem đến giá trị thẩm mỹ cao. Trong khi ở mình sân khấu không có sự quan tâm đến nơi đến chốn. Họ sẽ nói vẫn cấp cái này cái kia nhưng những người cấp không làm nghệ thuật, họ không hiểu về nghệ thuật.

Có rất nhiều yếu tố để nói về sự thưa thớt mà khán giả quay lưng lại với sân khấu. Trân trọng ư? Sự trân trọng nếu được thể hiện khán giả sẽ cảm nhận được ngay. Nếu bạn đi xem bạn chỉ xem được một lần. Còn những đêm diễn ở nước ngoài khán giả đi xem năm bảy lần họ vẫn không chán.

Hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật, cô không chạy sô nhiều hiện tượng bị quỵt tiền có khi không xảy ra nhưng hẳn sẽ có nhiều câu chuyện khi đóng phim?

- Quỵt tiền chẳng phải nhưng thực sự nói cát sê phim của Việt Nam quá rẻ, không đủ nuôi sống mình. Ngày xưa ở nhà hát, mọi người nói tiền cát sê bồi dưỡng diễn viên luôn luôn chạy theo bát phở. Bây giờ không đến mức như vậy nhưng gọi là đủ sống, không phải dư dả.

Nhiều khi mọi người nói nghệ sĩ làm nghề có thể mua sắm được cái này cái kia nhưng tôi cho rằng đó là những người giỏi. Thực sự với tôi đi làm phim cũng chỉ đủ ăn, đủ sống, sống được bằng nghề của mình đã tốt rồi.

Có câu chuyện, khi tôi đóng phim 'Mùa ổi', lúc sang Trung Quốc, Hội điện ảnh Trung Quốc và các nghệ sĩ hỏi, đóng phim ấy cát sê bao nhiêu. Tôi nói vống lên bảo được mấy nghìn đô nhưng so ra vẫn thấp hơn họ nhiều. Họ ngạc nhiên bảo tôi sao không sang đây làm vì có thể cát sê của họ cao hơn nhiều.

Nói thật, làm tất cả các nghề liên quan đến nghề, từ đóng phim, diễn kịch, lồng tiếng, thu đài, làm MC… như tôi nếu sống ở nước ngoài chắc rất giàu.

Phần 2: NSND Lan Hương kể về mẹ chồng, về chồng và lúc "lạc lối"

Sơn Hà - Xuân Quý - Đức Yên - Huy Phúc