- Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, Trần Mạnh Tùng - hai trong số những người đầu tiên phát giác, tố cáo những tiêu cực trong thi cử ở Hà Giang đã có những chia sẻ về sự trung thực cùng bí quyết để học trò yêu môn Toán, Hoá...
Nhà báo Hà Sơn: Ngoài những kiến thức truyền đạt cho học trò, các thầy còn dạy học sinh những điều gì? Sự trung thực có phải là một trong những điều các thầy hướng tới để dạy các học sinh?
Thầy Trần Mạnh Tùng: Tôi thích câu hỏi này vì với tôi sự trung thực là tôn chỉ của đời sống. Trước hết mình phải cố gắng sống trung thực may ra mới dạy được học sinh trung thực. Cho nên phương pháp tôi ấn tượng đó là phương pháp làm gương. Thầy cô trung thực mới có thể yêu cầu học sinh trung thực, bố mẹ trung thực mới dạy dỗ con cái trung thực và rộng ra trong những ngành khác tôi nghĩ những người đứng đầu phải cần trung thực đã.
Clip: Hai thầy giáo kể câu chuyện vui về nghề, về học trò
Tuy nhiên thời chúng tôi chuyển thi trắc nghiệm rất nhiều giáo viên đối mặt với chuyện học sinh không trung thực, nhất là với việc giao bài tập về nhà. Với 1 đề 50 câu trắc nghiệm, các em có làm thật hay không chúng tôi phải có nghiệp vụ, kỹ thuật để kiểm soát được để khẳng định học sinh phải làm trung thực. Nhìn rộng ra chúng tôi thấy trong xã hội bây giờ trung thực rất xa xỉ.
Nhiều người nói vui người lớn bây giờ nói dối còn nhiều hơn trẻ em, trong đó có những lời nói dối tôi phải khẳng định rất là trâng tráo và trơ trẽn. Đây là điều rất buồn và trong trường hợp này ngành giáo dục thôi chưa đủ. Còn nhiều việc khác nữa chứ không chỉ riêng thi cử, chúng tôi thấy cũng không công bằng. Từ việc thi cử người lớn, việc tuyển viên chức đến những đánh giá khác. Có khá nhiều nơi chúng ta thấy từ khi có internet dễ tiếp cận thông tin hơn, thấy nó cũng không trung thực và đây là điều rất đáng buồn. Cố gắng làm tối đa theo sức của mình nhưng xem ra sức mình còn nhỏ lắm.
Hai thầy giáo Vũ Khắc Ngọc - Trần Mạnh Tùng. |
Thầy Vũ Khắc Ngọc: Nhóm chúng tôi là những giáo viên dạy trên internet nên những tiếp cận của học sinh ngoài những kiến thức, bài giảng chúng tôi cố gắng truyền đạt học sinh những giá trị sống mà tuổi trẻ các em cần theo đuổi. Tất nhiên trong xã hội ngày nay nhiều thứ có thể biến các em thành những con người khác theo thời gian nhưng ở lứa tuổi vẫn còn trong sáng, các bạn cần tiếp nhận những giá trị như thế. Giống như thầy Tùng vừa nói giới trẻ hiện nay không tin vào lời nói, họ tin vào hành động, nhìn vào hành động, nhìn vào những tấm gương.
Thầy Tùng dạy Toán còn thầy Ngọc dạy Hóa. Các thầy có thể giải toán, giải hóa rất giỏi nhưng có bài toán nào trong cuộc sống làm khó các thầy chưa?
Thầy Trần Mạnh Tùng: Tôi nghĩ là có đấy! Môn Toán chúng tôi hay nói là khó, khô và khổ nên luôn phải tìm cách cải thiện. Thậm chí giáo viên Toán bây giờ làm thơ rất nhiều và cũng cải thiện được khá khá với học sinh. Tuy nhiên trong đời sống tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là khó khăn với phụ nữ. Tôi phải thừa nhận rằng tính logic của tôi tương đối tốt nhưng kể từ ngày lấy vợ điều đó chưa là cái đinh gì vì tất cả đều phải đặt sau logic của vợ. (cười)
Thầy Vũ Khắc Ngọc: Tôi quan niệm trong cuộc sống khó khăn luôn đi kèm với cơ hội, thách thức nên khi đối diện với nói đó điều đầu tiên tôi hay động viên bản thân cố gắng và tiến về phía trước. Cũng giống như tôi hay khuyên học sinh rằng một đặc điểm các bạn ấy rất thiếu đó là tính định hướng. Bản thân các bạn ấy không biết mình thích cái gì và nên thế nào. Tôi thường khuyên các bạn ấy điều đầu tiên cần phải cố gắng, nỗ lực, thúc đẩy để mình tiến về phía trước. Tiến theo hướng nào cũng được miễn là mình nhất quán vì đi con đường nào cũng đến đích, chứ đừng so đo đường này hay đường kia sẽ rất dễ đi lạc.
Suy luận từ bản thân tôi thấy rằng ngày xưa đi học môn nào học kém thì rất sợ học môn đó. Toán và Lý là những môn rất khó với các bạn nữ vì họ thiên về những môn xã hội nhiều hơn. Ngoài việc truyền tải các kiến thứ cho học trò các anh "chiêu" gì để những cô cậu học trò sợ Toán với Hóa sẽ dần bớt sợ và dần yêu thích để học khá và giỏi hơn?
Thầy Vũ Khắc Ngọc: Các môn tự nhiên nói chung trong đó có Hóa của tôi và Toán của thầy Tùng mọi thứ đều có tính logic. Điều quan trọng nhất khi truyền đạt cho học sinh là mình chỉ ra tính logic đấy. Khi các bạn hiểu được tính logic, bị thuyết phục, hiểu được, tin được thì sẽ tự học tốt môn học. Tránh những chuyện nhồi, gò ép học sinh, không giải thích tại sao các bạn ấy tự tiếp nhận một cách gượng ép thì sẽ nhanh quên. Đấy là cách giúp học sinh hiểu, nhớ được lâu những môn học.
Ngoài ra môn Hóa gắn nhiều với những câu chuyện của tự nhiên, có nhiều thứ tôi đưa từ cuộc sống vào trong bài học để học sinh hiểu được. Như mấy năm trước báo chí đưa thông tin gây sốc với xã hội đó là chuyện viên dầu cá của Trung Quốc có khả năng hòa tan xốp. Mọi người hoảng sợ vì xốp còn chảy như thế thì mình ăn vào nó sẽ làm gì với đường tiêu hóa. Nhưng bằng kiến thức hóa học phổ thông tôi giải thích cho học sinh tại sao như thế và chuyện đó rất bình thường, học sinh cảm thấy hứng thú.
Hay những câu chuyện tai nạn cháy nổ ở đâu đó tôi có thể phân tích, giải thích cho học sinh. Như vậy các bạn ấy cũng bám sát thực tiễn ngoài đời sống sẽ hiểu những kiến thức ấy có giá trị, nhớ lâu và hứng thú hơn.
Thầy giáo Trần mạnh Tùng. |
Thầy Ngọc đưa những câu chuyện có tính thời sự vào việc giảng dạy, còn thầy Tùng thì sao ạ?
Thầy Trần Mạnh Tùng: Xét khía cạnh nào đó Toán cũng khác với Lý, Hóa. Chúng ta biết Toán thì khô, chúng tôi luôn muốn Toán mềm đi. Chính vì thế chúng tôi luôn đưa từ đời sống như câu châm biếm, thơ văn để mềm mỏng đi. Đấy là lý do những thầy cô dạy toán đều rất tếu.
Ngoài ra muốn học sinh thích môn Toán quan điểm của tôi là phải để các em ấy thích mình trước. Và muốn thế thầy giáo phải rất tâm lý và hiểu học sinh. Điều này không phải phân biệt môn nào với môn nào nhưng với giáo viên Toán khó khăn của bộ môn đặc thù nên cố gắng hiểu các em, các em yêu quý mình dần dần quý môn Toán của mình.
Học sinh cấp 2 hay cấp 3 đôi khi vì hâm mộ thầy giáo có thể dễ chia sẻ cảm xúc. Các thầy đã gặp tình huống khó xử với học trò?
Thầy Trần Mạnh Tùng: Tôi nghĩ các thầy cô, nhất là những thầy trẻ đều gặp tình huống này. Thời chưa lấy vợ mỗi năm tôi nhận 1, 2 bức thư tình là chuyện bình thường. Tôi nhớ mình từng có lỗi với một học sinh vì em ấy tỏ tình và tôi có nói rằng nếu đỗ đại học có thể sẽ tìm hiểu để yêu. Tôi nói thế để tạo động lực cho em ấy. Nhưng rất tiếc khi em ấy đỗ đại học, chuyện tình cảm không diễn ra. Tôi nghĩ đó cũng là lỗi của mình nhưng với những thầy trẻ chúng ta sẵn sàng đón nhận.
Thầy Ngọc có khi nào làm cho học trò của mình 'đau tim' như thầy Tùng chưa?
Thầy Vũ Khắc Ngọc: Chắc là không có nhiều tình huống như thầy Tùng vì tôi lập gia đình từ khá sớm. Hơn nữa học sinh của tôi hầu hết trên mạng xã hội, học trực tuyến, online từ những địa phương rất xa nên những cảm xúc như thế không nhiều. Thực ra ở lứa tuổi của các bạn học sinh dễ yêu nhưng dễ ghét và cũng rất chóng quên.
Hai thầy có thể chia sẻ bà xã làm nghề gì?
Thầy Vũ Khắc Ngọc: Vợ tôi là bạn học cùng cấp 3 và hiện tại đang không làm về lĩnh vực giáo dục.
Thầy Trần Mạnh Tùng: Vợ tôi cũng dạy học. Nghề giáo viên chúng tôi cũng có nhiều suy tư. Tuy nhiên tôi rất tự hào vì làm giáo viên thành ra lại lãi to. Vợ tôi là chị của một học sinh ở trường Lương Thế Vinh nơi tôi dạy học. Ngày đi dạy học tôi cứ tếu táo nói với các em rằng bố mẹ bận thì bảo các chị đi họp phụ huynh thay. Sau một vài lần như vậy tôi cũng bắt được một chị,... (cười) và là vợ của tôi bây giờ.
Clip: Hai thầy giáo nói về những bức thư tình, về hôn nhân của mình
Ngoài đam mê liên quan đến Toán và Hóa, các thầy còn có sở thích gì?
Thầy Vũ Khắc Ngọc: Tôi thích đọc sách nhưng lúc này quỹ thời gian không còn nhiều lắm. Tôi có nhiều kỷ niệm với việc đọc sách và cảm nhận con người mình trường thành nhờ việc đọc sách. Tôi thực sự say mê với sách khoảng lớp 4,5. Trước đó cũng thích đọc sách nhưng không có điều kiện để đọc. Hồi lớp 4, 5 trong một lần về ông bà ngoại ở quê, ông bà ngoại có đến 8 người con, trên gác xép nhà ông bà tôi tìm thấy một kho sách cũ của bao thế hệ cô chú bác tích lũy ở đó với nhiều quyển sách rất cổ. Có quyển của NXB Kim Đồng từ năm 1960, 1958 cũng có, có những quyển sách rất đẹp như của Liên Xô viện trợ cho chúng ta của NXB Cầu Vồng, NXB Tiến Bộ. Tôi đọc rất say sưa kho sách đấy và có một tình yêu với sách.
Ngày xưa nhà nghèo không có tiền mua nhiều sách thành ra tôi hay đi lùng mua sách cũ ở những đại lý thu mua phế liệu. Đi theo những cô thu mua đồng nát, họ đổ về đại lý nào mình đi theo như thế. Dần dần các chủ đại lý quen mặt nên trong quá trình thu gom thấy có quyển nào hay lại để riêng cho mình mua với giá rất rẻ. Hiện tại tôi cũng có kho sách rất lớn, mỗi lần chuyển nhà bà xã cứ kêu trời nhưng mình rất trân quý những quyển sách đó.
Thầy Tùng sôi nổi có lẽ sở thích của thầy là hay hát chăng?
Thầy Trần Mạnh Tùng: Tôi thích được nghe mọi người hát, thi thoảng cũng tếu táo thơ văn, trên facebook. Tuy nhiên tôi có một sở thích tĩnh hơn là đam mê chụp ảnh. Tôi thấy có sự giống nhau giữa Toán và chụp ảnh đó là nó có độ tĩnh. Trong độ tĩnh đó có rất nhiều vẻ đẹp, và trong Toán cũng có rất nhiều vẻ đẹp.
Tiện đây xin đọc một bài thơ của thầy Cương về vẻ đẹp của môn Toán: "Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn. Mong rằng Toán học bớt khô khan. Em ơi trong Toán nhiều công thức. Đẹp cũng như hoa lại chẳng tàn". Trong đấy có thể lấy cái công thức như định lý Pitago đã tồn tại 2600 năm nhưng hiện nay học sinh vẫn dùng thường xuyên. Tôi cũng nói học sinh giá cái gì cũng bền, cũng đẹp thế này thì tốt.
Thầy Trần Mạnh Tùng trong buổi talk. |
Các thầy có thần tượng nào cho riêng mình?
Thầy Trần Mạnh Tùng: Thời đi học tôi thần tượng nhà toán học trẻ Galoa người Pháp, nhưng xét một quá trình sau khi đã được trải nghiệm cả vai giáo viên thì thần tượng của tôi lại rất gần gũi. Đấy là người thầy, người đồng nghiệp, người bạn: Thầy Văn Như Cương. Thầy Cương làm Toán rất trong sáng, tâm của thầy cũng rất trong sáng, thầy làm Toán gần gũi, thầy biến Toán từ phức tạp thành đơn giản, biến cái lạ thành cái quen. Đấy là lý do học sinh học toán của thầy cũng rất nhẹ nhàng. Điều quan trọng nữa là tình yêu với môn Toán của thầy cũng rất mãnh liệt và kéo rất dài. Những năm cuối đời, thầy vẫn thường xuyên làm Toán, vẫn quan tâm đến Toán, vẫn giao lưu cùng tổ Toán, mang Toán ra đố vui học sinh. Điều đó làm tôi thấy trân trọng và muốn được học tập ở thầy những điều tốt đẹp đó.
Thầy Vũ Khắc Ngọc: Hồi bé khi đọc sách tôi có đọc bộ "Cuộc sống và sự nghiệp" của NXB Kim Đồng trong đó có viết tiểu sử những nhà khoa học. Nó gieo cho tôi niềm yêu thích về khoa học, tìm hiểu thế giới tự nhiên, từng mơ ước trở thành thành khoa học. Còn cuộc sống, công việc mỗi giai đoạn khi phải trải nghiệm ở vị trí công việc hay thử thách nào đó tôi lại có thần tượng riêng. Mỗi người xung quanh đều dạy cho mình bài học nào đó, miễn là mình chịu khó quan sát và học hỏi từ họ.
- Xin cảm ơn hai thầy giáo!
Sơn Hà - Xuân Phúc - Bạt Tuấn
Ảnh: Lê Anh Dũng
Gian lận thi cử ở Hà Giang khác Sơn La thế nào?
Hàng trăm bài thi THPT quốc gia ở Hà Giang và Sơn La được những người có liên quan phù phép, nhằm tạo nên những điểm số đẹp đưa thí sinh vào đại học vừa được Bộ GD-ĐT và các cơ quan có chức năng phanh phui.
"Hình ảnh xấu xí ở Hà Giang, Sơn La không đại diện cho 63 tỉnh, thành'
Hình ảnh xấu xí trong những ngày qua ở Hà Giang, Sơn La không phải là đại diện cho cả 63 tỉnh thành, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) nhìn nhận.
Hà Giang: Khởi tố, bắt tạm giam Trưởng phòng Khảo thí Nguyễn Thanh Hoài
Công an tỉnh Hà Giang vừa tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam Trưởng phòng Khảo thí Nguyễn Thanh Hoài.
Giáo dục 'chạy' và 'phi lý Hà Giang'
Thật đáng lo ngại khi căn bệnh này di căn đến một bộ phận học trò quen được bao cấp từ thứ văn hoá “chạy” mà người lớn, bậc cha mẹ ban tặng.
Hà Giang bưng bít sai phạm trước khi Bộ Giáo dục vào cuộc vụ gian lận điểm thi?
Trước khi Bộ GD-ĐT có công văn chỉ đạo xử lý sai phạm về tiêu cực điểm thi của Hà Giang, thực tế là địa phương này đã phát hiện vụ việc từ trước đó nhiều ngày.