Cục Công nghiệp vừa có báo cáo đánh giá về tác động của đại dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp sản xuất. Nhiều thông tin được đưa ra đáng lo ngại.
Nguy cơ tạm ngừng sản xuất vì đứt nguồn cung linh phụ kiện
Theo Cục Công nghiệp, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất các hàng hóa trung gian cho các ngành công nghiệp thế giới, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ lớn của rất nhiều ngành hàng đa quốc gia. Do đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc dự kiến sẽ tác động lớn đến các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối, dịch vụ trên toàn thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp bên ngoài Trung Quốc dự kiến sẽ khiến kinh tế thế giới có thể bị ảnh hưởng nặng hơn, như việc Hàn Quốc và Nhật Bản đã bùng phát dịch bệnh, cũng như việc châu Âu và Mỹ đã phát hiện một số trường hợp dương tính với virus Corona chủng mới trong thời gian gần đây.
Do đó, hầu hết các quốc gia đang đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất trong trường hợp thiếu một số linh phụ kiện để cấu thành nên sản phẩm.
Hiện nay, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất.
Trong đó, ba nhóm ngành hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất gồm điện- điện tử, dệt may da giày, ô tô.
Với ngành điện – điện tử, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc là 16,8 tỷ USD (chiếm 42%), từ Trung Quốc là 13,8 tỷ USD (chiếm 34%), từ Nhật Bản 1,7 tỷ USD (chiếm 4,2%).
Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020.
Ngành dệt may có nguy cơ thiếu hụt nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất do dịch Covid-19 (ảnh: Thu Ngân) |
Với ngành dệt may và da – giày – túi xách, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 2,47 tỷ USD bông các loại, 2,3 tỷ USD xơ, sợi, 12,69 tỷ USD vải các loại, và khoảng 5,61 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may da giày.
Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc là 1,32 tỷ USD xơ sợi (57,39%); 7,73 tỷ USD vải (60,91%) và 2,45 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày (43,67%); nhập khẩu từ Hàn Quốc là 2,02 tỷ USD vải (15,91%) và 0,71 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may da giày (12,65%).
Hiện, đa số các doanh nghiệp ngành dệt may và da - giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn.
Với ngành sản xuất lắp ráp ô tô, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD (17.54%), từ Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD (28,57%), và từ Nhật Bản là 0,72 tỷ USD (18,04%).
Đặc biệt, ngành sản xuất ô tô tải phụ thuộc vào hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc. Các dòng xe du lịch có linh kiện được nhập khẩu từ nhiều quốc gia để tiến hành lắp ráp, tuy nhiên những quốc gia này hoặc đang bùng phát dịch bệnh (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) hoặc vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc để sản xuất linh kiện xuất khẩu sang Việt Nam (Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á).
Dự kiến đến cuối Quý I/2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh phụ kiện phục vụ sản xuất.
Các ngành hàng khác như ngành khoáng sản, luyện kim, giấy, sản xuất đồ gỗ ít chịu tác động hơn do đa dạng hóa nguồn nguyên vật liệu đầu vào (từ nhập khẩu hoặc sử dụng trong nước).
Tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Trước những khó khăn trên, tại cuộc họp mới đây của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với Cục Công nghiệp ngày 26/2, lãnh đạo Bộ Công Thương đã nêu rõ quan điểm cần đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì họp với Cục Công nghiệp về tình hình tác động của dịch Covid ngày 26/2/2020 |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, chúng ta có thể làm với hiệp hội doanh nghiệp hoặc với từng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, các địa phương có nhiều doanh nghiệp để tìm hiểu các giải pháp hỗ trợ.
Đừng để khi doanh nghiệp quá yếu mới hỗ trợ vì lúc đó không còn tác dụng nữa. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để thu hút đầu tư vào Việt Nam, nhất là ở các lĩnh vực mà chúng ta cần như nguyên vật liệu, công nghiệp hỗ trợ...
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước kịp thời và phù hợp với nguồn lực của Nhà nước hiện nay.
Cục Công nghiệp cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc cũng như cấp Trung ương Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.
Đồng thời, cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguồn nguyên phụ liệu thay thế, khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da – giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
Trước các khó khăn trên, Cục Công nghiệp đã trực tiếp làm việc cũng như gửi Văn bản đề nghị cung cấp thông tin, đề xuất tới các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp lớn trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19 tới các ngành sản xuất trong nước. Trên cơ sở đó, tổng hợp báo cáo với Bộ Công Thương và Chính phủ.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành Chỉ thị khẩn số 05/CT-BCT ngày 26/2/2020 về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19.
Thu Ngân
Cơ hội cho doanh nghiệp CNHT ngành cơ khí
Ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều đơn đặt hàng từ các nước trong khu vực đã được chuyển sang Việt Nam, trong đó có sản phẩm của ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí.