Unido phân loại các nước theo giá trị gia tăng công nghiệp chế biến chế tạo bình quân đầu người, nếu đạt từ 2.500 đô la trở lên là các nước công nghiệp, nằm trong khoảng từ 1.000 đến 2.500 thuộc nhóm các nước công nghiệp mới nổi, còn lại là các nước đang phát triển và các nước kém phát triển.

{keywords}
Công nghiệp vật liệu VN cần có chính sách phát triển


 
Số liệu mới nhất trong Báo cáo là đến năm 2018, Việt Nam xếp hạng 38 trong 152 nền kinh tế được xem xét, tăng 3 bậc so với 2017.

Đáng chú ý là các chỉ số về giá trị gia tăng công nghiệp chế biến chế tạo đều được cải thiện, cho thấy năng lực cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam đang được cải thiện về chất, thay vì chỉ dựa chủ yếu vào các chỉ số liên quan đến xuất khẩu như trước đây.

Trong khu vực ASEAN, năm 2016 Việt Nam đứng thứ 5 sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Đến 2018, Việt Nam đã vượt Indonesia để đứng thứ 4, sau Singapore (thứ 9), Malaysia (23) và Thái Lan (24). Để đạt mục tiêu đứng thứ 3 về năng lực cạnh tranh công nghiệp trong khu vực ASEAN nêu trong Nghị quyết 23, trong 10 năm tới Việt Nam phải nỗ lực hơn nhiều để có thể tăng 10 bậc, bắt kịp Malaysia và Thái Lan.
 
Trong giai đoạn 2006-2016, Việt Nam đã tăng 27 bậc, từ vị trí 69 lên 42, chủ yếu nhờ tăng quy mô xuất khẩu, trong khi các chỉ số về giá trị gia tăng công nghiệp chế biến chế tạo vẫn còn khoảng cách khá xa với các nước trong khu vực. Trong giai đoạn tới, để cải thiện năng lực cạnh tranh công nghiệp, thu hẹp khoảng cách với các nước đứng trước, Việt Nam cần chú trọng hơn đến việc tạo ra giá trị gia tăng trong nước thông qua các giải pháp nâng cao năng suất, phát triển công nghiệp hỗ trợ, và hình thành chuỗi cung ứng trong nước.
 
Tuy đặt mục tiêu công nghiệp hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp từ cách đây hơn 20 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có các tiêu chí để xác định thế nào là nước công nghiệp, do đó cũng không có cơ sở để khẳng định mục tiêu đã đạt được hay chưa.

Nếu dùng các tiêu chí và cách phân loại của Unido, thì có thể thấy trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhất định trong quá trình công nghiệp hoá, từ “nước đang phát triển” trở thành “nước công nghiệp mới nổi”. Trong giai đoạn tới, có thể tiếp tục sử dụng các tiêu chí và cách phân loại của Unido để theo dõi quá trình phát triển của Việt Nam trên con đường trở thành nước công nghiệp hiện đại như mục tiêu đã đặt ra.
 
Thuý Nguyên