{keywords}
Hội nghị Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019 sẽ diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/9 tại Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM.

Cơ hội tìm kiếm đối tác

Theo Sở Công thương thành phố, từ nay đến hết tháng 8/2019, Sở sẽ tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp có nhu cầu kết nối cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản phẩm đầu cuối.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, đây là sự kiện thường niên nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước để giao lưu, kết nối, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cung ứng, mở rộng sản xuất, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp thu mua sẽ đưa ra danh mục linh kiện chi tiết cụ thể để tìm kiếm nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Thông qua sự kiện này sẽ mở ra cơ hội phát triển thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Từ đó, giúp doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa của Việt Nam có kế hoạch mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới thiết bị, tham gia chương trình hỗ trợ kích cầu đầu tư của TP HCM theo Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 8/10/2018 của HĐND TP ban hành quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP năm 2018-2020 một cách hiệu quả.

Dự tính, năm nay, khoảng 20 đơn vị là đại diện các nhà mua hàng của các công ty đầu tư nước ngoài (FDI) và các DN sản xuất công nghiệp đầu cuối cùng 100 công ty sản xuất công nghiệp hỗ trợ có năng lực cung ứng phù hợp của Việt Nam sẽ tham gia hội nghị. Cũng như các năm trước, lĩnh vực công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo ôtô - xe máy - xe tải, cơ khí chế tạo… được các DN ưu tiên tìm kiếm nhà cung cấp.

Thay đổi cách làm để tham gia chuỗi cung ứng

Ước tính có trên 1.800 doanh nghiệp hoạt động sản xuất linh kiện tại Việt Nam, trong đó sản xuất phụ tùng kim loại phát triển nhất với 770 doanh nghiệp, sản xuất linh kiện điện - điện tử có 610 doanh nghiệp. Về thị trường tiêu thụ, khách hàng quan trọng của doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam là doanh nghiệp FDI tại nội địa. Một số doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm tới các quốc gia Đông Á, ASEAN, châu Âu, châu Mỹ. Trong đó hình thức phổ biến là cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp FDI ở nội địa (sau đó xuất khẩu) khá phổ biến. Lượng doanh nghiệp xuất trực tiếp ít hơn, kim ngạch nhỏ và không thường xuyên.

Theo giới quan sát, rất nhiều doanh sản xuất trên thế giới muốn tìm cơ hội mua hàng tại Việt Nam và đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Đơn cử, 17 nhà mua hàng quốc tế lẫn trong nước có nhu cầu hơn 250 cụm chi tiết/linh kiện cần tìm nhà cung ứng với khoảng 80 DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam với 242 cuộc tiếp xúc tại Ngày hội Tìm kiếm nhà cung cấp năm ngoái. Tại sự kiện này, đại diện 17 DN FDI và các DN sản xuất công nghiệp đầu cuối với vai trò là nhà mua hàng (buyer) đã đánh giá các nhà cung cấp tiếp xúc trực tiếp là có tiềm năng và 51% trong đó xác lập cuộc hẹn đi thăm nhà máy của các doanh nghiệp cung ứng.

Tuy nhiện, cho dù trình độ sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Cơ hội mở ra rất lớn đối với các ngành như ô tô, điện tử, dệt may và da dày nhưng các doanh nghiệp Việt Nam công nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực để cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu của khách hàng cho các chuỗi sản xuất toàn cầu ở trong nước

Để hấp dẫn các nhà sản xuất lớn, các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần tập trung xây dựng các chính sách phát triển một số ngành chính có khả năng tạo dung lượng thị trường và nâng cao năng lực của các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong nước, đặc biệt là các ngành công nghiệp điện tử, ô tô và dệt may. Bên cạnh đó là xây dựng chiến lược đầu tư sản xuất dài hạn, chú trọng bảo đảm hệ thống chất lượng toàn diện, tăng năng lực cung ứng từ sản xuất theo đơn hàng sang sản xuất hàng loạt sẽ có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất còn cho răng,giá cả chưa cạnh tranh cũng làm giảm cơ hội cho DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bởi vậy, tổ chức Hội nghị, hội thảo, hội trợ tốt là cơ hội để các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam cập nhật thông tin, tìm hiểu nhu cầu, đổi mới đầu tư, xây dựng chiến lược và điều chỉnh cách làm ăn cho phù hợp nhu cầu của thị trường.

An Hưng