Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP) là một trong các hoạt động tiêu biểu nhằm thúc đẩy CNHT phát triển, đã được khởi động từ tháng 6/2018, nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới.

Một trong những điểm đặc biệt của chương trình là sự tham gia trực tiếp của 8 công ty đa quốc gia bao gồm: Ford, Canon, Toyota, Panasonic, Denso, Bosch, GE và Schneider Electric.

Chương trình sẽ “chấm điểm”, chọn ra một danh sách những doanh nghiệp Việt Nam tiềm năng để hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các chuẩn mực trong việc cưng ứng chuỗi giá trị của các ngành mục tiêu như ô tô, điện tử, năng lượng và hàng gia dụng. Qua đó, các doanh nghiệp này sẽ trở thành những nhà cung cấp Việt Nam tương lai cho các Tập đoàn đa quốc gia trên.

Tập đoàn đa quốc gia chấm điểm chọn 25 DN Việt

Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, sau 1 năm triển khai với 45 doanh nghiệp tham gia, cho đến tháng 5 năm nay, kết thúc giai đoạn 1, chương trình đã chọn được 25 doanh nghiệp đi tiếp vào giai đoạn 2.

Trong đó, có 18 DN miền Bắc, 7 DN miền Nam. Về nhóm ngành, có 12 DN thuộc ngành cơ khí chế tạo, 5 DN thuộc ngành điện - điện tử, 5 DN thuộc ngành nhựa và 3 DN thuộc ngành sản xuất linh kiện, phụ tùng khác.

{keywords}
Lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử là lĩnh vực trọng điểm trong CNHT

Theo thông tin từ Cục Công nghiệp, 25 doanh nghiệp trên được chọn là đã nhận được sự đồng thuận của các Tập đoàn đa quốc gia tham gia chương trình. Đây là những doanh nghiệp có năng lực sản xuất tốt, đảm bảo nguồn hàng ổn định cho khách hàng và là doanh nghiệp tiềm năng sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường quốc tế để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp tham gia đã rất nỗ lực cải tiến, mặc dù trong khoảng thời gian ngắn nhưng một số đã có thay đổi vượt bậc so với ban đầu, một số dần tiếp cận các nhà mua hàng lớn.

Ví dụ như công ty Le Group được Toyota Việt Nam bắt đầu hỗ trợ cải tiến để đặt hàng, Công ty Hiệp Phước Thành cũng được Toyota Việt Nam, Toyota Thái Lan đánh giá qua 1 vòng, công ty Nhật Minh (miền Bắc) tăng đơn đặt hàng từ Canon Việt Nam.

Điều này cho thấy nhận thức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi tiến bộ và nhu cầu phát triển tham gia chuỗi cung cấp toàn cầu ngày càng đẩy mạnh.

4 điểm yếu cần khắc phục

Tuy nhiên, về tổng thể, sau quá trình đánh giá 2 lần tại cả 45 doanh nghiệp, Cục Công nghiệp cho biết còn nhiều tồn tại ở 4 lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt cần khắc phục. 

Thứ nhất,  đối với chiến lược cạnh tranh và hệ thống quản lý, mặc dù doanh nghiệp có xác định được tầm nhìn và chiến lược nhưng còn gặp hạn chế về mặt triển khai. Mặc dù có các chứng chỉ công nhận chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, nhưng việc thực tế triển khai ở các DN còn mang hình thức đối phó, hạn chế trong việc quản lý doanh nghiệp hay mối quan hệ với khách hàng

Thứ hai là đối với hệ thống vận hành sản xuất, hiện vẫn tồn tại một khoảng cách lớn giữa doanh nghiệp đã đáp ứng được mức độ nền tảng và doanh nghiệp đang ở mức trung bình. Cơ cấu tổ chức quản lý sản xuất còn chưa tinh gọn và tận dụng triệt để năng suất của thiết bị máy móc, nhà máy.

Thứ ba, về quy trình chuỗi cung ứng, doanh nghiệp chưa xây dựng được một quy trình giao dịch ổn định bền vững, gặp hạn chế về tối ưu hoá việc quản lý kho hàng cũng như chưa tiếp thị rộng rãi đến các nhà cung cấp;.

Điểm hạn chế cuối cùng là ở khâu giới thiệu sản phẩm mới và quản lý vòng đời sản xuất, các oanh nghiệp đã có những chính sách về chi phí đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm tuy nhiên chưa có phương pháp R&D hợp lý.

Theo Cục Công nghiệp, bước sang giai đoạn 2 từ nay tới hết tháng 6/2020, 25 doanh nghiệp sẽ tiếp tục được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu để có thể thực sự trở thành nhà cung cấp chuyên nghiệp trong chuỗi cung ứng giá trị sản xuất toàn cầu.

Nhóm triển khai bao gồm 1 chuyên gia nước ngoài và 2 chuyên gia địa phương hỗ trợ cải tiến năng lực sản xuất trực tiếp tại mỗi doanh nghiệp, tổ chức các buổi kết nối người mua và nhà cung cấp, tổ chức một số chuyến đi trải nghiệp học hỏi nhà máy của các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam. 

 

Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam” của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)/Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group). Chương trình do Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp cùng IFC/WB triển khai, thực hiện đầu tiên tại Việt Nam với sự tài trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

Mục tiêu xuyên suốt của chương trình là hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, giúp các nhà cung cấp trong nước cải thiện hiệu quả hoạt động để có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của các công ty đa quốc gia (MNE) về chất lượng, giá thành, giao hàng và các yêu cầu khác.

Đội ngũ thực hiện triển khai bao gồm các chuyên gia nước ngoài - hãng tư vấn quốc tế STTM Industry Forum của Anh Quốc các Chuyên gia trong nước và sử dụng bộ công cụ tư vấn đánh giá National Manufacturing Competitiveness Levels (NMCL).

Nhóm cố vấn cấp cao (Nhóm CVCC) được thành lập có nhiệm vụ giám sát, tư vấn, nhằm đảm bảo chương trình được thực hiện hiệu quả, tối đa hoá các lợi ích nhà cung cấp Việt Nam và các MNE tham gia chương trình. Thành viên bao gồm Lãnh đạo Cục Công nghiệp, WorldBank, Đại diện các Tập đoàn đa quốc gia.

 Phạm Huyền

Toyota phát triển mạnh nhà cung cấp vệ tinh tại Việt Nam

Toyota phát triển mạnh nhà cung cấp vệ tinh tại Việt Nam

 Trong số 33 nhà cung cấp linh kiện phụ tùng cho công ty Toyota Việt Nam, hiện hang đã có 5 nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp vào mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô.