- Trước lo ngại rủi ro lộ thông tin, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định, việc nộp ảnh chân dung cá nhân thuê bao di động là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và quyền lợi chính đáng của người dân. Mời bạn đọc xem bản text chương trình Góc nhìn thẳng.

Kể từ ngày hôm nay, 24/4, các nhà mạng sẽ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về tính xác thực của các thông tin thuê bao theo quy định của Nghị định 49, bao gồm cả ảnh cá nhân và chứng minh thư.

 Điều này kéo theo, hàng triệu khách hàng phải chạy đua trước giờ G để nộp bổ sung thông tin thuê báo, nếu cố tình không thực hiện, sẽ có nguy cơ bị khóa liên lạc.

Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chương trình Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông. 

XEM LẠI CHƯƠNG TRÌNH TALKSHOW TẠI LINK SAU:

Nộp ảnh cá nhân thuê bao di động để đảm bảo an ninh quốc gia

Nộp ảnh cá nhân thuê bao di động để đảm bảo an ninh quốc gia

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định, việc nộp ảnh chân dung cá nhân thuê bao di động là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và quyền lợi chính đáng của người dân.

 

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, sau một năm thực hiện Nghị định 49 đến thời điểm này, rất nhiều người dân vẫn băn khoăn về việc nộp ảnh cá nhân để đăng ký SIM chính chủ, bà có thể chia sẻ gì về điều này?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Việc một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ chính xác là việc vô cùng cần thiết, để xác định xem có đúng người đó sử dụng thuê bao hay không và người đó là ai.

Đây là một việc làm cần thiết để phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mỗi người dân.

Thực tế trong thời gian qua, trước Nghị định 49 thì thông tin thuê bao ở trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp có rất nhiều thông tin sai. Không ít thông tin thuê bao trong số đó từ những thông tin kích hoạt sẵn. Thuê bao kích hoạt sẵn là thuê bao đã có sẵn thông tin ở trong đó rồi và người sử dụng mua về thì người ta không thể xác định được đâu là người sử dụng thật của số thuê bao đó.

Nghị định 49 được ban hành với mục tiêu là xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin và những thông tin đó phải đúng người.Trên thực tế, khi người sử dụng đến những điểm giao dịch để đăng ký thông tin thuê bao thì người ta trình chứng minh thư ra. Nhưng chứng minh thư của chúng ta có rất nhiều loại giấy tờ, ví dụ như bản giấy thì có giá trị đến 15 năm.

Ảnh của một người khi họ 15 tuổi, 25 tuổi hay 30 tuổi là hoàn toàn khác nhau. Nhân viên giao dịch cũng không thể phân biệt được ảnh này, chứng minh thư này có đúng của người ngồi trước mặt mình hay không.

Cho nên, Nghị định 49 đã quy định, khi mọi người đến giao dịch để đăng ký thuê bao thì nhà mạng phải có trách nhiệm lưu lại ảnh của người đến giao dịch để bổ sung vào thông tin thuê bao của mình.

{keywords}

Nhà báo Phạm Huyền: Mặc dù việc bổ sung ảnh cá nhân gắn với việc sở hữu thuê bao di động chính chủ là việc rất cần thiết, tạo thuận lợi cho công tác quản lý.

Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng việc này xuất phát từ việc các nhà mạng không quản lý được vấn đề SIM rác và việc để bùng phát SIM rác là trách nhiệm của các nhà mạng, ngay từ đầu đã buông lỏng quản lý, đến thời điểm này thì lại dồn việc thủ tục cho người dân và những thủ tục này thực sự rất phiền hà. Vậy bà nghĩ sao về trách nhiệm của các nhà mạng trong vấn đề này?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Không chỉ riêng chúng ta mà rất nhiều quốc gia khác trên thế giới phải xác thực thông tin thuê bao. Họ phải dùng những thông tin về nhân thân, ví dụ như ảnh chân dung hay vân tay. Ở nước nào cũng vậy và ở đâu cũng vậy, khi xác định nhân thân thì người ta phải có những thông tin đó.

Trước đây, nhà mạng cũng chưa thực hiện kiểm tra thông tin nhân thân hay quản lý thông tin thuê bao chặt chẽ, mặc dù đã có Thông tư 04 hay một số thông tư trước đây. Nhưng bên cạnh đó, ngay cả việc nhà mạng có làm việc đó đi chăng nữa thì việc xác thực một con người thật cũng rất khó.

Chính vì vậy, tại thời điểm ban hành Nghị định 49, bắt buộc phải đưa ra quy định mới này để đảm bảo thông tin thuê bao đầy đủ và đúng người.

Nhà báo Phạm Huyền:  Thưa bà, chứng minh thư nhân dân hay thẻ căn cước công dân có giá trị xác thực nhân thân cao nhất và chỉ cần cầm những giấy tờ này đi ra ngân hàng cũng có thể rút được cả tỷ đồng. Trong khi đó, việc sử dụng điện thoại di động chỉ là một hình thức giao tiếp trong xã hội hiện đại. Việc phải nộp ảnh cá nhân để đăng ký đi kèm với thuê bao chính chủ như vậy có phù hợp hay không?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Đúng là rất nhiều người có ý kiến tại sao ngân hàng giao dịch tiền với giá trị rất lớn, họ đi đăng ký thẻ, họ làm rất nhiều việc như thế mà không cần chụp ảnh hay không cần vân tay.

Trên thực tế thì ngân hàng cũng muốn làm đúng, người sử dụng cũng muốn làm đúng và họ sử dụng không chỉ một lần, họ giao dịch nhiều lần. Khi cả hai bên đều muốn làm đúng thì họ phải đưa những giấy tờ thật và con người thật.

Nhưng bên viễn thông thì khác, đa phần tâm lý chung của người sử dụng là không muốn, có dùng sẵn là tốt, thông tin của ai cũng được. Người ta cũng không cần thông tin đúng. Nhà mạng cũng thế, họ chỉ cần bán thẻ để thu tiền về, họ cũng không cần thông tin đúng. Chỉ có Nhà nước cần để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và để bảo vệ quyền lợi của chính người dân.

{keywords}
Nhà báo Phạm Huyền và bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông

Tuy nhiên, hai đối tác trực tiếp tham gia vào trong câu chuyện này thì cả hai bên đều không muốn và vì không muốn nên họ cố tình làm sai. Người sử dụng cứ vô tư đi mua SIM đã kích hoạt sẵn và nhà mạng cũng buông lỏng quản lý, cũng để cho SIM kích hoạt sẵn trôi nổi tràn lan.

Chính vì vậy, cần có những biện pháp quản lý khác. Theo một thông tin không chính thức thì tôi được biết là bây giờ ngân hàng đã có những biện pháp siết chặt hơn để đảm bảo thông tin chính chủ tốt hơn, cả việc sử dụng vân tay.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, lo ngại lớn nhất của dân là việc rò rỉ thông tin. Trên thực tế, việc rò rỉ số điện thoại riêng cũng đã xảy ra khá phổ biến. Vậy theo bà, các nhà mạng cần làm gì để có thể đảm bảo với người dân rằng các thông tin này khi được cung cấp sẽ không bị lộ? Trong trường hợp nếu để rò rỉ thông tin, nhà mạng sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Nghị định có quy định rằng, khi người sử dụng đăng ký thông tin thuê bao thì nhà mạng có trách nhiệm trang bị những trang thiết bị để có thể thực hiện được việc đó. Đồng thời, nhà mạng phải có trách nhiệm đảm bảo toàn bộ thông tin của người dùng , trong đó có ảnh phải được đảm bảo an toàn bí mật, còn cách thức thực hiện như thế nào sẽ tùy vào từng nhà mạng.

Mỗi nhà mạng sẽ có những cách làm khác nhau để họ đạt được những mục tiêu đấy.

Pháp luật cũng quy định rõ, nêu bất kỳ một tổ chức nào, cá nhân nào khi thu thập thông tin mà để rò rỉ thông tin bằng cách này hay cách kia, trực tiếp hay gián tiếp thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những điều đó được quy định rất rõ tại Luật An toàn thông tin hay Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Trong thực tế hiện nay, theo quan sát của Tổng cục Viễn thông thì các doanh nghiệp đã có những cách triển khai khác nhau. Theo như chúng tôi đánh giá, có nhiều doanh nghiệp  đang có những biện pháp triển khai khá tốt.

Ví dụ có nhiều doanh nghiệp đã triển khai các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Ở đó, họ trang bị những chiếc camera, những camera đó được kết nối và truyền thông tin trực tiếp về cơ sở dữ liệu tập trung của doanh nghiệp. Nếu làm theo cách đó thì chắc chắn việc bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng sẽ thuận lợi hơn và tốt hơn.

Với những các khác thì chúng tôi cũng chưa có được đánh giá, nhưng dù sao thì chúng tôi nghĩ trách nhiệm của nhà mạng là phải có những biện pháp, trang thiết bị cả về kỹ thuật, cả về quản lý hành chính hay bất kỳ những biện pháp cần thiết để đảm bảo thông tin của khách hàng theo đúng quy định pháp luật.

Nhà báo Phạm Huyền: Mặc dù trên lý thuyết và trên quy định của pháp luật, các nhà mạng phải có trách nhiệm bảo mật thông tin của khách hàng, nhưng trên thực tế thì bà có nghĩ rằng các nhà mạng có đủ năng lực để làm việc đó?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Việc đánh giá xem những giải pháp đó có đảo bảo hay không thì cần có sự thẩm định của nhà chuyên môn và có đúng chức năng. Bản thân tôi và Cục Viễn thông  không đánh giá được việc đó. Nhưng chúng ta quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm làm việc đó, có nghĩa là doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đó.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, chúng ta cũng nhìn thấy những ngày vừa qua có rất nhiều thông tin từ phía nhà mạng cho biết là sau ngày 24/4, nếu không cung cấp đầy đủ các thông tin bổ sung thì khách hàng sẽ đứng trước nguy cơ bị cắt một chiều . Nhưng những điều đó không được thể hiện trong hợp đồng cung cấp dịch vụ thông tin di động. Nếu bị khóa một chiều thì khách hàng có thể khởi kiện nhà mạng vì vi phạm hợp đồng hay không, xin bà có thể nói rõ thêm về vấn đề này?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Trước tiên, thông tin sau ngày 24/4 các thuê bao có nguy cơ bị khóa một chiều nếu vẫn chưa cập nhật thông tin thuê bao là không đúng.

Nghị định 49 có quy định hai điểm như sau: Chính phủ sẽ cho doanh nghiệp thời gian một năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để doanh nghiệp rà soát lại thông tin, xem thông tin người sử dụng thuê bao có đúng hay không.

Trong trường hợp thông tin thuê bao không đúng thì phải đi cập nhật lại thông tin thuê bao. Điều ấy có nghĩa rằng sau thời hạn 1 năm đấy, tức là sau ngày 24/4/2018 doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thông tin thuê bao trên cơ sở dữ liệu của mình là đúng theo quy định của Nghị định.

Điểm thứ hai là trong Nghị định đã quy định rõ cách thức thông báo cho người sử dụng đi đăng ký lại thông tin thuê bao là dừng hay chấm dứt cung cấp dịch vụ như thế nào.

Trong Nghị định quy định rõ, trước tiên nhà mạng phải thông báo cho người sử dụng 5 ngày liền, ít nhất mỗi ngày một lần để người sử dụng biết rằng người sử dụng phải đi đăng ký lại thông tin thuê bao.

Sau 15 ngày kể từ ngày lần đầu tiên thông báo mà người sử dụng vẫn không đến đăng ký lại thông tin thì lúc đấy nhà mạng có quyền cắt một chiều. Đồng thời, nhà mạng phải tiếp tục thông báo cho người sử dụng đi đăng ký lại thông tin thuê bao.

Nếu sau 15 ngày nữa, người sử dụng vẫn không hợp tác thì nhà mạng có quyền cắt hai chiều và tiếp tục thông báo. Sau 30 ngày nữa, kể từ ngày thứ hai đó, nếu người sử dụng vẫn kiên quyết không đi cập nhật, đăng ký thông tin thuê bao thì lúc đấy nhà mạng mới cắt hợp đồng và dừng cung cấp dịch vụ. Như vậy, có tổng cộng 2 tháng kể từ ngày bắt đầu thông báo cho đến ngày doanh nghiệp có quyền cắt cung cấp dịch vụ.

Điều đó có nghĩa rằng quá trình đấy phải làm liên tục từ khi Nghị định có hiệu lực, tức là 1 năm trước đây. Trong một năm qua, nếu người sử dụng không hợp tác thì đã bị dừng cung cấp dịch vụ rồi.

Trong thời gian tới, ngay sau ngày mai, nếu người sử dụng chưa cung cấp thì không có nghĩa người sử dụng bị dừng dịch vụ hay bị cắt một chiều. Chỉ những ai đã nhận được thông báo của doanh nghiệp theo đúng quy trình trên mà họ không làm thì họ mới có thể bị cắt một chiều, cắt hai chiều hay dừng theo đúng quy định của Nghị định.

Nếu nhà mạng chưa hề thông báo cho người sử dụng thì nhà mạng không có quyền cắt hoặc đã thông báo nhưng người ta không làm và chưa hết thời hạn đấy thì nhà mạng cũng không có quyền cắt.

Nhà báo Phạm Huyền: Vâng thưa bà, rõ ràng chúng ta có một năm để thực hiện Nghị định 49, nhưng tới ngày hôm nay là thời điểm trước giờ G thì chúng ta thấy tình trạng quá tải và rất đông đúc ở điểm đăng ký giao dịch.

Đặc biệt, nhà mạng chỉ dồn thủ tục đăng ký này lên phía khách hàng mà nhà mạng không có những hình thức hỗ trợ khác. Vậy bà nghĩ như thế nào về cách thức triển khai của các nhà mạng, đang thực sự gây phiền hà cho khách?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Đúng là nhà mạng phải triển khai thực hiện trong gần một năm vừa qua nhưng nhà mạng đã không làm. Đấy hoàn toàn là trách nhiệm của doanh nghiệp khi để xảy ra tình trạng bây giờ người dân phải chờ đợi, phải đứng xếp hàng, phải chen chúc nhau tại điểm giao dịch đó, hoàn toàn là lỗi của doanh nghiệp.

Cho nên, đến thời điểm này, nhà mạng cần ý thứ rõ hơn điều đó và trách nhiệm của mình. Chắc chắn nhà mạng phải có những biện pháp tạo điều kiện tốt hơn cho người dân từ những trang thiết bị, từ việc tổ chức, bố trí nhân viên hay bố trí những điểm giao dịch lưu động để hỗ trợ người dân cũng như các cơ quan tổ chức để họ có thể thực hiện việc cập nhật thông tin tốt hơn, thuận lợi hơn.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, vậy trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ có những chỉ đạo như thế nào đến các nhà mạng để kế hoạch này được thực hiện một cách tốt nhất có thể?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Việc chỉ đạo nhà mạng về vấn đề này đã diễn ra liên tục từ khi Nghị định 49 được ban hành. Cục Viễn thông đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn các nhà mạng, cũng như có các cuộc hội nghị, hội thảo để phổ biến vấn đề này. Nhà mạng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chậm trễ của mình.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cám ơn bà đã trả lời báo điện tử VietNamNet.

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Huy Phúc, Đức Yên, Bạt Tuấn

Đồ họa: Diễm Anh

Email: [email protected]

Nộp ảnh cá nhân thuê bao di động để đảm bảo an ninh quốc gia

Nộp ảnh cá nhân thuê bao di động để đảm bảo an ninh quốc gia

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định, việc nộp ảnh chân dung cá nhân thuê bao di động là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và quyền lợi chính đáng của người dân.

Thuê bao nộp ảnh chân dung: Làm sao bảo mật thông tin cá nhân?

Thuê bao nộp ảnh chân dung: Làm sao bảo mật thông tin cá nhân?

Các nhà mạng đồng loạt triển khai nội dung Nghị định 49 của Chính phủ trong việc bổ sung ảnh chân dung, hoàn thiện thông tin cá nhân thuê bao.

"Nhà mạng phải chịu trách nhiệm nếu thuê bao không được thông báo thiếu thông tin"

"Nhà mạng phải chịu trách nhiệm nếu thuê bao không được thông báo thiếu thông tin"

“Trong trường hợp thuê bao chưa nhận được thông báo, trách nhiệm bảo đảm thông tin thuê bao đã đúng quy định thuộc về doanh nghiệp, và doanh nghiệp không có quyền khóa hay chấm dứt cung cấp dịch vụ của các thuê bao này”.

Ba tháng đầu 2018, nhà mạng chặn thành công 31 triệu tin nhắn rác

Ba tháng đầu 2018, nhà mạng chặn thành công 31 triệu tin nhắn rác

Theo báo cáo của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT), việc triển khai các hệ thống chặn lọc tin nhắn rác đã đem tới những kết quả tích cực.