- Nhìn nhận thế nào về tâm lý trầm trồ khi thấy những bản viết tay “chữ đẹp như in” của các học trò nhỏ khi tham gia các cuộc thi ‘luyện chữ”?

Theo GS Nguyễn Ngọc Lanh, chuyện học sinh cả lớp, cả trường, cả huyện… phải rầm rộ đi thi “chữ đẹp” thể hiện triết lý rất lỗi thời. Tại sao trẻ em Việt Nam cứ phải vung phí tuổi xuân vào những cuộc đua - tuy rất bổ ích cho “thành tích” của người có quyền, nhưng - vô bổ đối với sự nghiệp tương lai của chính các em?

Dưới đây là phân tích của ông. VietNamNet mong nhận được các ý kiến trao đổi. Thư gửi về: [email protected].

Các bài luyện và các bài thi cứ na ná như nhau về nét chữ


Không có chữ, phải đi mượn; lại mượn phải thứ chữ rất khó viết

Ba ngàn năm không có chữ, tới thiên niên kỷ thứ tư, tổ tiên ta đành chấp nhận chữ Hán.

Khổ! Đây là thứ chữ tượng hình; viết chữ gần như “vẽ chữ”. Sự sáng tạo chung quy chỉ là thay đổi cách đọc chữ Hán cho lọt tai người Việt - nghĩa là tạo ra các từ Hán-Việt. Viết như nhau, Trung Quốc đọc là “zẩn mỉn” còn ta đọc là “nhân dân”. Tới nay, các từ Hán-Việt chiếm tới quá bán hoặc 2/3 kho từ vựng của ta. Vui hay buồn?

Cứ bảo chữ Hán thịnh hành suốt ngàn năm trước. Kỳ thực, nó độc tôn, chứ “thịnh hành” cái nỗi gì mà chỉ 1% dân biết chữ?

Nói khác, tới 99% dân ta không đọc nổi, mà nghe người khác đọc hộ cũng không hiểu.

Hẳn là, 99% các cụ ta thời xưa nghe đọc câu “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (học không chán, dạy người không mỏi) và “Tiên giác giác hậu giác” (người biết trước dạy cho người biết sau) cũng giống như vịt nghe sấm?

Đã thế, dùng chữ Hán không thể ghi lại kho tàng văn hóa dân gian do người Việt sáng tạo. Lưu giữ bằng cách “truyền miệng” thì làm sao tránh khỏi thất thoát lớn?

Giải quyết bằng sáng tạo ra chữ Nôm: Vẫn rơi vào lẩn quẩn!

Chữ Nôm ghi lại tiếng Việt (ca dao, tục ngữ, văn thơ Việt). Nghĩa là khi đọc văn Nôm, người Việt mù chữ vẫn hiểu. Tổ tiên ta càng thêm hứng khởi sáng tác bằng chữ Nôm. Chính nhờ chữ Nôm mà truyện Kiều ra đời…

Nhưng đó là cái vòng lẩn quẩn. Vì cách phổ biến nhất để tạo ra chữ Nôm là ghép hai chữ Hán lại làm một: Trong đó, một chữ dùng để chỉ “nghĩa”, còn chữ thứ hai để chỉ “âm”.

Ví dụ, muốn viết chữ “tay” thì các cụ ghép chữ “thủ” (nghĩa là tay) với chữ “tây” (phương tây, phương Đoài). Người đọc phải… suy hoặc đoán, để mà đọc thành “tay”. Thật phiền, cứ phải giỏi chữ Hán (và giỏi đoán) mới học được, đọc và viết được chữ Nôm. Số người biết chữ Hán vẫn chỉ 1%; biết Nôm càng dưới 1%.

“Văn hay” phải kèm “chữ tốt: Chuyện đương nhiên thời xưa

“Văn hay, chữ tốt” là câu cửa miệng của người xưa nói về thành công trong nghiệp học.

Thời xưa, học vấn của một người được đánh giá ở “văn”. Nhưng “văn” chứa trong… bụng (các cụ nghĩ thế), dù hay đến mấy vẫn phải thể hiện bằng chữ thì người khác (ví dụ, người chấm thi) mới đánh giá được. Do vậy “văn hay” phải có cả “chữ tốt”.

Luyện “chữ tốt” thời xưa gian khổ gấp trăm (hay ngàn) luyện chữ quốc ngữ thời nay.
Viết chữ gần như “vẽ chữ”, thiếu hay thừa một nét là thành vô nghĩa hoặc khác nghĩa (sai một ly đi một dăm). Hàng ngang, hàng dọc cứ đều tăm tắp. Tập viết chữ Hán là nỗi vất vả và sợ hãi của học trò xưa, vì đây là chính giai đoạn rất dễ bị “ăn roi” của thầy.

Nhưng trên mức “chữ tốt” còn có mức “chữ đẹp” (cực tốt) nữa. Nhưng đó là chuyện năng khiếu, “hoa tay”…, chỉ dành cho số ít người.

Thời ấy, chỉ cần “văn hay, chữ tốt” là đủ để công thành danh toại. Thời nay, nếu chỉ hành văn trơn tru và viết chữ đẹp - tuy vẫn là ưu điểm - nhưng chưa nói được gì nhiều.
Phúc thay! Từ năm 1915, nước ta đã thay chữ Hán bằng chữ quốc ngữ. Để thanh toán mù chữ, thuở xưa cần 3 năm; thì thời nay chỉ cần 3 tháng. Để luyện “chữ tốt” cũng vậy.

Thứ bậc giữa “văn hay” với “chữ tốt”

Một cách vắn tắt, làm văn là việc của cái đầu, viết chữ do cái tay.

- Khi vua muốn ban ra một chiếu chỉ, một đạo sắc phong, một lời khuyến dụ… thì các vị “văn hay” sẽ lĩnh ý và thảo ra văn bản. Họ phải dùng lời văn thích hợp và viết bằng thứ “chữ tốt” để vua duyệt. Sau đó, sẽ có những người “chữ cực tốt” sao chép thành nhiều bản để gửi đi các nơi. Như vậy, người “văn hay” là quan, gần gũi vua; còn người “chữ đẹp” chỉ là những thư lại, có khi cả đời không thấy long nhan.

Ở cấp địa phương (đạo, trấn, tỉnh, huyện) vị đứng đầu chính quyền vẫn là người “văn hay”, còn trong số phụ tá có vài người “chữ tốt” (lo việc sổ sách, sao chép văn thư…).

Dẫu sao, thời xưa người “chữ tốt” (nhất là “chữ đẹp”) vẫn có việc làm phù hợp. Còn thời nay, khó kiếm kế sinh nhai thuần túy chỉ bằng “chữ đẹp”. Bởi vì, máy đã thay thế. Người viết đẹp nhất cả nước cũng chỉ “đẹp như chữ đánh máy”, hoặc “như chữ sách in”(!).

Thi chữ đẹp

Thời nay, máy đã thay thế ngày càng vượt trội sự khéo léo của bàn tay. Tuy nhiên, vẫn nên tổ chức thi chữ đẹp, để đáp ứng nguyện vọng của những người có năng khiếu muốn tranh tài - giống như nhiều cuộc thi năng khiếu khác.

Phải nói thêm: Viết chữ đẹp, thêm óc sáng tạo, tâm hồn nghệ sĩ… vẫn có thể “sống tốt” bằng nghề thư pháp. Thực tế, sản phẩm của các nhà Thư Pháp ở ta thường là để tặng. 

Còn chuyện học sinh cả lớp, cả trường, cả huyện… phải rầm rộ đi thi “chữ đẹp”, thì đấy là chuyện khác. Nó thể hiện một triết lý rất lỗi thời (mà người có quyền cứ tự ý áp đặt, dưới danh nghĩa nào đó - ví dụ, để rèn “nết người” - cho đại trà vài chục triệu đứa trẻ), nguy hiểm hơn cả bệnh “thành tích”, bệnh “phong trào”.

Số người dựa vào “chữ tốt” để sinh nhai cứ hiếm dần. Vậy, các bậc cha mẹ thời nay nếu có ý định đầu tư tiền của và công sức cho con cái về “chữ tốt” cần suy nghĩ cho kỹ.

Rèn chữ

- Thời xưa, không rèn chữ sẽ thiệt thòi nhãn tiền. Vì đó là thứ chữ khó viết và dễ sai sót dẫn đến sai nghĩa. Những người “văn hay” thì địa vị xã hội không thấp. Họ phải thảo ra những văn bản “chữ tốt”, để cho đám “chữ cực tốt” khỏi nhầm lẫn khi sao chép. 

Nếu họ là các bậc uyên thâm, họ còn sáng tác (Lê Hữu Trác, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Nguyễn Du…) và có cả một đội ngũ “chữ tốt” sao chép thành hàng trăm cuốn sách. Cho tới khi con người biết khắc chữ vào tấm ván để in ra hàng loạt thì bản gốc càng phải viết bằng thứ “chữ tốt” để thợ khác khỏi nhầm lẫn (rất khó sửa).

- Thời cận đại, khi đã có chữ quốc ngữ, có máy chữ và máy in, các vị Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… vẫn phải rèn chữ để bản thảo đỡ tốn giấy (giấy rất đắt, phải viết bằng thứ chữ nhỏ li ti) và để thư ký gõ máy chữ khỏi nhầm lẫn; và để thợ in đỡ mắc lỗi khi xếp chữ. Điều khác xưa: người đánh máy chữ và thợ xếp chữ in không cần “chữ tốt” nữa. Các nhà văn thế hệ sau làm việc lúc giao thời, nhưng thích nghi rất nhanh: từ viết tay, họ chuyển sang dùng bàn phím.

“Chữ đẹp” đến mức nào là đủ?


Đã đi học thì phải tập viết. Cứ cho rằng trong tương lai không xa, mỗi học sinh sẽ sở hữu một máy tính gọn nhẹ (mang theo tới lớp) trong chứa sẵn toàn bộ sách giáo khoa và tài liệu tham khảo; cứ cho rằng họ sẽ được dạy sử dụng bàn phím thành thạo tới mức gõ chữ nhanh hơn viết (quả vậy đấy: gõ một chữ trên bàn phím để nó hiện ra màn hình vẫn nhanh hơn viết chữ đó ra giấy)... Nhưng, dứt khoát, họ vẫn phải tập viết. Vì trong cuộc đời, có lúc họ phải viết chứ không chỉ trông cậy vào máy vi tính mà xong. 

Vậy, cần tập viết tới mức nào? Chẳng cần cãi nhau cho mất thì giờ; mà cứ xem “người ta” đã làm.

1) Dứt khoát học sinh phải viết đủ nét, đủ dấu, để ai cũng đọc được bản viết của mình. Họ viết ra là để người khác đọc (trước hết là để trả bài cho thầy, cô; sau này là lá đơn xin việc mà nơi tuyển chọn quy định “tự viết”, tờ giấy biên nhận, đăng ký bút tích với cơ quan quản lý…). Còn việc ghi chép cho riêng mình, họ tha hồ tự ghi, tự hiểu.

2) Họ phải tập viết nhanh, vì thời công nghiệp đòi hỏi tiết kiệm thời gian.

3) Họ chỉ viết ngắn. Nếu cần viết dài, đã có vi tính và máy in.

Thế là đủ.

Nhưng khi cần viết nhanh, nét chữ lại trở về kiểu “vốn có”

Thời gian lẽ ra dành cho tập viết như hiện nay (nhất là để thi “chữ đẹp”) liệu có nên dùng để dạy các cháu sử dụng bàn phím? Nhiều phụ huynh đã nhận ra lợi hại.

- Điều không lạ, những bài được giải “chữ đẹp” đều có nét chữ na ná như nhau, vì cùng được dạy theo một mẫu, mặc dù internet đã miễn phí rất nhiều mẫu chữ cực đẹp.

- Điều không lạ nữa: Khi phải viết nhanh, những người được giải lại trở về cách viết cố hữu của mình. Chữ là người. Chính do vậy, ta mới có thể “đoán tính cách con người theo nét chữ”. Rút ra: nét chữ (để thi) chẳng liên quan gì tới “nết người”. Chớ ngộ nhận.

Tại sao trẻ em Việt Nam cứ phải vung phí tuổi xuân vào những cuộc đua - tuy rất bổ ích cho “thành tích” của người có quyền, nhưng - vô bổ đối với sự nghiệp tương lai của chính các em? Mà tuổi thọ của dân ta chưa phải quá cao so với các dân tộc khác, để các cháu tiêu tốn tuổi trẻ vào việc này.

  • GS Nguyễn Ngọc Lanh