- PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng nếu các trường cùng "phát huy" tinh thần tự chủ như ĐH Tôn Đức Thắng sẽ dẫn tới sự lạm phát về giáo sư.

{keywords}
Ảnh Đức Hạnh

Ông Tống cho biết:

- Từ kinh nghiệm học và làm việc ở Úc, Mỹ và nhiều nước trên thế giới, thì tôi thấy cách làm của Việt Nam giống giống các nước ở Châu Âu lục địa như Pháp, và không giống cách làm của Anh, Mỹ là những nơi trao quyền chủ động cho các trường rất nhiều. Họ không phong tràn lan GS, PGS một cách chung chung mà ở trường đó chỉ có một GS ở một ngành đó thôi cho đến khi có người khác được thay, hoặc tuyển GS cho chức danh của nhà trường.

Nếu như ở nước mình ngay từ đầu đã quy định các trường bổ nhiệm GS, PGS thì cách làm của của trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ không có vấn đề gì. Thế nhưng, ở Việt Nam, việc Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đang làm là quy mô và tập trung. Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã có những quy định chặt chẽ để xét duyệt với các tiêu chuẩn riêng. Có người nộp hồ sơ “5 lần, 7 lượt” vẫn không được phong PGS, còn đối với học hàm GS thì yêu cầu lại còn cao hơn nữa. Đây là sự thừa nhận trình độ chất lượng của cả hệ thống do Nhà nước đặt ra.

Ông đánh giá như thế nào về việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang thực hiện?

- Tôi cho rằng không nên làm như vậy. Nếu trường tự phong như thế thì không thể nào phân biệt được GS của trường hay GS của Nhà nước công nhận. Điều này sẽ gây lẫn lộn. Thà mình bỏ hết các chức danh GS, PGS do Nhà nước phong mà trả lại việc đó cho các trường bổ nhiệm.

Xã hội đang chạy theo những thứ như danh nghĩa, hình thức. Một hệ thống phong GS, PGS như nước ta đang thực hiện mà đã có những kẽ hở, đã có nhiều cái không hay. Thì có thể so sánh rằng nếu các trường cùng "phát huy" tinh thần tự chủ như ĐH Tôn Đức Thắng sẽ dẫn tới sự lạm phát về giáo sư.

Như mọi người vẫn đang ví von tình trạng lạm phát tiến sĩ như hiện nay là "ra ngõ gặp tiến sĩ", "ngoài đường mắc kẹt tiến sĩ, thì chúng ta sẽ cũng rơi vào tình trạng mắc kẹt giáo sư. Chất lượng GS, PGS ở các trường sẽ không bảo đảm. Uy tín nói chung của những người mang danh GS, PGS sẽ không còn nữa, thiệt hại cho xã hội.

Tôi cho rằng trước mắt, Trường ĐH Tôn Đức Thắng nên tập trung vào những vấn đề như chất lượng giáo dục, cải tổ các chuyên ngành đào tạo, nâng cao chất lượng giảng viên thì sẽ tốt hơn những việc như thế này.

Vậy ông nhận xét gì về khả năng Trường ĐH Tôn Đức Thắng kiện HĐCDGSNN?

- Đứng về mặt luật mà nói, thì cần xem xét trường kiện dựa trên cơ sở nào. Đó là Luật Giáo dục Đại học. Và trong Luật này không quy định các trường được tự bổ nhiệm chức danh GS.PGS.

Luật không quy định, nhưng cũng không cấm...

- Đúng như vậy, hiện nay không có quy định cấm các trường tự phong GS, PGS nhưng cũng chẳng ai cho phép việc này. Nhưng lý luận như thế là thoát lý hoàn cảnh thực tế. Tôi không ủng hộ việc Bộ GD-ĐT can thiệp quá sâu vào một số công việc của các trường như tuyển sinh, chương trình đào tạo...

Tuy nhiên, việc can thiệp này chỉ ảnh hưởng tới từng trường, chứ không ảnh hưởng tới uy tín của hệ thống. Nhà nước có thể nới lỏng những kiểm soát không hợp lý. Nhưng việc phong GS, PGS không thuộc vào danh sách những việc "không hợp lý" này. Nhất là trong thời điểm hiện tại, việc tự chủ phong giáo sư được xem như là một việc làm... cho oai.

Ông nhận xét gì về các tiêu chuẩn bổ nhiệm GS, PGS mà trường đưa ra?

- Các tiêu chuẩn về hình thức ai cũng đưa ra được hết. Vấn đề là khi bỏ phiếu, xét duyệt... sẽ có sự du di do quan hệ. Thay bỏ phiếu kín bằng bỏ phiếu công khai cũng không giải quyết được gì hết. Tôi bỏ phiếu kín phản đối, họ không biết khi gặp tôi vẫn cười nói vui vẻ. Bỏ phiếu công khai, nếu biết bị phản đối khi gặp mặt sẽ khó chịu với nhau. Vì vậy có khi lại xảy ra trường hợp vì nể nang mà cho qua dù ứng viên không xứng đáng. Chính vì sự tế nhị này mà việc bỏ phiếu hiện nay ở các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, Hội đồng cơ sở, Hội đồng Nhà nước mới được tiến hành dưới hình thức bỏ phiếu kín.

Đặt giả thiết nếu trường kiện, và thắng kiện, ông dự đoán điều gì sẽ xảy ra?

- Nếu trường này kiện và thắng kiện, đương nhiên các trường khác cũng sẽ được phép làm việc này. Và như vậy, như tôi đã nói ở trên, chắc chắn sẽ có tình trạng "kẹt giáo sư".

Còn trong trường hợp trường thua kiện?

- Nếu trường thắng thì sẽ loạn. Nếu thua, trường mất uy tín trầm trọng.

Vậy thì, ông ủng hộ hay phản đối việc các trường tự công nhận và bổ nhiệm giáo sư?

- Tôi rất cổ động cho việc tự trị đại học, tức là các trường tự quyết nhiều việc của mình. Theo tôi ở Việt Nam hiện nay rất ít trường có đủ điều kiện để tự trị đại học, ngoài trừ Đại học Quốc gia mới có thể đủ người, đủ lực mới làm được việc đó. Một trường đại học lặt vặt mà nội hàm của nó còn nhỏ hơn một bộ môn của một trường đại học quốc tế thì làm sao tự trị đại học được.

Mọi việc phải có giai đoạn chuyển tiếp, quá độ để kiểm soát chứ không sẽ loạn.Phải có quy định rõ ràng, trường nào mới được quyền nếu không sẽ lẫn lộn giữa giáo sư tự phong của trường và giáo sư của Nhà nước. Ở nước ta, từ nay đến khi trao quyền cho các trường tự bổ nhiệm giáo sư phải có gaii đoạn quá độ cho hợp lý. Các trường lớn như Đại học Quốc gia nên bàn luận với Bộ GD-ĐT quy trình thực hiện, thành lập các hội đồng xét duyệt... trao dần quyền tự chủ cho các trường đủ điều kiện. Trường tự phong như vậy thì hội đồng xét duyệt đó phải như thế nào, phải có những thành viên là giáo sư của Nhà nước để thận trọng chọn ra đúng người có chất lượng. Chứ không thể vì có trường hợp không đủ tiêu chuẩn GS của Nhà nước mà đăng ký vào trường để được phong giáo sư của trường.

Tôi cũng muốn nói nếu cho rằng việc phong GS,PGS là để hội nhập quốc tế và tiến gấn với các trường tiên tiến trên thế giới, thì điều đó là phiến diện. Để hội nhập quốc tế, để tiến bộ thì hệ thống giáo dục của chúng ta cần thay đổi những yếu tố quan trọng hơn nhiều như chương trình đào tạo…, và quan trọng nhất là hệ thống tổ chức phải hội nhập.

Xin cảm ơn ông.

Ngân Anh thực hiện

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM là một trong những người Việt Nam trẻ nhất được nhận bằng tiến sĩ tại Australia, thạc sĩ trường Havard, và là nhà khoa học đầu ngành hiện nay về kỹ thuật hàng không.