Bộ GD-ĐT vừa có văn bản thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật công chức.
Theo đó, trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 đã xảy ra tiêu cực và gian lận trong việc tổ chức chấm thi ở Hội đồng thi tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, dẫn đến tâm lý lo ngại trong học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.
Qua những sai phạm xảy ra ở 3 địa phương, Bộ GD-ĐT nhận thấy còn có những thiếu sót về công tác xây dựng, ban hành văn bản và chỉ đạo tổ chức kỳ thi; công tác tập huấn, quán triệt quy chế thi; công tác tổ chức chấm trắc nghiệm và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 và khoản 2 Điều 6 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thông báo xem xét kỷ luật đối với 13 công chức. Thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại điều 7, nghị định 34/2011/NĐ-CP.
Theo danh sách công chức bị xem xét kỷ luật được gửi kèm theo, nhiều người trong số đó là Cục trưởng, Cục phó Cục Quản lý chất lượng; Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin; Vụ trưởng các vụ Pháp chế, Giáo dục Trung học; Chánh và Phó Chánh Thanh tra, các thanh tra viên, thanh tra chuyên ngành, phụ trách phòng quản lý thi,v.v... của Bộ GD-ĐT.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An cho biết: Căn cứ kết quả kiểm điểm của các đơn vị, có 13 cá nhân có trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước liên quan đến tổ chức kỳ thi. Đây chưa phải là các công chức bị kỷ luật, mà chỉ là một bước trong quy trình xem xét kỷ luật công chức theo quy định. Hội đồng kỷ luật của Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, đánh giá công tâm, khách quan để tư vấn cho Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định thấu tình, đạt lý.
Thúy Nga
Truy tố 8 bị can tội lợi dụng chức vụ trong gian lận thi cử ở Sơn La
Viện KSND tỉnh Sơn La vừa hoàn tất cáo trạng truy tố đối với 8 bị can vụ gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại địa phương này.