Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, theo báo cáo của các địa phương, bộ ngành, đến hết tháng 9/2019 đã có trên 9,2 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ. Trong đó có 5,3 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956.
Uớc tính đến hết năm 2019 sẽ có khoảng 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các cấp trình độ, đạt 87% mục tiêu của Đề án (11,03 triệu người), trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người, đạt 85% kế hoạch (6,558 triệu người của Đề án trong 11 năm 2010-2020.
Sau học nghề số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 80,4%. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4% vượt mục tiêu đề ra.
Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.
Các địa phương đã thông kê có gần 350 ngàn hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề; gần 300 ngàn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá; gần 200 ngàn người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thực hiện mỗi làng một sản phẩm và thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới.
Nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học cho biết chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Sau 10 năm, hơn 9,2 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ. Ảnh: Hạ Anh. |
Kết quả trên đã góp phần thực hiện các tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 28% (có bằng chứng chỉ đạt 14,1%) năm 2009 lên 59,5% (có văn bằng chứng chỉ đạt khoảng 23%) cuối quý 1/2019, tăng 31,8%;
Vượt chỉ tiêu chung tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo của cả nước và Vùng Bắc Trung bộ Duyên hải miền Trung trong xây dựng nông thôn mới 19,5%; vượt chỉ tiêu lao động có việc làm qua đào tạo ở hai vùng phát triển nhất (Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ) 35% (75/40%) và 3 vùng còn lại (Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long) 15% (40/25%);
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội từ 51,5% làm nông nghiệp năm 2009, xuống còn khoảng 35,4% cuối quý 1/2019, giảm 16,1%.
Nâng năng suất lao động từ 37,9 triệu đồng năm 2009 lên đạt 102,2 triệu đồng năm 2018, gấp 2,7 lần. Năng suất lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp thuỷ sản 14,1 triệu đồng năm 2009 lên 39,8 triệu đồng năm 2018, gấp 2,82 lần.
Tuy nhiên, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn còn tồn tại.
Cụ thể, nội dung đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế không đạt mục tiêu của Đề án. Điều này do nguồn kinh phí trung ương bố trí thấp hơn so với kế hoạch và vướng mắc trong triển khai thực hiện quy định về đấu thầu đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.
Kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Các vùng Trung du và Miền núi Phía Bắc, Tây Nguyên có số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề thấp hơn các vùng khác, trong khi kinh phí Trung ương hỗ trợ bình quân luôn bằng hoặc cao hơn mức hỗ trợ bình quân chung của các vùng khác trong cả nước.
Hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trung tâm cấp huyện chưa được quan tâm và hiệu quả chưa cao.
Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn vẫn còn dàn trải, nhất là danh mục nghề nông nghiệp; một số địa phương chưa xây dựng, phê duyệt định mức chi phí đào tạo, xây dựng, phê duyệt chuẩn đầu ra cho các nghề đào tạo.
Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn, hiệu quả việc làm sau đào tạo còn hạn chế,...
Mục tiêu và nhiệm vụ đề ra đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn Năm 2020: Đào tạo nghề các cấp trình độ cho 1,43 triệu lao động nông thôn, trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 950.000 lao động nông thôn (350.000 người học nghề nông nghiệp, 640.000 người học nghề phi nông nghiệp). Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%. Giải đoạn 2021-2025: hàng năm đào tạo nghề các trình độ cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn. |
Thanh Hùng
Tìm cách đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Những hạn chế và giải pháp đã được các đại biểu đưa ra tại hội nghị về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên năm 2019, sơ kết 10 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn (2010 – 2019).