Bộ Công thương vừa có kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của Luật phòng chống tham nhũng, công tác cán bộ, công tác quản lý sử dụng ngân sách, hoạt động sự nghiệp có thu, công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Trường ĐH Điện lực. Rất nhiều sai phạm của trường đã được nêu ra trong bản kết luận này.
Thả nổi bằng cấp, thu tiền trái quy định
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Công thương, năm 2017, Trường ĐH Điện lực in lại phôi bằng theo logo mới nhưng không thực hiện huỷ bỏ phôi bằng cũ theo quy định. Trường không rà soát, đối chiếu, kiểm tra phôi bằng cấp, in và phát cho sinh viên trong giai đoạn 2011-2018, dẫn đến công tác quản lý phôi bằng trong giai đoạn này chưa thực hiện đúng theo quy định trong việc phát và thu hồi phôi bằng.
Đặc biệt, việc thực hiện tổ chức tự thu của Trường ĐH Điện lực chưa đúng do trường tự chi chưa quyết toán thu, chi sai quy định và nguyên tắc quản lý tài chính. Trường chưa thực hiện rà soát các khoản kinh phí, lệ phí của các sinh viên phải nộp theo quy định mà đã thực hiện cấp bằng cho các sinh viên.
Trường tồn tại một số dư công nợ phải thu của sinh viên trên phần mềm theo dõi học phí với số tiền lớn hơn tại thời điểm ngày 31/12/2018 là hơn 18,6 tỷ đồng. Trong đó các lớp trong trường là gần 10,8 tỷ đồng; các lớp ngoài trường là hơn 7,8 tỷ đồng.
Trường chưa rà soát, đối chiếu, phản ánh chính xác số phải thu học phí của sinh viên; chưa đối chiếu chính xác số học phí của các lớp ngoài trường với phần mềm thu học phí.
Đối với công tác đào tạo, một số ngành nghề của trường hoạt động không hiệu quả, số lượng sinh viên theo học ít, mỗi lớp chỉ vài sinh viên.
Trong quá trình xác minh đơn thư tố cáo, đoàn thanh tra của Bộ Công Thương còn phát hiện khoa Điều khiển Tự động hoá đã thực hiện thu một số khoản thu đối với sinh viên không có trong quy chế của nhà trường, trái với quy định như lệ phí thực tập tốt nghiệp, lệ phí trả nợ môn học, lệ phí thi lại lần 3.
Ngoài ra Phó trưởng khoa này còn chỉ đạo và thu tiền “chống trượt” thi tốt nghiệp của 22 sinh viên với số tiền hơn 70 triệu đồng.
Sai phạm đầu tư, thu chi tài chính
Cũng theo kết luận thanh tra, Trường ĐH Điện lực đã đầu tư 100% mua lại Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam chưa đúng quy định của pháp luật, chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục, chưa xin ý kiến của cơ quan chủ quản, chưa thực hiện thẩm định khi ký hợp đồng chuyển nhượng, giá trị chuyển nhượng cao hơn giá trị thẩm định là 248 triệu đồng.
Trường tự ý thực hiện các thỏa thuận chuyển nhượng với cá nhân và Công ty cổ phần Hỗ trợ phát triển năng lượng Việt Nam, sử dụng nguồn tiền của trường bảo lãnh và thanh toán 21,4 tỉ tiền vay và lãi cho chính hợp đồng vay vốn của Công ty EDF với ngân hàng. Công ty EDF không thực hiện đúng cam kết gây rủi ro tranh chấp về mặt pháp lý và báo cáo không chính xác về chủ sở hữu Trường Hồng Lam.
Một số công trình, dự án của trường phê duyệt, ký hợp đồng có khối lượng tính thừa, tính trùng.
Việc thực hiện tổ chức mua sắm trang thiết bị, công tác mua sắm của trường còn tồn tại một số vi phạm, thiếu sót trong việc tổ chức thực hiện như lựa chọn nhà thầy chưa đúng hình thức; một số gói thầu thực hiện giao nhận hàng hóa, sản phẩm không đúng với thông số, kỹ thuật trong hợp đồng, thiếu các loại giấy tờ chứng nhận,…
Nhiều nội dung vi phạm khác cũng đã được Thanh tra Bộ Công Thương chỉ ra trong kết luận như công tác bổ nhiệm một số trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không thực hiện đúng quy trình bổ nhiệm lại; một số sai phạm trong công tác tài chính, đào tạo,…
Kết luận của Thanh tra Bộ Công thương cũng nêu, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, hạn chế về nghiệp vụ, các sai phạm, tồn tại, hạn chế, thiếu sót nêu trên còn có tính chủ quan, thiếu kiểm tra, giám sát của các cá nhân, đơn vị liên quan. Một số hoạt động quản lý của nhà trường còn thiếu minh bạch, khách quan.
Để xảy ra tình trạng quản lý tài chính chưa đúng quy định, tiềm ẩn nhiều sai phạm như đã nêu trên, trách nhiệm thuộc về Đảng uỷ nhà trường, trong đó có ông Trương Huy Hoàng - Bí thư, Hiệu trưởng nhà trường; ông Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường; Ban Giám hiệu mà người đứng đầu là hiệu trưởng qua các thời kỳ, một số lãnh đạo phòng, ban, đơn vị, cá nhân có liên quan như Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Đào tạo, Phòng Thanh tra - Pháp chế, Phòng Quản lý đầu tư xây dựng, Trung tâm ACT, ART, Khoa điều khiển tự động hoá.
Về phía Bộ Công thương, theo phân cấp quản lý, Vụ Tổ chức cán bộ sẽ xem xét trách nhiệm, tiến hành kiểm điểm, có hình thức xử lý theo quy định pháp luật đối với các công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, là các lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ, trong đó có ông Lê Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường và ông Trương Huy Hoàng, Bí thư, Hiệu trưởng trường ĐH Điện lực khi để xảy ra các tồn tại, sai phạm nêu trên.
Thúy Nga
Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm của ĐH Ngoại thương
Thanh tra Chính phủ vừa chuyển hồ sơ cho Bộ Công an tiếp tục làm rõ, xử lý theo pháp luật việc Trường ĐH Ngoại thương để ngoài sổ sách 197.200 USD (tương đương 3,2 tỷ đồng).