Trước khi có được Trung tâm đồ gỗ Văn Sáu trên đường Hoàng Quốc Việt, thị xã Phổ Yên, TP Thái Nguyên với hơn 30 nhân công có doanh thu hàng chục tỉ đồng mỗi năm, xưởng sản xuất những năm 2.000 sơ khai chỉ vài ba người thợ.

Ông chủ Lương Anh Văn nhớ lại, năm 1997 vì gia đình không đủ điều kiện cho đi học tiếp nên anh quyết định xin theo học nghề mộc ở một xưởng gỗ tư nhân. Sau 1 năm học việc, rồi 2 năm làm cho một vài xưởng khác, anh Văn quyết định mở xưởng cùng 1 - 2 người thợ. Dần dà, xưởng cũng tăng lên được 5-6 người, song anh vẫn nghĩ để có thể đi xa với nghề thì phải học một cách bài bản hơn. May mắn thay, cách đây chục năm, Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Thái Nguyên cũng mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Và anh đã không bỏ lỡ cơ hội.

“Lúc đầu, những thứ tôi làm trên thực tế không bài bản gì cả, sau khi học qua khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Thái Nguyên, tôì đã nắm và thực hiện tất cả mọi thứ theo một trình tự khác hẳn so với việc tự mày mò làm trước đây. Học xong, tôi nhận thấy mình có các kiến thức về kĩ thuật làm rất bài bản, từ khâu vận hành máy móc cho đến cách xẻ ra những tấm gỗ như thế nào, chọn lựa ra sao”, anh Văn kể.

{keywords}
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Cũng từ ngày đó, phần gỗ của xưởng dần được chuẩn hơn và phong cách mẫu mã cũng đạt phong cách mới hơn so với những sản phẩm làm “tự do” như trước. Phát huy những kỹ thuật được học mang đến năng suất cao hơn cho xưởng gỗ.

“Trước đây tôi học qua làm trực tiếp, người ta nói là làm luôn. Sau khi học ở trường thì có lý thuyết kết hợp thực hành thấy hay hơn nhiều”.

Có được năng suất cao hơn, mở rộng sản xuất, hiện tại số lao động anh Văn quản lý đã lên tới 30 người. Tư duy quản lý của anh cũng tốt hơn. Số lao động này được anh phân khúc ra, đội thợ sơn riêng; đội khác đánh bóng giấy nhám; một đội chuyên lắp bàn ghế, giường tủ; một đội chuyên làm tượng. “Khi phân khúc như thế thì sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường rất chuẩn, chuẩn hơn khi 1 người thợ làm chung đến 5-7 việc”, anh Văn nói.

Sau này, anh cũng tham gia “đào tạo ngược” bằng việc phối hợp với nhà trường để đào tạo trực tiếp một số người có nhu cầu đến học. “Đã có một khóa đào tạo 35 người và kết thúc họ nhận được chứng chỉ nghề. Một số người đã được chúng tôi nhận ở lại làm việc cho xưởng luôn”, anh Văn nói đến mô hình kết nối của trung tâm của mình.

Đào tạo kiểu này, theo anh Văn, thực tế hơn rất nhiều bởi “Học viên đến đây là có công việc luôn. Từ lý thuyết được nhà trường hướng dẫn mà được thực hành luôn thì làm việc rất chuẩn”.

Ông chủ Lương Anh Văn cũng tự tin khi có thể trả lương cho mỗi công nhân bình quân 6 triệu mỗi tháng. Một số nhân sự điều khiển máy đục gỗ vi tính chất lượng cao thu nhập có thể từ 15 đến 20 triệu đồng.         

Là người phụ trách máy đục gỗ vi tính gia công, chàng trai tên Trạng, sinh năm 1993 chia sẻ tốt nghiệp lớp 12, xác định không theo con đường học hành, Trạng đi làm luôn. Công việc của em là nhận hàng và đục ra những sản phẩm.

“Mẫu mã sản phẩm do mình lập trình từ trước. Lập trình xong thì kê hàng cho máy chạy cắt hoàn thiện ra những sản phẩm đấy”.

Quen việc, Trạng cho biết việc chính của mình là lập trình, còn máy móc hỗ trợ gần như 90% và một người có thể sử dụng 3-4 máy tương đương 6-7 công nhân đục tay truyền thống trước đây. Sau phần công việc của Trạng, xưởng có khoảng 5-7 công nhân sẽ lo khâu lắp ráp sản phẩm hoàn thiện.

Giờ đây, Trung tâm đồ gỗ Văn Sáu ngày càng ăn nên làm ra, khách hàng cũng đông hơn. Sản phẩm của xưởng gỗ này hiện đã được cung ứng đến 64 tỉnh thành và một số nước lân cận như Lào, Philippine, Hàn Quốc,… với đủ mẫu mã bàn ghế, giường, tủ, tượng gỗ,… đạt doanh thu 20 tỷ đồng mỗi năm.

Hải Nguyên

"Loại bỏ dần tâm lý trượt đại học mới theo học nghề"

"Loại bỏ dần tâm lý trượt đại học mới theo học nghề"

- Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, cho hay sẽ mở rộng nguồn tuyển sinh trường nghề để không trực tiếp cạnh tranh với trường đại học. Trường nghề sẽ thực hiện tuyển sinh quanh năm từ học sinh lớp 9 tới người lớn.