Kết thúc chương trình học lớp 9, A Cơ Quý (sinh năm 2004) - cậu học sinh người dân tộc Tà Ôi của huyện A Lưới đã định hình con đường nghề nghiệp của mình trong lương lai.

Không chọn hướng đi rừng săn bắt hay vác gỗ thuê như nhiều bạn bè cùng trang lứa, học xong lớp 9, A Cơ Quý quyết định theo học chương trình trung cấp nghề của Trường CĐ nghề Thừa Thiên Huế với hy vọng ra trường dễ kiếm được việc làm và sớm thoát nghèo.

“Ở quê em, các bạn đồng trang lứa thất nghiệp thường đi rừng bẫy thú, làm thuê. Nhưng cuộc sống vẫn khó khăn và em quyết định không đi rừng nữa. Thấy nhà trường tuyển sinh nên em đăng ký theo học để sau này có được một cái nghề trong tay”

Thấy cơ hội việc làm khi nhiều công ty tuyển dụng cùng với phù hợp năng lực bản thân, A Cơ Quý chọn theo nghề cơ khí.

“Em thấy ngành cơ khí phù hợp và khi ra trường thì cơ hội việc làm cũng nhiều bởi rất nhiều công ty đăng tuyển dụng. Vì trường cũng có chương trình xuất khẩu lao động nên mong muốn của em là nếu được sau này có thể đi xuất khẩu lao động, nhưng trước tiên phải có tay nghề đã”.

{keywords}
Nhiều học sinh miền núi ở Huế bỏ đi rừng để học nghề

Còn Nguyễn Đức Nhân (sinh năm 2002) tốt nghiệp xong THCS, hiểu rõ khả năng của bản thân, em quyết đi học nghề luôn để kiếm việc làm.

“Em quyết định không học lên THPT nữa để tiết kiệm thời gian.  Giờ vào học nghề sau này ra làm còn trẻ khỏe và có được tay nghề sớm hơn”, Nhân nói.

Em chọn nghề cơ khí theo sở thích và nhu cầu thực tế của địa phương và mong muốn ra trường có bằng tốt để đi làm.

Không giống như Quý và Nhân, sau khi học xong lớp 9, Hồ Văn Hiếu (sinh năm 2000, huyện A Lưới) từng trải qua nhiều công việc khác nhau, từ đi rừng vác keo đến làm thuê ở nhà hàng kiếm tiền. Nhưng làm khoảng 1 tuần vác keo, Hiếu cảm nhận rõ công việc vất vả khi đôi vai em đau ê ẩm sau những giờ làm.

2 năm lông bông với nghề nghiệp không ổn định, Hiếu quyết định học nghề cơ khí tại Trường CĐ nghề Thừa Thiên Huế.

“Em tính đi học nghề thì mình sẽ có công ăn việc làm ổn định để có thể chăm sóc cho gia đình. Thấy nghề Cơ khí hàn, nhiều anh đi trước kiếm được tiền khá tốt và nhiều cơ hội việc làm ổn định nên em quyết theo học. Kể cả sau này không xin được vào công ty thì khi đã có nghề trong tay rồi mình không phải lo chuyện mưu sinh nữa”

Gia đình Hiếu thuộc diện khó khăn khi bố mẹ không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập chủ yếu chỉ nhìn vào nghề nông. Đã vậy, mẹ em còn mắc ung thư, bố thì nhiều năm đau lưng do tuổi già. Song may mắn cho Hiếu cũng như nhiều học sinh miền núi, con em dân tộc thiểu số là khi đi học nghề được miễn giảm học phí, phần nào bớt áp lực về kinh tế.

“Đi học nghề mình được miễn học phí, được bao ăn và chỗ ở. Nhà trường cũng hỗ trợ tiền học bổng nữa nên giúp em cũng như các bạn có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện để được đi học nghề thế này”.

Ở các vùng miền núi, điều kiện học tập cũng như năng lực của học sinh còn hạn chế. Để định hướng nghề nghiệp, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề như CĐ nghề Thừa Thiên Huế đã phải trực tiếp xuống tận các trường phổ thông làm công tác hướng nghiệp, giúp học sinh chọn con đường phù hợp với bản thân hơn như vào học nghề. Cách làm này đã tạo hiệu quả khi nhiều học sinh đã chọn học nghề ngay sau khi học xong lớp 9.

Em Lê Thị Huỳnh Như chia sẻ: “Tốt nghiệp THCS xong em chọn vào đây học luôn bởi đây là một môi trường mà khi mình học xong nghề thì cũng có cả bằng tốt nghiệp lớp 12 và lúc đó có thể đi làm luôn. Hơn nữa trường cũng có nhiều chương trình và cơ hội xuất khẩu lao động,...”

{keywords}
 

Nhờ làm tốt công tác hướng nghiệp mà theo thầy Trần Văn Hà, Trưởng khoa Cơ khí, Trường CĐ nghề Thừa Thiên Huế, số lượng học sinh các huyện miền núi chọn trường nghề gia tăng đáng kể trong những năm gần đây.

“Hai năm vừa rồi, số học viên người dân tộc thiểu số về đây học khá đông. Điều này nhờ chính sách của nhà nước trong hỗ trợ chế độ ăn ở cho các em. Thứ hai nữa là các em cũng xác định được hướng học nghề để lập nghiệp. Ở miền núi thường khi học xong lớp 9 các em có xu hướng đi làm để kiếm thu nhập ngày nào biết ngày đó. Về đây học thì các em đã xác định được học để sau này có nghề ổn định nên có tư tưởng tốt”, thầy Hà nói.

Theo thầy Hà, Cơ khí là một trong những ngành của nhà trường có số học sinh đông nhất. Bởi cũng xuất phát từ thực tế các em khi ra trường có công việc ổn định và thu nhập tương đối cao. Hiện tại học viên trường đi thực tập ở doanh nghiệp đã được từ 4-5 triệu đồng/tháng và sau khi ra trường gần như được doanh nghiệp nhận hết.

Theo thầy Hà, không chỉ đảm bảo chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo đúng quy định của nhà nước, việc cam kết đảm bảo đầu ra cho học viên sau khi tốt nghiệp cũng là yếu tố thu hút các em lựa chọn học nghề.

“Trường luôn có nhiều các doanh nghiệp đến để đăng ký tuyển dụng. Bây giờ học sinh của mình ra trường lương khởi điểm có thể đạt được khoảng 7 triệu đồng. Chương trình đào tạo của nhà trường chủ yếu là thực hành, chiếm đến 70%, chủ yếu là rèn kỹ năng, tác phong công nghiệp, thái độ, còn lý thuyết rất ít. Nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến tác phong, thái độ làm việc để sau khi ra trường các em sớm tiệm cận được công việc…”

Ông Trần Nam Lực, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để giữ được chất lượng, doanh nghiệp đánh giá cao, từ đó tạo được thương hiệu và phần lớn người học ra có việc làm, lương cao thì ngoài nhu cầu của người học, trường phải đánh giá thị trường, điều chỉnh ngành nghề tuyển sinh sao cho phù hợp. Bên cạnh đó phải chủ động đưa thông tin tuyển sinh của trường tới tận người học chứ không chỉ phụ thuộc vào các kênh truyền thông.

Hải Nguyên

Những nghề đang "khát" lao động

Những nghề đang "khát" lao động

- Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội) cho hay thực tế có những nghề cả trong và ngoài nước đều thiếu nhân lực, thu nhập cao song ít học viên theo học.