Sau gần 10 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, thống kê từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH, tính tới hết tháng 9/2019 đã có trên 9,2 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ.

Trong đó có 5,3 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp (đào tạo dưới 3 tháng). Dự kiến từ nay tới hết năm 2019 sẽ có thêm 400.000 lao động nông thôn được đào tạo, tiến gần tới mục tiêu 11 triệu người mà đề án đặt ra.

{keywords}
(Ảnh: Lê Anh Dũng)

Dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng thừa nhận việc thực hiện đề án còn nhiều hạn chế như kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước.

Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là danh mục nghề nông nghiệp ở một số địa phương vẫn còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp dẫn đến hiệu quả sau học nghề không cao.

Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn.

Nhiều thiết bị đào tạo đã cũ, lỗi thời, không phù hợp với yêu cầu đào tạo do việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị tập trung vào những năm đầu thực hiện đề án (2010 - 2013) dẫn tới các năm về sau hầu như không được hỗ trợ đầu tư để bổ sung trang thiết bị giảng dạy.

Ngoài ra chưa có nhiều mô hình đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Việc nhân rộng những mô hình này còn hạn chế do khó khan về vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm…Có nơi, ngành nghề đào tạo chưa thực sự phù hợp, còn hình thức, hiệu quả chưa cao….

Cần nhìn thẳng vào thực tế, tuy dồi dào về số lượng nhưng lao động nông thôn cơ bản là lao động phổ thông. Do không được đào tạo bài bản người lao động không những thiếu kiến thức, kỹ năng mà đặc biệt là thái độ làm việc. Trong khi đó, các chương trình đào tạo cho lao động nông thôn chỉ trong thời gian 3-6 tháng là không thể lấp đầy những yêu cầu đặt ra.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, phòng tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, để nâng cao chất lượng lao động nông thôn thì yếu tố quan trọng là tăng cường rèn luyện các kỹ năng và thái độ cho đội ngũ lao động.

Trong đó, việc đầu tiên là đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương cần thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách về phát triển tam nông, nhưng hiện chưa xây dựng được quy hoạch vùng sản xuất theo quy mô cấp xã như mục tiêu đề ra.

{keywords}
(Ảnh: Lê Anh Dũng)

Thứ hai, muốn nâng cao chất lượng cho lao động cần có sự phối hợp sự phối hợp sâu sát giữa các sở, ngành nhưng hiện mới chỉ dừng lại ở sự phối hợp nên thiếu cụ thể. Ở nhiều địa phương, một số ngành chưa thực sự vào cuộc, trong khi năng lực một số cơ sở dạy nghề còn hạn chế.

Ông Tài cho rằng, việc tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn phải gắn kết với doanh nghiệp theo nguyên tắc dạy theo nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu thị trường lao động. Cụ thể đó là dạy nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của người sử dụng lao động vẫn còn bất cập. Như vậy địa phương sẽ phải phối hợp với các đơn vị viện trường, trung tâm hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp và các chủ doanh nghiệp lập nghiệp tại địa phương về những kỹ năng, thái độ của lao động trong chính doanh nghiệp mình. Trong quá trình thực hiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

"Ngoài việc dạy kỹ năng thì cần phải chú ý tới yếu tố con người như thái độ. Muốn như vậy phải thực hiện tiêu chuẩn như 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) tại đại phương từ đó hình thành thói quen và tác phong từ những việc nhỏ nhất trong công việc cho người lao động. Để nâng cao thái độ của lao động của lao động nông thôn cần phải trải qua quá trình đào tạo về mặt chuyên môn, kỹ năng cho đúng đối tượng thật sự cần sự hỗ trợ. Bởi thái độ không thể một sớm một chiều có thể đào tạo được"- ông Tài nói.

Ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, nhìn nhận rèn luyện kỹ năng cho lao động nông thôn chỉ cần 3 tới 6 tháng tùy theo ngành nghề nhưng để nâng cao thái độ là rất khó.

Ông Lý cho rằng hiện nay đào tạo lao động nông thôn chủ yếu là các lớp ngắn hạn trong thời gian 3 tháng hoặc 6 tháng (sơ cấp). Những lớp này mới chỉ đủ thời gian để trang bị kỹ năng, do vậy việc đào tạo thái độ vẫn là không thể.

"Cần phải thắng thẳn rằng thái độ làm việc của lao động nông thôn còn kém. Nếu trong 3 tháng hoặc 6 tháng vừa rèn luyện kỹ năng vừa rèn luyện con người là rất khó bởi thái độ là cả quá trình lớn lên do vậy cần đào tạo dài hạn".

Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM đề xuất, để đào tạo thái độ cho lao động nông thôn cần thực hiện khi còn là học sinh ở các trường ở quê. Sau này họ lên thành phố học rồi về nông thôn làm việc hoặc sẽ học tại các lớp mở ở nông thôn thái độ đã được hình thành nền tảng. Trong quá trình này gia đình kết hợp cùng nhà trường uốn nắn các em từ cách cư xử tới định hướng nghề nghiệp.

"Đối với đào tạo dài hạn như hệ CĐ, ngoài kỹ năng, học thuật nghề nghiệp các trường đều chú ý đào tạo yếu tố con người. Chúng tôi xác định những tiêu chí hình thành nhân cách con người và đưa vào quá trình đào tạo, thông qua các hoạt động nhóm, hoạt động tiếp xúc với thầy cô và sinh viên, hiệu trưởng với sinh viên để hình thành nhân cách các em"- ông Lý nói.

Ông Lý cho rằng hạn chế hiện nay là phần lớn doanh nghiệp còn tư tưởng xin cho, ban ơn. "Cụ thể họ nghĩ rằng nhà trường tới doanh nghiệp xin thực tập nên sử dụng lao động kiểu ban ơn mà quên rằng nhà trường đào tạo ra sản phẩm có chất lượng và họ được sử dụng miễn phí".

Tuy nhiên theo ông Lý, điều khả quan là đã bắt đầu hình thành 1 loại doanh nghiệp cần có nhân sự để sống. Những doanh nghiệp này có chiến lược rõ ràng, nên liên hệ các trường đặt hàng, phối hợp đào tạo để sau 2-3 năm có người sử dụng.

L.Huyền