Tăng trưởng số lượng trường đại học: Cán đích sớm

Năm 2013, Chính phủ ban hành Quyết định 37 về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, giai đoạn 2006-2020 với mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 460 trường đại học và cao đẳng (224 trường đại học và 236 trường cao đẳng).

Con số này đã "cán đích sớm". Năm 2018, cả nước đã có 236 trường đại học, học viện (không tính các trường thuộc khối an ninh- quốc phòng), theo số liệu theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của TƯ Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

{keywords}
Sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) (Ảnh: Thanh Tùng)


Trong số này, một số trường đại học được tổ thức theo mô hình "đại học", trực thuộc 2 đại học quốc gia HN, TP.HCM và 3 đại học vùng: Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng. Các trường đại học hầu như đều thuộc một cơ quan chủ quản là các bộ, ngành, đoàn thể...

Đại học có trước, luật bước theo sau

Theo quy định mới nhất ở Điều 7, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018, cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm đại học, trường đại học và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, sự khác biệt về đại học và trường đại học không chỉ là tên gọi mà còn đi kèm theo là cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Ông cho biết, khi các ĐH quốc gia ra đời cách đây hơn 20 năm đã có sự tranh luận về vấn đề này. Cuộc tranh luận này tiếp tục kéo dài đến nay.

"Đầu những năm 90 thế kỷ trước, Nghị quyết 05 của Hội nghị lần thứ 4 của Trung ương Đảng khóa 7 (tháng 6/1993) đặt ra một số nhiệm vụ trong đó có "xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia", "xây dựng một số cơ sở mạnh đảm nhận các nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm", và "xây dựng các trung tâm khoa học vùng". 
Để hiện thực hóa các nhiệm vụ này, các đại học quốc giađại học vùng (không có chữ trường trước cụm từ đại học) đã lần lượt được thành lập từ cuối năm 1993 trên cơ sở "tổ chức, sắp xếp lại" các trường đại học đã có".

Từ năm 1994 đến 1997 các cơ sở đại học trên đã ra đời, nhưng mãi đến năm 2009 tên gọi "đại học" mới chính thức được "luật hoá" trong Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung cho Luật Giáo dục 2005.

"Cụ thể, tại điều 42 khoản b quy định các cơ sở giáo dục đại học bao gồm đại học, trường đại học, học viện, nhưng oái ăm thay ngay sau định nghĩa này lại quy định gọi chung là trường đại học"- ông Nghĩa nói.

Đến năm 2012, Luật Giáo dục đại học ra đời quy định rõ hơn các khái niệm, mô hình và cơ chế hoạt động của các đại học quốc gia, đại học vùng. Cụ thể tại điều 7 khoản c của luật này đã chính thức đưa ĐH quốc gia, ĐH vùng vào hệ thống giáo dục quốc dân và cũng quy định gọi chung là đại học (không còn chữ trường ở trước). Đặc biệt, có hẳn riêng điều 8 nói về đại học quốc gia với cơ chế hoàn toàn khác với việc bổ nhiệm lãnh đạo của các đại học vùng và các trường đại học.

Cho đến năm 2018, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi bổ sung 2018 (Luật số 34)  vẫn giữ điều 8 quy định riêng cho đại học quốc gia; đồng thời đưa thêm nhiều định nghĩa và giải thích rất chi tiết cho các vấn đề đang tranh cãi như đại học, trường đại học, học viện, đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc, thậm chí cả khái niệm trường trong trường đại học (điều 4). Luật mới này có hiệu lực từ 1/7/2019, các văn bản hướng dẫn thực thi đang được hoàn thiện.

Sẽ có thêm nhiều đại học

Đây là điều có thể thấy trước bởi việc sửa luật giáo dục đại học sẽ mở đường cho chuyển đổi mô hình trường đại học, nhất là trong bối cảnh các nhà làm chính sách đang nỗ lực tháo gỡ cơ chế "bộ chủ quản" với mục tiêu tăng tự chủ đại học.

Theo giải thích của Bộ GD-ĐT, các đơn vị trong trường ĐH khi chuyển thành ĐH phải có năng lực tự chủ cao hơn, năng lực quản trị, quản lý của cả trường và từng đơn vị phải tốt và hiệu quả hơn. Về nguyên tắc sau khi chuyển đổi chất lượng đào tạo của toàn "đại học" phải được nâng cao trên cơ sở phát huy nguồn lực dùng chung của để đào tạo và nghiên cứu liên ngành; đủ để thực hiện sứ mệnh của ĐH là giải quyết những nhiệm vụ lớn để phục vụ cộng đồng, vùng và đất nước… Hiện nay, nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện luật mới này đang tiến hành những thủ tục cuối cùng để ban hành.

Tại Hà Nội, có trường đại học quy mô đào tạo lớn và tuổi đời hơn nửa thế kỷ đã thành lập, nâng cấp các phòng phòng, khoa thành viện để đón đầu sự chuyển đổi này. Ở TP.HCM Trường ĐH Y dược TP.HCM đã xây dựng đề án phát triển từ "trường" lên "đại học" từ 1 năm nay. 

{keywords}
Hiện nay có những trường ĐH nhưng không để tên "trường" ở biển hiệu (dù trong con dấu có chữ "trường"-ĐH Bách khoa Hà Nội.

 

Trường ĐH Nông lâm TP.HCM (1 cơ sở chính ở TP.HCM và 2 phân hiệu Gia Lai, Ninh Thuận) cũng đã vạch ra định hướng chiến lược phát triển lâu dài theo các giai đoạn khác nhau.

Ông Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay, dự tính bộ máy tổ chức của trường được sắp xếp lại theo hướng 3 cấp gồm trường ĐH/University - College - bộ môn/ Department, để tăng cường chủ động của các đơn vị, tăng hiệu quả và chất lượng đào tạo nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Mục tiêu của trường là trở thành đại học với 4 trường thành viên (college) gồm: Trường nông nghiệp (College of agriculture), Trường công nghệ (College of technology), Trường kinh tế và phát triển (College of economics and development), Trường khoa học (College of science). Ngoài ra, còn có Viện Sau ĐH (College of graduate) Trung tâm đào tạo quốc tế và nghiên cứu công nghệ cao (School of international training and advanced technology research).

Trường ĐH Khoa học Khoa học xã hội và Nhân văn, một cơ sở thành viên của ĐH quốc gia TP.HCM thậm chí còn trình đề án nâng cấp 2 khoa Giáo dục và Ngoại ngữ thành Trường Giáo dục và Trường ngoại ngữ; theo kiểu "trường trong trường trong đại học". 

Ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho hay, từ năm 2007 đã chọn "đi theo con đường đại học nghiên cứu" và theo huớng này thì sẽ không còn "trường" mà sẽ là "đại học".

"Dứt khoát phải đổi tên trường đại học thành đại học, và trong đại học sẽ có trường nhóm ngành (college) và trường đơn ngành (school)", ông Danh khẳng định.

Ông Danh cho rằng, Luật và Nghị định 73 đã quy định việc phân tầng cơ sở giáo dục đại học thì cứ vậy mà thực hiện, nhưng khi làm sẽ có nhiều vấn đề phải lưu tâm.

Đầu tiên, cần biết là nước ngoài không phân tầng cơ sở giáo dục đại học theo cách hành chính, cơ học mà chủ yếu dùng chính sách tài chính hay đầu tư nhà nước để định hướng cho các cơ sở giáo dục đại học chọn đường phát triển theo ý đồ của Nhà nước.

Như vậy, chính sách phân tầng cần phải mềm dẻo và sử dụng đầu tư nhà nước như công cụ chính, chứ không nên máy móc hoặc hành chính hóa nhiều".

Thứ hai, trong quá trình phân tầng, một số quốc gia như Pháp, Hà Lan, châu Á chủ yếu dùng đầu tư của Nhà nước và chính sách miễn học phí để thu hút các đại học tự nguyện đi theo; cũng như tạo điều kiện cho đại học có thể thu hút đủ người học".

Bên cạnh đó, còn tùy theo nhu cầu của thị trường nhân lực mà quyết định phát triển theo con đường đại học nhóm nào.

"Cũng lưu ý rằng ngay cả đại học nghiên cứu vẫn có các school hoặc college đi theo con đường khoa học ứng dụng và có đơn vị đi theo hướng đào tạo nghề nghiệp. MIT là đại học nghiên cứu lừng danh, mỗi năm công bố một khối lượng công trình nghiên cứu trên ISI gấp nhiều lần số lượng công bố của cả Việt Nam, nhưng vẫn có ngành đào tạo Kỹ sư nấu bếp. Không có đại học nào 100% là đại học nghiên cứu hoặc 100% là đại học khoa học ứng dụng mà không đào tạo tiến sĩ và làm nghiên cứu".- ông Danh nói.

Trường nào cũng muốn lên, cái danh còn ý nghĩa?

Theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, mô hình hệ thống giáo dục đại học chia thành 3 cấp: đại học, trong đại học có trường đại học, trong trường đại học có trường... là rối rắm.

"Những đại học hiện tại  như đại học quốc gia vừa có khoa trực thuộc trường đại học, vừa có khoa trực thuộc đại học. Khoa thuộc đại học thì không có con dấu, khi người học tốt nghiệp sẽ do đại học cấp bằng. Tức là đại học cũng cấp bằng, trường đại học cũng cấp bằng. Chưa kể, đại học vừa quản lý khoa như một trường đại học, và vừa quản lý trường ĐH như một đơn vị chủ quản".

Ông Tùng cho hay khi trường đại học nâng cấp lên đại học thì các trưởng khoa sẽ có cơ hội nâng cấp thành các hiệu trưởng, và hiệu trưởng thì có thể thành giám đốc, tuy nhiên việc thay đổi chức danh không quan trọng bằng thay đổi chất lượng. 

"Theo luật cũ, đại học là tập hợp các trường đã có. Còn theo luật mới, đại học có thể do nhiều trường gộp lại; cũng có thể một trường đại học tái tổ chức các khoa thành các trường và nâng cấp lên; kể cả trường công hay tư. Câu hỏi đặt ra là chuyển thành đại học sẽ mang lại lợi ích gì cho người học. Hiện nay, dường như nhiều trường muốn chuyển thành đại học và cho rằng như vậy là lớn hơn. Nhưng cái tên không quyết định việc lớn hay nhỏ.  E rằng khi có nhiều ĐH ra đời thì chữ ĐH cũng không còn ý nghĩa nhiều nữa - ông Tùng nhìn nhận.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhìn nhận, các trường ĐH Việt Nam đa phần là trường đơn ngành, theo mô hình của Liên Xô cũ nên không thể phát triển theo hướng xuyên ngành, đa ngành trong kỷ nguyên số. Trường đơn ngành đã không còn phù hợp nên không thể đáp ứng nhu cầu nhân lực hiện nay và tương lai. Trong khi việc chuyển đổi đơn ngành sang đa ngành ở Liên Xô và Trung Quốc thực hiện bằng cách sáp nhập nhiều trường đại học thành đại học thì ở Việt Nam lại làm ngược là kêu gọi thành lập "trường trong trường" để "lên đại học".

Ông Dũng khẳng định, xu thế quản trị đại học là sẻ chia, do vậy có thể các trường đơn ngành sẽ ghép lại với nhau thành đại học. 

Lê Huyền

Đổi tên, sắp xếp các trường y ra sao?

Đổi tên, sắp xếp các trường y ra sao?

- Sắp xếp lại hệ thống các trường y của Việt Nam tương đối khó khăn nhưng cần thiết để hội nhập quốc tế, việc này cần sự đồng thuận giữa Bộ GD-ĐT, Bộ y tế và cơ quan chủ quản trực tiếp.