Ngày 15/11, tại Hội thảo "Thực trạng và giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp và người đào tạo doanh nghiệp" nằm trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân nhấn mạnh, giáo dục nghề nghiệp đang thay đổi, nhưng muốn đổi mới chỉ có nhờ doanh nghiệp.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân

Ông Quân cho rằng, việc đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội là khâu đột phá. Mọi giải pháp từ nâng cao chất lượng, đẩy mạnh tự chủ trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp chung quy lại đều nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Muốn vậy, phải có sự tham gia của doanh nghiệp.

"Không một quốc gia nào trên thế giới có thể đào tạo ra những con người khi ở trong trường đã có khả năng làm được ngay những việc doanh nghiệp cần mà không có sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đó", thứ trưởng Lê Quân nói.

Chính sự hợp tác với nhà trường đã giúp doanh nghiệp xác định được nhu cầu, từ đó giúp doanh nghiệp hợp tác với nhà trường để thiết kế chương trình đào tạo; phối hợp tìm kiếm ứng viên vào học đáp ứng yêu cầu đào tạo; tham gia sâu vào quá trình đào tạo.

Nhờ vậy doanh nghiệp sẽ xử lý được bài toán có lao động sớm và đáp ứng ngay nguồn nhân lực thỏa mãn đầy đủ yêu cầu.

Ông Quân nhấn mạnh, việc dạy nghề khác với giáo dục đại học. Giáo dục đại học tập trung vào việc đào tạo ra những con người có khả năng phân tích, tổng hợp, có tư duy để đổi mới sáng tạo và giải quyết các vấn đề. Sinh viên tốt nghiệp đại học thường phải mất một thời gian để hội nhập, thử việc và qua vài năm mới có thể giải quyết được bài toán thực tiến phát sinh.

Trong khi đó, giáo dục nghề nghiệp lại tập trung vào việc cung ứng nhân lực mà doanh nghiệp đang cần. Do đó, quá trình này tập trung nhiều hơn về đào tạo kỹ năng.

“Như vậy, so với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có một lợi thế rất lớn trong hợp tác với doanh nghiệp. Chỉ có hợp tác với trường nghề doanh nghiệp mới có nhân lực để giải quyết được bài toán này”, ông Quân nói.

Đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cho hay, tiến tới phải chấm dứt tình trạng doanh nghiệp không hài lòng, kêu ca về chất lượng đào tạo của trường nghề. Doanh nghiệp cần xác định việc phát triển nguồn nhân lực là trách nhiệm và cũng là quyền lợi của doanh nghiệp.

"Chỉ có chủ động, doanh nghiệp mới có con người. Chủ động đến và hợp tác với trường nghề để chuẩn bị nguồn lực cho mình, chỉ có khi ấy doanh nghiệp mới hài lòng. Còn nếu doanh nghiệp chỉ đứng ngoài để tuyển dụng lao động thì sẽ gặp rất khó khăn, thậm chí là không tuyển dụng được", thứ trưởng Lê Quân nói.

Về phía nhà trường nghề, ông Quân cho rằng, thời gian tới nếu nhà trường không hợp tác với doanh nghiệp thì trường nghề sẽ không sống và không phát triển được. Trường nghề không thể mãi trông chờ vào nguồn lực đến từ ngân sách nhà nước được.

“Chỉ khi nhà trường và doanh nghiệp cùng có động lực và cùng có áp lực thì mới có thể bắt tay vào làm việc và làm có hiệu quả được. Ngoài ra, không thể có một hợp tác trên giấy mang tính hình thức được. Hợp tác phải gắn với lợi ích. Nếu không giải quyết được bài toán lợi ích thì sẽ không có hợp tác thực chất”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân khẳng định.

Trường Giang

Triển lãm các thiết bị giáo dục kết hợp giữa các doanh nghiệp và trường dạy nghê

Triển lãm các thiết bị giáo dục kết hợp giữa các doanh nghiệp và trường dạy nghê

Nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn quốc gia nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, triển lãm ảnh và thiết bị đào tạo giáo dục nghề nghiệp đang được trưng bày tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam, Mỹ Đình, Hà Nội.