Cách đây 5 năm, Trần Thanh Mai (Nam Định) từng thi đỗ vào khoa Kế toán của một trường đại học tại Hà Nội. Nhưng cô quyết tâm bỏ giữa chừng vì cảm thấy không phù hợp để rẽ hướng sang ngành nghề mà mình yêu thích.

“Thi đại học mình được 17,5 điểm. Bố mẹ khi ấy rất muốn mình theo Kế toán vì cho rằng học ngành này đỡ lo bị thất nghiệp. Nhưng sau một năm, mình cảm thấy không thích thú với môi trường này. Việc phải vùi đầu vào đống kiến thức đại cương không liên quan gì đến công việc khiến mình thấy nhàm chán và mệt mỏi”.

Nhiều lần, Mai tâm sự và xin mẹ cho theo học ngành Quản trị khách sạn tại một trường cao đẳng. Suy nghĩ của Mai ngay lập tức bị phản đối vì “học đại học mới dễ xin việc”, “kém cỏi mới phải học cao đẳng”.

Nhớ lại, Mai kể rằng đó là quãng thời gian “thực sự chán nản”.

“Mình đi học chỉ để có mặt chứ không biết sau này ra trường sẽ làm gì. Suốt một năm cứ thế lặp lại, mình lên lớp ngủ rồi trở về nhà”.

{keywords}

Nhiều sinh viên thay vì chọn học đại học đã lựa chọn trường nghề

Sau một thời gian, gia đình nhận thấy không thể ép con làm cái mà mình không đam mê nên đã đồng ý cho Mai theo đuổi con đường riêng.

Ở môi trường mới, Mai liên tục tỏa sáng. Cô cũng xuất sắc vượt qua hàng trăm thí sinh để giành giải Nhì trong Kỳ thi tay nghề tại TP. Hà Nội.

“Còn vài tháng nữa mình sẽ tốt nghiệp, nhưng những gì học được từ trong trường đã giúp mình có mức thu nhập ổn định là gần 8 triệu/ tháng. Với mức lương này, mình có thể tự lo cho bản thân”, Mai chia sẻ.

Trong khi đó, Phạm Hồng Khang (27 tuổi), hiện đang theo học ngành Truyền thông đa phương tiện tại một trường cao đẳng ở Hà Nội kể: “Sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế, tôi ra trường và đã làm qua hai công ty về xây dựng. Tuy nhiên, sau thời gian làm việc tôi thấy môi trường ấy không thực sự phù hợp với mình.

Tôi cùng một người bạn đã chuyển sang kinh doanh thiết bị quay chụp cho đến bây giờ. Hiện tôi cũng đang học thêm kiến thức về truyền thông. Khi tham gia chương trình học này, tôi cảm thấy thích thú vì được tìm hiểu đúng lĩnh vực mình đam mê”.

Sau 4 năm học đại học và quay lại “vạch xuất phát”, Khang chưa từng thấy hối hận. “Có nhiều con đường để đi tới cái đích mà mình mong muốn. Tất nhiên, không thể phủ nhận tấm bằng đại học vẫn có vị trí nhất định trong xã hội hiện tại, nhưng nếu có đam mê, mình nên thử phá bỏ rào cản và làm thật tốt điều mình muốn. Chắc chắn rằng, nghề sẽ không phụ mình”.

{keywords}

Nhiều sinh viên khi học 1 – 2 năm tại trường đại học nhưng cảm thấy không phù hợp đã chuyển sang học cao đẳng.

Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, có nhiều sinh viên khi học 1 – 2 năm tại trường đại học nhưng cảm thấy không phù hợp đã chuyển sang học cao đẳng. Lý do là bởi chương trình học tại trường đại học quá nặng về lý thuyết, trong khi học nghề sẽ giúp các em có cơ hội thực hành nhiều hơn.

Gắn việc đào tạo với doanh nghiệp cũng là mục tiêu hàng đầu mà Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức hướng đến. Hàng năm, nhà trường luôn chú trọng triển khai “Học kỳ doanh nghiệp” nhằm giúp sinh viên có môi trường làm việc thực tế, vừa trải nghiệm, vừa tích lũy kinh nghiệm chuyên môn, rèn luyện các kỹ năng mềm và hiểu rõ hơn về công việc trong tương lai để có động lực phấn đấu.

Nhờ đó, nhiều sinh viên ngay khi ra trường đã được trang bị đầy đủ những yêu cầu mà các doanh nghiệp tuyển dụng đưa ra.

Xu hướng nhiều học sinh, sinh viên dịch chuyển sang học nghề, theo ông Mai Hồng Quý, Trưởng phòng nhân sự công ty dệt may QT, là điều tất yếu.

“Công ty chúng tôi chủ yếu tuyển dụng nhân sự từ các trường nghề. Qua thực tế tuyển dụng, chúng tôi nhận thấy, nhiều sinh viên đại học khi mới ra trường ứng tuyển vào các vị trí việc làm tại công ty thường đòi hỏi chế độ đãi ngộ rất cao.

Cũng có nhiều ứng viên khi trực tiếp giải quyết công việc lại không thực sự đem lại hiệu quả, ví dụ quản lý công nhân nhưng kỹ năng quản lý và giao tiếp lại kém. Cho nên, việc nhiều người lựa chọn học nghề là do họ nhận thức được giá trị của những trải nghiệm và kỹ năng trong thực tiễn mà trường nghề trang bị cho các bạn”.

Trường Giang

Học sinh THCS đi học nghề đạt 30% mới đáp ứng yêu cầu thị trường

Học sinh THCS đi học nghề đạt 30% mới đáp ứng yêu cầu thị trường

 - “Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế đòi hỏi phải có nguồn nhân lực tay nghề cao. Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ học sinh sau THCS đi học nghề phải đạt ít nhất 30% thì mới đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động”.