Sẵn sàng “đầu tư”
Đây là ý kiến của độc giả Nguyễn Ngọc Luyến gửi về Vietnamnet. “Con tôi mà có năng lực đậu mấy trường top đó tôi cũng ráng bán đất, cày cuốc đầu tư cho con tới cùng”.
Anh Huỳnh Sơn cũng cho rằng học phí 100tr/năm là hợp lý đối với ngành đào tạo này.
Không phản đối, nhưng độc giả Nguyễn Văn Thái tính rằng đến năm cuối ngành Y (năm 6) học phí khoảng 100 triệu đồng/năm. “Với mức này, các gia đình cần phải vay ngân hàng để đóng học phí. Vì vậy, cần chính sách hỗ trợ sinh viên hơn nữa” – anh Thái đề xuất.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
“Nếu không có Nhà nước hỗ trợ thì không rẻ như bây giờ đâu ạ. E học Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch thấy một năm gần 30 triệu đồng là khá rẻ so với những gì mà trường mang lại...” – bạn Trung Anh cho biết.
Độc giả Phan Huê nhìn nhận Trường ĐH Y Dược TP.HCM làm vậy là đúng, vì cần tách bạch 2 thứ: Thứ nhất là thu học phí đầy đủ của sinh viên thì mới đào tạo. Và thứ hai là em nào không có khả năng thì tìm học ngành khác, hoặc học thật giỏi để lấy học bổng. Không thể bắt trường vừa đào tạo, lại vừa kiếm tiền học phí cho sinh viên được.
Độc giả Thuận Phát nhìn nhận vào đại học như đầu tư một nghề nghiệp cho mình, muốn học ngành nghề gì là do mình quyết định, không ai ép buộc.
"Ngân sách Nhà nước không thể nào bảo trợ mãi được, chúng ta có thể nhìn trường dân lập và so sánh. Theo nhìn nhận cá nhân, hiện bác sĩ giỏi làm việc tại TP.HCM đều có thu nhập tốt, thì so ra chi phí để đầu tư cho nghề vẫn còn quá thấp…" - độc giả này nhận định. Con nhà bình thường cũng khó mà theo học.
Không dám mơ mặc áo blouse?
Tuy nhiên, ý kiến đồng tình với mức học phí Trường ĐH Y Dược TP.HCM đưa ra chỉ là thiểu số so với những người “nhìn vào mà choáng”.
“Nhìn vào bảng học phí thôi cũng đủ choáng rồi chứ nói gì đến vào học. Chắc chỉ có các phụ huynh đang cho con học trường quốc tế mới có thể nuôi con học tiếp trường y” – bạn Đặng Nguyễn than thở.
Độc giả Nguyễn Tình cũng nhẩm tính: “Làm cả năm không đủ tiền cho con đi học”. Bạn Bàn Khánh cũng “Nhìn vào bảng học phí này thì đành ngậm ngùi động viên con ở nhà làm nông vậy thôi. Học phí này thì phụ huynh vẽ đâu ra để cho con theo học nổi đây”.
Độc giả Lê Văn Binh cho rằng: “Tương lai những trường này chỉ thuộc về sinh viên con nhà giàu, con giáo viên như tôi có mơ cũng không dám”.
Độc giả Trần Hùng cảnh báo: “Các trường y đều có kế hoạch tăng học phí tương tự, con các gia đình nghèo làm sao có thể theo học. Cứ đà này sau 6-10 năm nữa, Việt Nam lại thiếu trầm trọng nhân viên y tế, chắc những ai đang công tác phải kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 80 tuổi".
“Còn cơ hội nào cho sinh viên nghèo?” – bạn Hồng Vân đặt câu hỏi. “Mỗi năm tăng 10% học phí. Tổng cộng 6 năm, một sinh viên mất 500 triệu tiền học phí chưa kể những khoản phụ thu khác. Tự chủ tài chính nhưng trường, cơ sở vật chất là của Nhà nước cơ mà?”.
Trong khi đó, chị Cao Thị Lệ Diễm bày tỏ “Với mức học phí như thế thì con chúng tôi là những người công nhân, nông dân, tiểu thương, công chức, viên chức, giáo viên... thì không có điều kiện vào học trường y, mặc dù con chúng tôi có năng lực và ước mong được vào trường”.
Còn độc giả Nguyễn Song Giang cho rằng “Với mức học phí này con em công nhân, nông dân không dám mơ mặc áo trắng blouse. Lương cha mẹ ba cọc, ba đồng, nào dám nộp đơn vào trường Y dù điểm có cao”.
“Y, Dược là ngành cứu người, học phí cao vậy ai dám học, ai sẽ là bác sĩ?” – bạn Nguyễn Phong lo ngại.
Cần có chính sách đặc thù
Trước mức học phí cao bất ngờ này, độc giả A Châu băn khoăn “Học phí đóng kiểu này không biết có bác sĩ nào ra trường mà còn giữ được "y đức " để hành nghề "cứu nhân độ thế" không nữa?”.
Độc giả Văn Minh nhìn nhận với mức lương bác sĩ như thế này, xác định học 7 năm, đi làm 15 năm mới trả hết nợ, chưa kể phải học lên rồi ăn gì, ở đâu... “Nếu dốc hết sức để tăng thu nhập liệu có còn thời gian trau dồi chuyên môn, có chăm sóc người bệnh chu đáo không...”?.
Độc giả tên Chiến chia sẻ “Là một bác sỹ công tác tại cơ quan đầu ngành của tỉnh, tôi không nói việc đầu tư để theo học ngành y nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi 37 tuổi mà lương được thực lĩnh là 5,1 triệu nên thiết nghĩ người dân nghèo tốt nhất không nên cho con theo ngành y”.
Còn anh Phạm Văn Thiên bi quan “Nhà nghèo, học giỏi, mơ ước làm bác sĩ, học phí cao, vay tiền theo đuổi ước mơ, ra trường, xin việc, thêm một, hai khoản nợ treo trên đầu… khó mà giữ được y đức”.
“Bởi vậy, nên có chính sách đặc thù cho ngành này, chứ không sẽ mất hết nhân tài” – bạn Tuấn Mai đề xuất. Một độc giả tên Tùng cũng cho rằng “Nhà trường phải công khai phương án hỗ trợ sinh viên nghèo, không để lãng phí thất thoát tài năng chỉ vì đồng tiền”.
Ngân Anh tổng hợp
Không thể đào tạo bác sĩ mà chỉ tốn hơn 1 triệu đồng/tháng
ĐH Y Dược TP.HCM lý giải với ngành Răng - Hàm - Mặt, chi phí đào tạo là hơn 100 triệu đồng/sinh viên/năm. Do vậy, với mức thu 70 triệu đồng/năm, nhà trường vẫn phải bù lỗ để sinh viên có thể theo học.