Vũ Ngọc Phương Nam (học sinh lớp 12A11 Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng) cũng giống như gần 1 triệu học sinh cuối cấp, đang trải qua những ngày đặc biệt.

Những tuần qua, học sinh THPT ở Hải Phòng như Nam liên tục đón nhận và thay đổi kế hoạch học tập vì những thông tin nghỉ học - đi học thay đổi liên tục. 

“Trong tuần, chúng em cũng chỉ học vào buổi sáng, mỗi buổi thường học khoảng 1 tiết mỗi môn. Do tình hình dịch bệnh nên buổi chiều chúng em được khuyến cáo không học phụ đạo thêm kiến thức tại trường".

Trường Nam triển khai việc học trực tuyến rất hiệu quả nhưng học sinh vẫn "thèm" những giờ làm việc với thầy cô trực tiếp để được hỏi đáp cặn kẽ hơn.

{keywords}
Học kỳ vất vả của những học sinh cuối cấp. Ảnh minh họa.

Nam có nhóm học tập trên Facebook và thừa nhận mình là người rất tích cực trong việc học trực tuyến chưa bỏ sót một buổi nào.

“Chúng em làm bài rồi đưa lên mạng cho cô chấm, sau đó cô đưa đáp án. Có gì không hiểu, chúng em đăng câu hỏi lên nhóm, giáo viên sẽ vào bình luận ở dưới".

Nam có thể học qua sách vở ở nhà nhưng theo em vẫn rất cần sự giúp đỡ của các thầy cô.

Đặt mục tiêu vào Trường ĐH Y Hà Nội, Nguyễn Duy Hưng (học sinh lớp 12A3 Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng bồn chồn khi dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội có dấu hiệu bùng phát.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Hưng cho hay đây là một học kỳ rất khó khăn với bản thân em bởi phải ôn thi trong tâm thế vừa học vừa lo chống dịch.

Trước đây, khi dịch bệnh không quá phức tạp trên địa bàn, em có thể đi học thêm và trao đổi trực tiếp với thầy cô. Mấy ngày gần đây em chỉ ở trong nhà và hạn chế không ra bên ngoài, do đó đã hủy hết việc học thêm và chuyển sang học trực tuyến”, Hưng kể.

“Mới đây, các thầy cô cũng đã triển khai dạy học trực tuyến và tổ chức chương trình ôn luyện cho học sinh cuối cấp trên sóng truyền hình nên phần nào giúp chúng em giải tỏa được sự lo lắng".  

Với Nguyễn Hoàng Ngân (học sinh lớp 12NS4 Trường THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội) ngoài việc tập trung ôn thi, còn phải để ý đến các thông tin về tình hình và cách phòng dịch.

Ngân đã lên thời gian biểu ôn tập cho 2 tuần một để tránh bị động. Ở nhà, Ngân tự luyện đề và tự ôn thi nhưng không thể đẩy tiến trình học lên bởi các giáo viên ở trường không tổ chức dạy trực tuyến bài mới mà chỉ giao bài ôn tập. “Vậy nên chúng em sẽ bị chậm so với chương trình học chung của các bạn ở một số tỉnh khác”, Ngân nói.

Không chỉ với ở những môn xét tuyển đại học, Ngân cũng lo ảnh hưởng đến kết quả xét tốt nghiệp THPT. Vì vậy, em lên mạng để xem những bài giảng của các giáo viên từ các năm trước để biết và nắm kiến thức trước. “Như vậy đến khi đi học em sẽ ôn lại kiến thức, như là một lần tự học”.

Với nhiều người bạn khác của Ngân, thì đợt nghỉ này lại là cơ hội tự ôn tập của chính mình, khoảng thời gian quý báu để lấp đầy những lỗ hổng kiến thức chưa chắc chắn.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), cho hay tính tới thời điểm hiện tại học sinh lớp 12 mới được học 1-2 tuần đầu của học kỳ 2. Trong khi đó, thời gian nghỉ cả Tết Nguyên đán và dịch bệnh cho tới nay nên đã kéo dài hơn một tháng và cũng chưa thể biết chính xác ngày quay lại trường.

Trước mắt, ông Phú cho hay khi đi học lại sẽ phải theo kế hoạch của Sở GD- ĐT, đồng thời trường phải tăng cường phụ đạo thêm cho các em một số buổi. Trong đó phụ đạo cho học sinh yếu để có đủ kiến phức, còn các em khác là theo năng lực và định hướng riêng.

Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức ôn luyện qua truyền hình cho học sinh cuối cấp. Chương trình dạy học trên truyền hình trước đó được phát sóng định kỳ trong tuần, ở tất cả các khối lớp và môn học. Hiện chương trình được phát sóng với mật độ dày hơn, tập trung cho học sinh cuối cấp là lớp 9 và lớp 12 nhưng chỉ hệ thống hoá kiến thức, ôn lại kiến thức cũ.

Bắt đầu từ ngày 9/3, nhằm phục vụ cho các em học sinh cuối cấp ôn luyện kiến thức khi phải nghỉ học kéo dài vì Covid-19, Đài truyền hình Hà Nội phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức dạy học qua truyền hình. Chương trình có tên “Học trên truyền hình”, có mục đích giúp học sinh lớp 9 và lớp 12 nắm bắt đầy đủ kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 và tốt nghiệp trung học phổ thông. Sẽ có 12 môn học được phát sóng, mỗi môn kéo dài trong 30 phút. Nam Định cũng là địa phương sớm triển khai việc dạy học trên truyền hình...

Tuy nhiên, những giải pháp này chưa thực sự trấn an được học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Vì vậy, ông Phú bày tỏ hy vọng thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ linh hoạt hơn trong kế hoạch năm học và linh động hình thức thi THPT, để dù có xảy ra dịch bệnh như hiện nay học sinh không bị áp lực về chuyện học hành, thi cử.

Thanh Hùng - Lê Huyền

Dịch Covid-19 có ảnh hưởng tới kỳ thi THPT quốc gia 2020?

Dịch Covid-19 có ảnh hưởng tới kỳ thi THPT quốc gia 2020?

- Việc nghỉ học dài ngày phòng dịch Covid-19 khiến lịch thi THPT quốc gia năm 2020 phải lùi so với năm ngoái và được tổ chức từ ngày 23 đến 26/7.