Trong phần tiếp theo của bàn tròn gắn kết doanh nghiệp với trường đại học, các khách mời chia sẻ về những động lực để gắn kết hai bên lại với nhau.
Bàn tròn trực tuyến với chủ đề "Gắn kết doanh nghiệp và trường đại học", do Bộ GD-ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng báo VietNamNet tổ chức có sự tham gia của các khách mời: GS.TSKH Hồ Đắc Lộc – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Ông Vũ Minh Trí – Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam. PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ông Phí Ngọc Trịnh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Hồ Gươm. |
Định nghĩa lại "chất lượng giáo dục đại học"
Nhà báo Phạm Huyền:
Đào tạo gắn với DN là yêu cầu đã được nêu ra từ lâu nhưng đến nay mới chủ yếu "trên giấy" và triển khai nhỏ lẻ, tự phát. Tôi vừa đọc được câu chuyện của một vị tiến sĩ đang công tác ở Nhật, anh kể rằng gặp bạn tốt nghiệp khoa Đầu tư một trường đại học ở phía Nam nhưng lại phải sang Nhật làm công nhân ở một khâu rất đơn giản. Rõ ràng phải có điểm nghẽn nào đó khiến cho một cử nhân ĐH nhưng phải đi làm công nhân ở nước bạn?
Ông Hồ Đắc Lộc: Chúng ta nên nhìn vấn đề tương đối tổng thể hơn là một trường hợp cụ thể.
Thực tế cho thấy, nhân lực lao động, thị trường lao động biến đổi liên tục.Trong trường hợp này, có thể bạn ấy có năng lực tốt nhưng muốn một trải nghiệm khác.
Thứ hai, như các DN đều nói đó là quan hệ thị trường: cá nhân được đào tạo ra có một số năng lực nhất định, nhưng họ tham gia vào thị trường lao động như thế nào tùy thuộc vào điều kiện cụ thể từng người, vào môi trường họ đang sinh sống, làm việc và nhiều yếu tố khác.
Tựu chung lại, nếu sự phân bố đó đều và tốt thì xã hội và các DN phát triển. Nếu sự phân bố không tốt, thì có chỗ lại thừa, không có việc, có chỗ lại thiếu. Tôi nghĩ đây là bài toán hết sức tổng thể về mặt xã hội.
Tôi hoàn toàn nhất trí với anh Trịnh về việc DN đặt hàng nhà trường đào tạo. Đó là một bài toán trên thực tiễn rất khó xảy ra, khó có hiệu quả. Nếu có chăng chỉ ở trong những nền kinh tế hết sức tập trung.
Xét về tổng thể, tôi vẫn nghĩ là để thị trường quyết định.
Nên để thị trường quyết định chuyện này bởi vì giáo dục bản chất là dịch vụ cung cấp nhân lực. Dịch vụ tốt thì thị trường chấp nhận, nếu thị trường không chấp nhận thì đương nhiên sản phẩm giáo dục cần phải xem lại.
Khách mời trao đổi trong buổi tọa đàm |
Nhà báo Phạm Huyền: TS Dũng suy nghĩ như thế nào về những khó khăn khi trường của ông sẽ phải cạnh tranh khi để thị trường quyết định như vậy?
Ông Đỗ Văn Dũng: Tất cả các trường đều đặt ra mục tiêu chất lượng lên hàng đầu, bởi vì yếu tố này quyết định sự tồn tại của nhà trường trong giai đoạn hiện nay.
Trước là chất lượng thầy, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, bây giờ thêm sự kết nối DN. Trước đây đa số các trường để công tác kết nối với DN ở Phòng Công tác Học sinh, sinh viên, giống như một công tác phục vụ SV. Nhưng hiện nay, công tác quan hệ DN đã vươn lên chuyên nghiệp hóa.
Ở các trường ĐH thường có Phòng Công tác Chính trị - Sinh viên. Ở trường tôi, cách đây 4 năm đã có Phòng Quan hệ DN.
Nhà báo Phạm Huyền: Mối quan hệ nhà trường - doanh nghiệp phải giải quyết thế nào, vì nhà trường thì có cảm giác như rất cần DN, hơn là DN cần nhà trường. Ông Dũng thấy vấn đề này thế nào?
Ông Đỗ Văn Dũng: DN trước đây thường là vừa và nhỏ, chạy theo lợi nhuận và quên đi rằng chất lượng nguồn nhân lực quyết định sự thành công. Tôi rất vui mừng khi thấy ngày càng có nhiều DN đặt hàng vấn đề này. Có DN cho học bổng tới 30 triệu đồng/ năm, bắt cam kết sau này sẽ làm cho họ...
Tuy nhiên, vấn đề là thay đổi tư duy của người quản lý DN. Họ phải cùng nhau đóng góp vào sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo. Không chỉ nhà trường có lợi mà đất nước này có lợi, DN có lợi, tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong hội nhập.
Cho nên, tôi nghĩ rằng sắp tới đây sẽ càng nhiều DN ý thức được điều này.
Tôi mong rằng Bộ GD-ĐT, Chính phủ cùng các trường, DN sẽ tổ chức những buổi hội thảo, diễn đàn giống như VietNamNet hôm nay, để bàn vấn đề này và đặt ra lộ trình cụ thể.
Điều này vừa để thay đổi cách nhìn, vừa nâng tầm hợp tác lên đỉnh cao mới, chứ không phải như lâu nay chúng ta quanh quẩn ở cấp học bổng, đưa SV thực tập, nghiên cứu một số đề tài.
Cử nhân đi làm công nhân không hẳn là thất bại của giáo dục
Nhà báo Phạm Huyền: Về vấn đề này thì ông Lộc có ý kiến gì? Trường tư thục, có lợi thế gì hơn so với các trường công lập trong mối quan hệ giữa nhà trường và DN không?
Ông Hồ Đắc Lộc: Tôi nghĩ mỗi đơn vị có đặc thù khác nhau. Lợi thế thì đơn vị nào cũng có và yếu điểm thì chẳng đơn vị nào không có, thành ra quan trọng nhất là tầm nhìn chiến lược và cách thực thi của các lãnh đạo sẽ quyết định chất lượng đào tạo.
Tôi cũng muốn chia sẻ một chút là theo tôi nghĩ không nên đổ cho DN là họ không hỗ trợ nhà trường, hoặc ngược lại không nên bảo vì trường đào tạo kém quá mà tôi không tuyển được.
Một câu chuyện nữa là ta cố công đào tạo theo các chuẩn mực nhất định, cho vị trí cụ thể cho DN nhất định tuyển dụng, nhưng liệu đó có phải là tốt nhất trong vấn đề đào tạo không?
Ông Hồ Đắc Lộc |
Tôi nhận thấy quan trọng hơn hết là môi trường chứ không phải kỹ năng cụ thể. Trong môi trường đó, SV đó có phát huy hết năng lực để sau này tham gia DN hay không.
Chỗ chúng tôi không tập trung vào một bài giảng cụ thể, ông thầy cụ thể, hay DN cụ thể mà tạo môi trường để trong đó SV, thầy giáo phát huy hết năng lực theo đúng mong muốn của họ. Khi phát huy năng lực theo mong muốn thì ra ngoài, người ta dễ dàng tìm được vị trí phù hợp nhất và phát triển được từ vị trí đó.
Chỉ giảng bài cho 1.000 SV ngành tài chính thì rất dễ, học giống nhau hết. Có những dự đoán 50 năm nữa không còn trường ĐH, vì tất cả kiến thức có thể tự học được hết. Nhưng môi trường để người ta học và phát huy được thì lại không có. Chúng ta phải là những người tạo ra môi trường.
Trong 8 năm qua, tôi tập trung xây dựng môi trường cho Trường ĐH Công Nghệ TP.HCM.
Trong môi trường đó, SV tự do một chút và có thể phát huy hết năng lực mong muốn. Giảng viên cũng được tự do. Có giảng viên thích nghiên cứu chuyển giao, nghiên cứu nhưng có giảng viên thích làm DN - hai cái đó khác nhau nhưng đều phát huy chất lượng đào tạo nhà trường.
Một điều nữa tôi muốn chia sẻ là chúng ta cứ nói chất lượng, nhưng định nghĩa chất lượng đào tạo của một trường là thế nào thì đôi khi lại không biết.
Nếu định nghĩa chất lượng là đào tạo đúng giáo trình, SV thi điểm cao, thì cái đó có phải là chất lượng hay chưa?
Ở chỗ chúng tôi quan niệm chất lượng là phù hợp với nhu cầu.
Bây giờ là cuộc cách mạng CNTT, cách mạng công nghiệp 4.0, nên trường ĐH sẽ trở thành môi trường để người ta rèn luyện, thu thập kiến thức sau đó bước ra cuộc đời và cạnh tranh sòng phẳng. Trường ĐH không còn là nơi có một chương trình đào tạo một trăm mấy chục tín chỉ, có môn Toán, Lý, môn CNTT… nữa, mà những kiến thức đó, nếu có môi trường tốt, sự hỗ trợ tốt SV sẽ tự học được.
Chính chúng ta là người tạo ra môi trường thực thi. Môi trường này càng sát thực tế bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, và nếu tạo dựng được môi trường như vậy thì từng bài toán nhỏ lẻ giữa DN A và trường B sẽ không còn là vấn đề nữa.
Quay trở lại trường hợp tốt nghiệp ĐH mà lại phải đi làm công nhân, tôi nghĩ đó không hẳn là thất bại của giáo dục, vì ít nhất chúng ta đã giáo dục một người dám định hướng cho mình, dám khẳng định mình rằng tôi có bằng ĐH mà tôi vẫn đi làm công nhân.
Nếu xã hội có nhiều người dám khẳng định mình, dám làm điều mong muốn, thì xã hội đó sẽ thành công.
Giải quyết mâu thuẫn để hai bên cùng có lợi
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Trí, từ thực tế của Microsoft Việt Nam với những khó khăn, thách thức trong tuyển dụng nhân sự, ông nghĩ thế nào về những chia sẻ của GS Lộc?
Ông Vũ Minh Trí: Tôi thấy quan điểm của các trường ĐH ở đây rất phù hợp với sự phát triển của DN. Khi tuyển dụng thì các kỹ năng mềm quyết định hơn 50% thành công của người đó. Vì khi phỏng vấn, ai cũng có thể trả lời giống như nhau về các kiến thức đã học được. Nhưng chúng tôi sẽ hỏi nhiều về hoạt động đoàn thể, hoạt động nhóm, dự án mà bạn đó từng làm trong thời SV, và chúng tôi nhìn đó như kinh nghiệm.
Tôi nghĩ kỹ năng mềm quyết định được hơn 50% thành công của một người trong xã hội.
Riêng đối với câu chuyện đặt hàng, tôi muốn chia sẻ thế này: Đối với DN, nhà trường vẫn phải đóng vai trò cung cấp kiến thức hàn lâm cho SV, chứ không thể mỗi nhà trường làm việc với 100 “ông” DN xong rồi ra 100 chương trình khác nhau, thì nhà trường thành một nơi thập cẩm. Nhà trường vẫn phải đóng vai trò cung cấp kiến thức cơ bản, kiến thức nền cho SV.
Hợp tác đặt hàng phải hiểu theo nghĩa rộng hơn. Nhà trường có bộ phận quan hệ DN nhưng hiện nay bộ phận đó phần lớn là trở về nói “à, DN này hiện nay đang cần bao nhiêu người”,… chứ chưa đi một bước sâu hơn.
Sâu hơn phải là “nhu cầu của DN như thế này nói lên xu hướng như thế này”, và như vậy có tác động ngược lại môn học để thay đổi môn học hay không, kiến thức thay đổi hay không, cho phù hợp với nhu cầu XH.
Còn tìm cách làm sao cho SV có thể thực tập được ở tất cả các DN thì chúng tôi rất ủng hộ. Chúng tôi hàng năm tuyển người, chứ không phải nhà trường đưa vào thì chúng tôi nhận. Từ hàng ngàn đơn dự tuyển, chúng tôi chỉ tuyển khoảng mười mấy người. Mười mấy người đó vào Microsoft sẽ được học việc 6 tháng có lương và được gửi ra nước ngoài đào tạo, vì thế họ phải cạnh tranh với nhau.
Chương trình đó được đưa lên trên mạng thì bộ phận quan hệ DN phải thu thập tất cả thông tin đó từ Microsoft và các DN nghiệp khác về đưa lại cho SV và chắc chắn ở đâu cũng có sự cạnh tranh chứ không có chuyện nhà trường đưa là phải nhận hết. Đó là cách để giải quyết mâu thuẫn giữa 2 bên, để hai bên cùng có lợi.
Nhà báo Phạm Huyền: Ông Trịnh nghĩ thế nào về vấn đề này?
Ông Phí Ngọc Trịnh: Có một câu chuyện như thế này: Một anh giám đốc tuyển một cô trợ lý, sau các phần ổn hết, gọi cô vào tiếp khách. Đầu tiên cô này đi ra, sau đó đi vào hỏi “Anh ơi, tiếp ở phòng nào ạ?”, thì giám đốc bảo ra phòng khách tiếp. Cô dẫn khách ra phòng khách, sau đó lại vào hỏi “Anh ơi, thế uống café hay uống trà?”, “Cái đó phải hỏi khách làm sao tôi biết”. Đi ra một lúc lại vào hỏi “Anh tiếp hay là em với anh tiếp?”, “Cô ra trước rồi tôi ra”…
Câu chuyện này cho thấy SV còn thiếu kỹ năng mềm trong công việc.
Xã hội càng ngày càng phát triển thì DN cũng liên tục phải đào tạo lại.
Để DN và nhà trường có thể gắn kết với nhau vẫn phải quay lại nhu cầu, quay lại kinh tế thị trường, là DN cần gì và nhà trường cần gì. Cần có các buổi hội thảo để DN nói ra, nhà trường nói ra, để tìm thấy điểm gặp gỡ. Chúng sẽ tạo nên thành công của cả hai bên.
Còn tiếp…
- Thực hiện: Hạ Anh - Phạm Huyền - Hồng Hạnh
- Clip: Đức Yên - Xuân Qúy - Huy Phúc
- Ảnh: Lê Anh Dũng