Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nâng cao kỹ năng của lao động Việt Nam chính là chìa khóa của nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nó cũng là chìa khóa để khai mở nguồn tài nguyên lớn nhất của đất nước chính là lực lượng lao động và đặc biệt là lực lượng lao động trẻ.

“Chúng ta đã có những thay đổi về nhận thức, có những chương trình nâng cao nguồn nhân lực có hiệu quả và cũng đã có những lao dộng đạt được giải cao trên thế giới. Song đó mới chỉ là những hiện tượng cá biệt. Cần làm sao để những đỉnh cao về nghề nghiệp đó phải trở thành phổ biến”, ông Lộc nói.

Chính vì vậy nâng cao chất lượng đào tạo và quy mô đào tạo đang trở thành vấn đề lớn.

{keywords}
Doanh nghiệp phải là động lực dẫn dắt công tác đào tạo nghề. Ảnh: Hạ Anh.

Theo ông Lộc, trong thời gian tới, chính đối tác công – tư sẽ là một công thức để thúc đẩy công tác đào tạo nghề ở Việt Nam.

“Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp cần cùng chung tay. Nhà nước tập trung làm chính sách, thể chế, còn động lực quan trọng, dẫn dắt công tác đào tạo nghề, tôi nghĩ cuối cùng vẫn phải là doanh nghiệp. Chỉ khi nào khu vực doanh nghiệp và tư nhân trở thành động lực chính trong công tác đào tạo nghề thì lúc đó chúng ta mới có thể tạo nên những bước phát triển mạnh mẽ trong khu vực này”, ông Lộc nói.

Ông Lộc cho rằng, chìa khóa để khu vực doanh nghiệp, tư nhân tham gia vào khu vực dạy nghề thì phải phát huy vai trò trung tâm của các hiệp hội ngành nghề. “Không ai hiểu các ngành nghề và các kỹ năng, kỹ thuật như chính các hiệp hội ngành nghề. Nhà nước không thể hiểu sâu như vậy được”.

Do đó, ông Lộc đề nghị thành lập hội đồng kỹ năng ngành do doanh nghiệp dẫn dắt. Theo ông Lộc, đó là một hướng đi mà có thể thúc đẩy định hướng cho phát triển ngành. Và hội đồng kỹ năng ngành cũng như các hiệp hội sẽ đóng vai trò đề ra các định hướng, tiêu chuẩn phát triển ngành và tham gia vào việc đào tạo, cấp chứng chỉ đào tạo nghề.

“Tức là hãy chuyển giao một số chức năng hiện nay mà nhà nước đang làm sang cho các hiệp hội doanh nghiệp. Nhà nước và nhà trường sẽ chung tay với các hiệp hội doanh nghiệp. Đó là việc cần thiết và quan trọng”, ông Lộc chia sẻ.

Theo ông Lộc, khi đó, các doanh nghiệp sẽ thực hiện công thức 5 đồng hành với các trường: thứ nhất phải cùng tham gia đầu tư; thứ hai là đặt hàng, định hướng chương trình đào tạo của các trường; thứ ba là tham gia vào công tác giảng dạy đào tạo; thứ tư thẩm định đầu ra và cuối cùng tuyển dụng nguồn nhân lực.

“Nếu phát huy được cơ chế 3 nhà cùng chụm lại và phát huy vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân trong việc định hướng thúc đẩy, phát triển công tác dạy nghề trong thời gian tới thì đó là chìa khóa của thành công”, ông Lộc nói.

{keywords}
Ảnh minh họa: Hạ Anh.

Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng một trong các giải pháp để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là tăng cường gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp.

"Đào tạo và sử dụng nhân lực có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động lẫn nhau theo quan hệ cung, cầu. Để có được nhu cầu của doanh nghiệp về kỹ năng, kiến thức và thái độ cần phải thiết lập mối quan hệ chặt chẽ nhà trường và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các chính sách để khuyến khích phát triển mối quan hệ hợp tác này chưa được phù hợp. Do đó, Nhà nước cần ban hành những chính sách cụ thể và đồng bộ để khuyến khích nhà trường, doanh nghiệp, người dạy, người học... trong việc thực hiện mối quan hệ hợp tác này. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về hợp tác với doanh nghiệp để doanh nghiệp sẵn sàng tham gia tất cả các công đoạn trong quá trình đào tạo. Ngược lại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ; hợp tác nghiên cứu khoa học, sản xuất sản phẩm..."

Ông Khánh cũng cho rằng cần thành lập Hội đồng kỹ năng ngành, nghề trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, các Bộ, ngành, các doanh nghiệp. Qua đó để dự báo nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo từng giai đoạn làm nhiệm vụ nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phân tích, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các ngành công nghiệp, làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Hải Nguyên

Cô gái tặng áo cho Thủ tướng

Cô gái tặng áo cho Thủ tướng

- Tại Diễn đàn Quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" diễn ra mới đây, chị Vũ Mai Hiên đã có món quà đặc biệt tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một chiếc áo do chính đôi tay được học nghề của mình làm nên.