Đồng hành cùng phát triển

Để đào tạo nghề cho lao động không thể chỉ trông cậy vào nỗ lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà rất cần sự vào cuộc tham gia của các doanh nghiệp. Thậm chí có thể coi là một mắt xích quan trọng.

Việc doanh nghiệp hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp giúp mở ra cơ hội cho học viên nghề có cơ hội được tiếp cận công nghệ, thực hành tay nghề với chính những kiến thức được học. Thậm chí tổ chức đào tạo khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập sau đó cho lao động.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã hợp tác tốt với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như: Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn BIM, Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. HCM, Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Tập đoàn Thaco Trường Hải,...

Cụ thể, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã giới thiệu 9 trường cao đẳng du lịch (Hà Nội, Hải Phòng, Thương mại và Du lịch Nghệ An, Việt Úc - Đà Nẵng, Nha Trang, TP. HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ) để đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cấp chứng chỉ sơ cấp cho người lao động đang làm việc tại Tập đoàn Mường Thanh.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã giới thiệu các trường tại Quảng Ninh đào tạo các nghề trong lĩnh vực xây dựng, du lịch để Tập đoàn BIM làm việc, hợp tác đào tạo nhân lực. Ngược lại, Tập đoàn này cũng đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho công tác huấn luyện học sinh luyện thi tay nghề thế giới.

{keywords}
Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (ngoài cùng bên trái) thăm công tác đào tạo tại cơ sở. Ảnh: Hạ Anh. 

Hay Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. HCM đã hỗ trợ 2 chuyên gia phiên dịch Nghề Mộc dân dụng và Nghề Mộc mỹ nghệ cho Hội thi tay nghề ASEAN và cam kết trao tiền thưởng cho thí sinh 2 nghề này đạt giải tại hội thi tay nghề ASEAN năm 2018. Ngược lại, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã hỗ trợ đào tạo kỹ năng dạy học cho 100 kỹ thuật viên, thợ bậc cao để làm công tác truyền nghề, hướng dẫn thực tập kỹ năng nghề cho lao động làm việc tại các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội này.

Ngoài ra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã có hình thức hỗ trợ đào tạo kỹ năng dạy học 200 kỹ thuật viên, thợ bậc cao để làm công tác truyền nghề, hướng dẫn thực tập kỹ năng nghề cho lao động làm việc tại các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam.

Hợp tác “đặt hàng” nhân lực chất lượng cao  

Sự kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng là tiền đề cho những hợp đồng đặt hàng nguồn nhân lực bài bản và chất lượng.

Các doanh nghiệp như Hoàng Long, LOD đã triển khai ký kết các hợp đồng đặt hàng với các trường cao đẳng y Hà Đông, Bạch Mai (HN), Hưng Yên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Huế, Hồng Đức (TP.HCM) để đào tạo gần 4.000 nhân viên chăm sóc đi làm việc theo hợp đồng tại Nhật Bản.

Hay Công ty Esuhai cũng làm việc với các trường (Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TP HCM, Cao đẳng nghề TP. HCM; Cao đẳng nghề Tây Ninh; Cao đẳng Y Bình Dương và các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau) về hợp tác tuyển sinh, đào tạo nghề, tiếng Nhật và định hướng việc làm sau đào tạo tại Nhật Bản.

{keywords}
Nhiều doanh nghiệp đã hợp tác tốt với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Ảnh minh họa: Hạ Anh.

Các doanh nghiệp như Lacoli, LMK, IDC làm việc với các trường (Cao đẳng Giao thông vận tải TƯ 2; Cao đẳng Du lịch Hải Phòng, Cao đẳng Du lịch Hà Nội) về hợp tác tuyển sinh, đào tạo nghề, tiếng Nhật và định hướng việc làm sau đào tạo tại nước ngoài.

Công ty SULECO cũng ký kết với Trường LILAMA 2 về đưa lao động kỹ thuật cao đi làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn tham gia trong công tác tổ chức Kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018, huấn luyện và tổ chức Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XII như Tổng công ty May 10, Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế AIC, Tập đoàn BIM, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk và Công ty TNHH Thương mại và sản xuất hóa chất sơn MT. Công ty Samsung hỗ trợ huấn luyện và tham dự thi tay nghề thế giới năm 2019 nghề Thiết kế cơ khí – CAD và Cơ điện tử. Công ty Denso hỗ trợ nghề Phay CNC và Tiện CNC;…

Tuy nhiên, nếu xét trên diện rộng, phần đa sự hợp tác của các doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa cao. Tỷ lệ hợp tác của doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ chiếm 9,11%.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong hợp tác với doanh nghiệp thì hình thức tiếp nhận học viên của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến thực tập cuối khóa học được nhiều doanh nghiệp thực hiện hơn là các hình thức hợp tác khác. Tính chung chỉ có gần 5% số doanh nghiệp thực hiện, cao nhất là khối doanh nghiệp nhà nước cũng chỉ có gần 14% thực hiện.

Hải Nguyên

 

Số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp còn ít

Số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp còn ít

- Hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp đã tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với sử dụng lao động. Tuy nhiên số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp hiện nay còn ít.