Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, căn cứ diễn biến của dịch bệnh Covid-19, Bộ đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 và theo đó thời điểm kết thúc năm học vào ngày 30/6. Kỳ thi THPT quốc gia năm học 2019-2020 sẽ tổ chức vào các ngày 23 đến 26/7.
Theo ông Trinh, đây là các mốc thời gian đủ để các trường hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định và đủ cho học sinh cuối cấp ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay (học sinh vẫn có thời gian hơn 3 tuần kể từ khi kết thúc năm học để ôn tập giống như các năm trước).
“Công tác chuẩn bị tổ chức cho kỳ thi vẫn được Bộ GD-ĐT chủ động cùng các địa phương, các cơ sở giáo dục tiến hành như các năm trước. Các địa phương, các nhà trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học để vừa hoàn thành đúng kế hoạch năm học, vừa có đủ thời gian, nguồn lực để tổ chức tốt kỳ thi năm nay”, ông Trinh nói.
Ảnh: Thanh Hùng |
“Trước đây, chúng ta tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 6; xa hơn một chút, từ 2014 về trước, tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vào 2 tuần đầu tháng 7. Khoảng thời gian tổ chức kỳ thi năm nay vào cuối tháng 7 - thường có hiện tượng thời tiết, thiên tai bất thường, nhất là hiện tượng mưa lũ, sạt lở đất ở một số tình miềng núi phía bắc và một số khác.
Từ kinh nghiệm thực tế trước đây, để chủ động ứng phó với hiện tượng thời tiết bất thường có thể xảy ra trong các ngày thi, đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết để có phương án phối hợp với các lực lượng địa phương nhất là công an, quân đội, ngành giao thông…trong việc ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan. Các địa phương phải có phương án dự phòng trong trường hợp phải thay đổi địa điểm tổ chức thi. Đồng thời, có phương án để học sinh đến trường thi và nơi cư trú an toàn trong thời gian thi. Kiên quyết không để bất kỳ học sinh nào vì khó khăn mà không thể dự thi”.
Trước những lo lắng, bất an của các học sinh lớp 12 trước nguy cơ hổng kiến thức vì kỳ nghỉ kéo dài, ông Trinh cho hay, phương thức thi THPT quốc gia năm 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019, những điều chỉnh về mặt kỹ thuật cũng chỉ liên quan đến cán bộ tham gia kỳ thi không ảnh hưởng đến thi sinh. Do đó các thí sinh có thể yên tâm học, ôn tập và chuẩn bị sức khỏe, tâm lý tốt nhất cho kỳ thi.
“Việc nghỉ học do Covid-19 đã gây xáo trộn nhất định trong việc học tập của các em. Tuy nhiên, thời gian tạm nghỉ học cũng chính là cơ hội để các em tự học, ôn tập, bổ sung kiến thức cho mình. Nếu biến điều này thành cơ hội thì thực ra các em có nhiều thời gian ôn thi hơn các năm trước”, ông Trinh nói.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các nhà trường, các gia đình cần có kế hoạch hỗ trợ các học sinh với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả để các em không bỏ phí thời gian không đến trường mà cần tận dụng thời gian này để bổ sung kiến thức còn thiếu, còn yếu và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tới.
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng |
Về đề thi, ông Trinh cho hay do kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 được giữ ổn định như năm 2019, Bộ GD-ĐT không công bố đề minh họa. Do đó, tài liệu để các thí sinh tham khảo tốt nhất là đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019.
"Phần lớn các câu hỏi trong đề thi là kiến thức cơ bản, chủ yếu ở nội dung chương trình lớp 12. Các câu hỏi trong mỗi đề thi của hầu hết các môn đều được sắp xếp theo từng nhóm về độ khó và được xếp lần lượt từ dễ đến khó để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm bài. Theo đó, các nhà trường cần tổ chức cho giáo viên, học sinh tham khảo, phân tích kỹ đề thi tham khảo và đề thi chính thức năm 2019 làm cơ sở cho việc dạy học, ôn tập đạt kết quả tốt", ông Trinh nói.
Theo ông Trinh, việc nghỉ học để phòng chống dịch trong thời gian qua và việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch tuyển sinh chính quy năm 2020 nhưng các trường ĐH, CĐ không bị động.
“Bộ GDĐT đã kịp thời chỉ đạo các có sở đào tạo có kế hoạch phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020. Đồng thời vẫn sẵn sàng tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2020 tại các địa phương cũng như làm tốt công tác tuyển sinh của trường mình. Với khung thời gian như đã nêu trên, nếu tình hình dịch bệnh không có diễn biến bất thường, phức tạp hơn trong thời gian tới thì công tác thi THPTQG và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 sẽ được triển đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ lịch trình, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021.
Việc huy động giảng viên từ các đại học tham gia tổ chức kỳ thi cũng đã được tính đến và hoàn toàn có thể đáp ứng được theo lịch thi mới. Cũng cần nói thêm rằng, với việc ứng dụng hiệu quả CNTT trong công tác thi, tuyển sinh những năm gần đây thì công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2020 theo lịch trình mới sẽ không ảnh hưởng gì lớn đối với các trường”.
Từ thành công của kỳ thi THPT quốc gia 2019, trên tinh thần không lơ là, chủ quan, Bộ GD-ĐT sẽ cùng các địa phương, các cơ sở giáo dục tiếp tục chuẩn bị, rà soát, điều chỉnh các yếu tố kỹ thuật để hướng tới tổ chức kỳ thi năm 2020 tốt hơn, đảm bảo nghiêm túc, công bằng, khách quan, không để xảy ra gian lận, tiêu cực.
Một số điều chỉnh cụ thể sẽ được quy định trong Quy chế thi sắp ban hành và sẽ có hướng dẫn chi tiết, cùng với việc tập huấn kỹ càng để đảm bảo mọi cán bộ tham gia Kỳ thi đều phải nắm vững quy chế, quy trình, hiểu đúng, làm đúng nhiệm vụ được phân công.
Theo ông Trinh, hiện, dự thảo sửa đổi quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 đã được đăng mạng để lấy ý kiến dư luận và dự kiến quy chế sẽ công bố vào giữa tháng 3. Cùng với ban hành quy chế, Bộ cũng sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế và tổ chức tập huấn đầy đủ, kỹ càng cho tất các các cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi. Mọi công tác này, Bộ GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch cụ thể và sẽ triển khai đúng kế hoạch, lịch trình theo lịch thi mới.
Thanh Hùng
Những lưu ý để đạt kết quả cao thi THPT quốc gia năm 2020
- TS Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) đã lưu ý học sinh về định hướng ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.