Ngày 17/4, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị “Đào tạo trực tuyến giáo dục đại học trong dịch Covid-19” tại hơn 300 điểm cầu. Đại diện các trường đại học trên cả nước đã nêu ra những thách thức còn gặp phải khi triển khai phương thức đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, các ý kiến đều đồng tình, đây là một cơ hội tốt cho việc phát triển giáo dục đại học theo hướng số hóa trong đào tạo.
Linh hoạt trong việc học, thi đánh giá
Chia sẻ tại hội nghị, lãnh đạo ĐH Thái Nguyên cho biết, kể từ đầu năm 2020, ĐH Thái Nguyên đã tăng cường tổ chức học trực tuyến và cố gắng duy trì mọi hoạt động ngay cả khi sinh viên không đến trường.
Mặc dù có những khó khăn về kinh nghiệm giảng dạy online, vấn đề học phí hay việc trang bị công cụ học tập khi 70% sinh viên là con em vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng khó khăn,… nhưng quan điểm của nhà trường vẫn coi đây là một phương thức đào tạo cơ bản. Hiện trên 90% môn học tại ĐH Thái Nguyên đã triển khai đào tạo trực tuyến.
Tương tự, tại Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, bên cạnh việc giảng dạy trực tuyến, nhà trường đã linh động tiến hành thi kiểm tra, đánh giá học phần bằng hình thức thi online thông qua Webex Meetings. Hiện các học phần thi vấn đáp, bài tập lớn, tiểu luận của học kỳ II đã được nhà trường hoàn thành thông qua việc tổ chức thi online với tỉ lên tới 93,8% sinh viên tham gia.
Hội nghị “Đào tạo trực tuyến giáo dục đại học trong dịch Covid-19” diễn ra tại các điểm cầu.
Đối với Viện ĐH Mở Hà Nội, TS Dương Thăng Long - Phó Viện trưởng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có 42% sinh viên tham gia vào hình thức học trực tuyến toàn bộ.
Tại thời điểm dịch từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4, có hơn 1 triệu lượt đăng nhập vào lớp học, hơn 1.600 số lớp tín chỉ đã được mở trên hệ thống LMS với thời gian duy trì học tập trên hệ thống trực tuyến là hơn 14 triệu phút.
Hiện Viện ĐH Mở Hà Nội đang nghiên cứu triển khai việc tổ chức khảo thí hết học phần bằng hình thức thi trực tuyến và chủ yếu bằng hình thức thi vấn đáp.
“Thầy cô sẽ là người hỏi trực tiếp trên hệ thống. Kể cả bảo vệ đồ án tốt nghiệp cũng bằng hình thức vấn đáp và tương tác trực tuyến, nhờ đó giáo viên có thể đánh giá được kết quả học tập của người học”, TS Long cho biết.
Là ngôi trường tiếp cận sớm với hình thức học online, trước thời điểm dịch, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã ứng dụng phương pháp học Blended learning. Theo đó, sinh viên chủ yếu học lý thuyết thông qua hình thức học online trước, sau đó lên lớp sẽ ứng dụng kiến thức đã học được vào các dự án cụ thể.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường, nhờ cách thức học này, 3 năm liền sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM liên tục đoạt giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học.
Khi dịch bệnh xảy đến, sinh viên trường không còn e dè với việc học 100% trực tuyến.
“Trong mùa dịch này, chúng tôi mở được gần 5.300 lớp học. Các hoạt động của trường vẫn tổ chức bình thường như khi bắt đầu học kỳ và đem lại sự thành công rất lớn. Hiện 100% giảng viên cơ hữu của trường tham gia giảng dạy online và có 23.000 sinh viên theo học”.
Ông Dũng cũng cho biết, trong thời gian tới, kể cả khi hết dịch, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM vẫn sẽ tiếp tục triển khai dạy học online cho đến hết học kỳ. Việc tới lớp chỉ dành cho các tiết học thực hành.
Các trường cùng bắt tay xây dựng kho dữ liệu
Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong 2 tuần đầu trường triển khai giảng dạy trực tuyến, có 99% các lớp lý thuyết và bài tập đã chuyển sang hình thức này. Mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng Covid-19 cũng tạo ra sự thúc đẩy tích cực.
Theo ông Sơn, các trường đại học nên coi đây là cơ hội của quá trình chuyển đổi số, trong đó các trường cần có sự kết nối và liên thông với nhau để chia sẻ về tài nguyên học tập nhằm phục vụ cho đào tạo một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa đề xuất, Bộ GD-ĐT cần xây dựng quy chế, quy chuẩn dựa trên đảm bảo chất lượng, đứng về phía người học thay vì đi quá sâu về kỹ thuật (byte, băng thông,…) vì công nghệ sẽ thay đổi liên tục.
Quang cảnh hội nghị
Trước những kinh nghiệm và ý kiến đóng góp từ phía các trường ĐH, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thông tin, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang sửa đổi quy chế đào tạo chính quy đại học, trong đó cho phép các trường được triển khai một số tỷ lệ nhất định đào tạo trực tuyến trong toàn bộ chương trình.
Đây là cách thức mà các trường đại học nước ngoài đã thực hiện và cho thấy hiệu quả, bởi hình thức này sẽ tạo điều kiện cho sinh viên học mọi lúc mọi nơi, phát huy được khả năng tự học.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường chia sẻ học liệu, chia sẻ khóa học trực tuyến để cùng nhau hỗ trợ trong đào tạo; cùng xây dựng kho học liệu mở dùng chung.
“Chung ta xây dựng nên tri thức chung là kho học liệu số cho khối giáo dục đại học hoặc đưa lên MOOCs. Các cơ sở giáo dục đại học phải nhận thức rằng giai đoạn khó khăn này lại chính là thời cơ trong quá trình chuyển đổi số trong khối giáo dục đại học. Khối giáo dục đại học phải đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ này”.
Thứ trưởng Phúc cho rằng, nếu các cơ sở giáo dục đại học tận dụng tốt cơ hội này thì về lâu dài, đào tạo của nhà trường sẽ chất lượng hơn, phương thức đào tạo sẽ đa dạng hơn, sinh viên có nhiều lựa chọn hơn trong quá trình học tập.
Bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, tính đến ngày 13/4, cả nước có 110 trường tham gia đào tạo trực tuyến, trong đó có 63 trường công lập (42,3%), 42 trường ngoài công lập (70%) và 5 trường nước ngoài. Có 104 trường chưa đào tạo trực tuyến, trong đó có 86 trường công lập (57,7% trong số trường công lập), 18 trường ngoài công lập (30% trong số trường ngoài công lập). Ngoài ra, 33 trường khối an ninh - quốc phòng đều học trực tiếp, không đào tạo trực tuyến. |
Thúy Nga
4 tuần online cùng sinh viên của giáo sư khảo cổ học
“Thời của “multichoice”, giảng viên nên tận dụng mọi phương cách, miễn sao có lợi cho sinh viên của mình”. Đó là khẳng định của GS TS Lâm Thị Mỹ Dung sau 4 tuần “online” cùng sinh viên.