Sáng nay (8/5), Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tại hơn 300 điểm cầu về công tác tuyển sinh năm 2020. Ngay trước khi diễn ra hội nghị, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành quy chế Tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ rằng Bộ GD-ĐT mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện dự thảo Quy chế Tuyển sinh. Ông và đội ngũ tham mưu đã phải đọc rất nhiều, lắng nghe các ý kiến phản hồi để đưa ra phương án cuối cùng.
Ông Nhạ cũng nhắc lại tình trạng một số trường đại học liên tục thay đổi phương án thi tuyển sinh trong thời gian qua. Theo ông Nhạ, những thông báo về chủ trương liên quan tới tuyển sinh thể hiện ý thức trách nhiệm xã hội của khối giáo dục đại học đối với thí sinh và phụ huynh, các trường cần phải rút kinh nghiệm.
Sẽ đối sánh phổ điểm tốt nghiệp với học bạ
Trao đổi tại hội nghị, các ông Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng đề thi minh họa cho thấy sự phân hóa. Tuy nhiên ông Quang cho rằng để các trường có thể sử dụng kết quả thi này để xét tuyển hiệu quả hơn, đề thi vẫn cần phân hóa sâu hơn nữa.
“Giả sử mức điểm từ 5 - 5,5 điểm sẽ phục vụ cho việc tốt nghiệp, thì từ 6 – 10 điểm nên có những câu hỏi có sự phân hóa sâu để các trường đại học lựa chọn khung sẽ rõ ràng hơn”, ông Quang khuyến nghị.
Đại diện các Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Y Hà Nội cũng mong muốn đề thi có sự phân hóa hơn để đảm bảo công bằng và tính phân loại. Có như vậy, khối các trường y dược trên cả nước có thể yên tâm sử dụng kết quả này vào việc tuyển sinh.
Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chủ trì hội nghị về tuyển sinh 2020
Phản hồi về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã rất nỗ lực để ngày hôm qua công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Đề thi tới đây sẽ theo định hướng rất sát đề thi tham khảo đã công bố trước đó. Các trường phổ thông và trường đại học hoàn toàn có thể yên tâm”, ông Trinh nói.
Theo ông Trinh, tương tự độ phân hóa khá tốt trong đề thi tham khảo vừa qua, kỳ thi tới đây chắc chắn sẽ hỗ trợ phần lớn các trường đại học trong công tác tuyển sinh nếu dựa vào kỳ thi này.
Bên cạnh đó, các trường tốp đầu cũng có thể yên tâm vì độ phân hóa để lấy học sinh giỏi, học sinh xuất sắc với ngưỡng điểm 9, điểm 10 cũng sẽ có.
Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể đạt được nếu kỳ thi được tổ chức nghiêm túc. Ông Trinh cho rằng đó là “chìa khóa” cuối cùng và cũng là điều các trường cần phải phấn đấu để sẵn sàng tham gia cùng Bộ GD-ĐT vì công việc chung.
“Việc sử dụng kết quả này ở mức độ nào thì các trường phải chủ động. Tuy nhiên, các trường phải tính toán để không lặp lại mô hình tuyển sinh đã trải qua trong chặng đường những năm 2014 trở về trước”, ông Trinh nói.
GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, trước khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế này, các trường thuộc khối ngành sức khỏe rất lo ngại và dự tính sẽ tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh riêng. Tuy nhiên đến thời điểm này, các trường yên tâm vì đã có ngưỡng đảm bảo mặt bằng chung và đề thi mang tính phân loại.
Đối với việc các trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ, ông Nhạ lưu ý quá trình chuyển đổi chất lượng điểm trong học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau. Có những vùng học bạ "rất long lanh" nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Vì thế, những trường dành chỉ tiêu về học bạ phải rất chú ý.
"Năm nay, sau khi có phổ điểm tốt nghiệp THPT chúng ta sẽ tiến hành đối sánh với học bạ. Điều này sẽ cho thấy chất lượng thực với chất lượng đánh giá của địa phương như thế nào. Học bạ điện tử được áp dụng rộng rãi nên các trường có thể yên tâm, xã hội sẽ thực hiện giám sát điều này", ông Nhạ nói.
Thi tuyển sinh riêng không đơn giản
Chia sẻ về việc tuyển sinh riêng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng điều này không phải dễ dàng với bất kỳ trường đại học nào, kể cả những trường đại học top đầu trong hệ thống.
Theo ông Nhạ, tổ chức kỳ thi riêng “không phải muốn làm gì thì làm” mà phải theo tuân thủ theo quy định, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công bằng. Thi cũng phải có chuẩn, ngân hàng câu hỏi; điều kiện tổ chức công khai và có sự giám sát.
“Nhiều người nhận thức về kỳ thi có vẻ đơn giản nhưng thực tế không dễ dàng như vậy. Ngay cả những nước như Mỹ để có được trung tâm khảo thí độc lập cũng phải mất vài chục năm. Chúng ta cũng sẽ tiến tới có các trung tâm khảo thí độc lập, tuy nhiên, phải có lộ trình dần từng bước”, ông Nhạ nói.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị
Còn việc phỏng vấn hay kiểm tra khảo sát thêm như thi năng khiếu để đánh giá thí sinh là quyền của nhà trường, mà theo ông Nhạ, Bộ rất khuyến khích.
Là ngôi trường đặc thù, Ông Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, cho biết năm nay nhà trường đã rất chủ động xây dựng đề án tuyển sinh, trong đó môn Ngữ văn được xét tuyển từ học bạ và điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn kỳ thi năng khiếu sẽ tổ chức riêng.
Để thực hiện chủ trương của Bộ nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm, trường đã nghiên cứu nâng điểm tuyển sinh môn Ngữ văn vào các ngành sư phạm để tuyển những thí sinh vừa có văn hóa, vừa có năng khiếu.
Lắng nghe ý kiến này, ông Nhạ khẳng định Bộ khuyến khích các trường có ngành sư phạm tổ chức kiểm tra năng khiếu đối với thí sinh.
"Ví dụ như lĩnh vực thể thao, nhiều em có năng khiếu, là hạt giống tốt cần phải được ưu tiên. Điểm cao cũng là tốt, nhưng năng khiếu cũng rất cần. Bên cạnh đó, khối trường nghệ thuật có thể liên kết với nhau để thi tuyển năng khiếu và sử dụng kết quả đó tuyển sinh", Bộ trưởng gợi ý.
Thúy Nga
Đề thi tốt nghiệp THPT sẽ phân hóa, trường đại học thi riêng có điều kiện mới
- Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ có sự phân hóa, các trường đại học có thể yên tâm tuyển sinh. Những trường tổ chức thi riêng có nhiều điều kiện mới.