Bao giờ điểm trường sư phạm được như công an, quân đội? Với điểm đầu như vậy, lực lượng giáo viên sau này sẽ ra sao?...
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT đưa ra quan điểm của mình trước hiện tượng được cho là đáng lo ngại đối với chất lượng đào tạo sư phạm trong thời gian tới.
- Trượt nguyện vọng 1: Điểm ưu tiên không phải là bất di bất dịch
- Tại sao 12,75 điểm lại trúng tuyển ngành sư phạm?
Bao giờ điểm chuẩn sư phạm được như công an, quân đội?
Nhà báo Phạm Huyền: Trong khi điểm chuẩn các trường công an quân đội lên tới 30 điểm, trường y cũng lên tới 29,25 thì khối các trường sư phạm điểm chuẩn thấp, nhiều trường có điểm chuẩn bằng điểm sàn.
Có người đã đặt câu hỏi: Bao giờ điểm chuẩn trường sư phạm được như công an, quân đội? Với điểm đầu vào thấp như vậy, lực lượng giáo viên sau này sẽ ra sao? Ông có cảm thấy lo lắng khi nhìn hiện tượng như vậy không?
- Ông Phạm Tất Thắng: Tôi chia sẻ với những băn khoăn của dư luận xã hội. Rõ ràng ta vẫn quan niệm sư phạm là máy cái đào tạo đội ngũ giáo viên để đào tạo thế hệ kế tiếp.
Chất lượng học sinh đương nhiên phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của thầy cô giáo, và chất lượng của thầy cô giáo phụ thuộc vào chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học. Về nguyên tắc, thí sinh điểm cao sẽ là những sinh viên giỏi.
Khi chúng ta có chủ trương miễn học phí cho sinh viên sư phạm, thì điểm của các trường sư phạm thuộc top cao nhất, và điều này kéo dài trong một số năm. Sau đó, do những biến động về kinh tế xã hội, những chính sách ấy ở thời điểm này dường như không còn sức hấp dẫn. Tôi cho rằng việc này liên quan đến hoạch định chính sách. Có lẽ, một chính sách không nên áp dụng thời hiệu quá dài mà phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội để thay đổi. Và việc xét tuyển vào các trường sư phạm năm nay là một sự nhắc nhở với chúng ta.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội |
Chúng ta cần có những chính sách mới mạnh hơn để thu hút sinh viên giỏi vào các trường sư phạm.
Nếu so với các trường công an, quân đội, có thể thấy sự tương quan khá lí thú. Thứ nhất, các trường công an, quân đội có đầu ra rất ổn định. Học viên tốt nghiệp được bố trí công việc với thu nhập cao hơn mức lương công chức thông thường, và các điều kiện làm việc khác khá ổn định.
Thứ hai, cánh cửa vào rất hẹp, chỉ tiêu rất ít. Đặc biệt các trường công an, quân đội ưu tiên tuyển các chiến sỹ đã hoàn thành nghĩa vụ để tiếp tục học trở thành lực lượng phục vụ.
Tất cả những cái chúng ta nêu vẫn là điều kiện ưu tiên, tạo ra công việc ổn định, mức lương tốt. Đó là những chính sách chúng ta cần lưu ý để khi áp dụng với các trường sư phạm có thể cải thiện được tình trạng như hiện nay.
Cần chính sách chứ không phải điểm sàn riêng
Nhà báo Phạm Huyền: Từ hiện tượng này, có nên đưa ra mức điểm tối thiểu riêng cho ngành sư phạm?
- Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Tôi cũng chia sẻ lo lắng đó. Là người trong ngành, tôi còn lo lắng nhiều hơn. Nhưng chúng ta biết là thí sinh có quyền tự do của công dân, họ có quyền tự do lựa chọn. Không phải là để mức điểm cao thì người có điểm cao sẽ lựa chọn vào học, mà phải có chính sách để thu hút. Nếu không có chính sách thu hút, ngành sư phạm không hấp dẫn.
Trước đây đã có tình trạng như hiện nay, và chúng ta có chính sách miễn học phí. Trong điều kiện lúc đó, chính sách này đã thu hút được thí sinh giỏi. Nhưng hiện nay, học phí không còn là khó khăn của đa số học sinh nữa. Chính sách miễn học phí không phát huy được tác dụng trong thời gian này.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT |
Ngành sư phạm có chính sách ưu đãi nghề, ưu đãi thâm niên…, nhưng có lẽ không đủ mạnh để cạnh tranh với các ngành khác. Nếu so với bên công an, thì thí sinh nữ muốn vào phòng cháy chữa cháy có phải do ngành đó hấp dẫn không? Hay cái hấp dẫn là chính sách bao cấp cho người học và đảm bảo đầu ra - trúng đại học là vào biên chế của ngành?
Cái khác hẳn nhau là như vậy, là chính sách chứ không phải là điểm sàn. Có điểm sàn riêng cũng sẽ không thay đổi. Vì vậy, cần sự thay đổi đồng bộ các chính sách không chỉ cho sinh viên sư phạm mà cho cả giáo viên.
- Ông Phạm Tất Thắng: Tôi xin bổ sung, đúng là không phải cứ đặt ra mức điểm sản cao thì chúng ta mới thu hút được học sinh giỏi vào trường đó, nhưng tôi ủng hộ quan điểm đặt ra điểm sàn riêng cho sư phạm để đảm bảo chất lượng của sinh viên mà chúng ta đào tạo ra.
- Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Tôi muốn nói một chút về điểm chuẩn của Trường ĐHSP Huế. Đó là do họ lấy điểm môn chính nhân 2 rồi sử dụng phần mềm hỗ trợ quy về thang điểm 30. Do điểm môn chính không cao nên quy về thang điểm không cao, chứ không phải họ lấy điểm chuẩn dưới điểm sàn.
Chúng tôi cũng rất “đau đầu” khi ngành sư phạm không có sức cạnh tranh. Ở những vùng miền khó khăn thì còn khó hơn. Những nơi lấy điểm chuẩn thấp là các trường địa phương, các trường cao đẳng. Còn như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM điểm chuẩn vẫn cao. Đây vừa là yếu tố ngành và vùng miền, chúng ta buộc phải chấp nhận còn hơn là không có. Đó là bài toán cần nhiều người chung tay để giải quyết cùng với ngành giáo dục.
Xin cảm ơn ông/ bà.
Kỳ tuyển sinh đại học 2017 đã kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên với biến động điểm chuẩn kỷ lục cao chưa từng thấy. Nhiều băn khoăn về điểm chuẩn, điểm ưu tiên, cơ chế ra đề đã được mổ xẻ tại bàn tròn trực tuyến "Thấy gì từ kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học" vừa diễn ra tại VietNamNet ngày 4/8 Bàn tròn có sự tham gia của 3 khách mời: -Ông Phạm Tất Thắng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. -Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT -Bà Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương. Chương trình bàn tròn trực tuyến này đã phát live hôm 4/8, quý bạn đọc có thể xem lại tại đây. |
VietNamNet thực hiện